Phát triển du lịch cộng đồng bền vững

31/03/2023 - 05:30

BDK - Thời gian qua, hoạt động du lịch cộng đồng (DLCĐ) trên địa bàn tỉnh hình thành và phát triển khá nhiều. Trong đó tập trung chủ yếu tại các xã phía Nam TP. Bến Tre, 8 xã ven sông Tiền của huyện Châu Thành. Gần đây, loại hình DLCĐ tiếp tục được hình thành và phát triển đến các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh như: Long Thới, Vĩnh Thành, Phú Sơn, Vĩnh Hòa (Chợ Lách); Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm); An Hiệp (Ba Tri); Tam Hiệp (Bình Đại).

Du khách trải nghiệm tại homestay cồn Bà Tư, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại. Ảnh: T. Đồng

Khai thác văn hóa bản địa

DLCĐ phát triển đã và đang góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư, quảng bá hình ảnh địa phương, con người Bến Tre. Tuy nhiên, các mô hình DLCĐ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là tự phát, chưa được tổ chức chuyên nghiệp, chưa có nhiều sản phẩm du lịch (DL) đặc thù, số lượng còn ít và quy mô nhỏ. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động DLCĐ chưa đảm bảo, nguồn nhân lực tham gia phục vụ DL cho loại hình này còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp.

Để hoạt động DLCĐ trên địa bàn tỉnh phát triển đúng hướng, đồng bộ, chuyên nghiệp, đồng thời đảm bảo mang lại lợi ích và nâng cao thu nhập cho cộng đồng tham gia hoạt động DL, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

UBND tỉnh xác định, phát triển DLCĐ trên cơ sở khai thác và phát huy các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc để xây dựng các chương trình trải nghiệm chân thực, trở thành sản phẩm DL đặc trưng, tạo thương hiệu cho DL tỉnh. Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển DL, trong đó phát huy vai trò cộng đồng địa phương trong phát triển DL bền vững.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng nhắm đến việc phát triển sản phẩm DLCĐ, tăng cường sự tương tác trải nghiệm giữa du khách và người dân địa phương thông qua những hoạt động gắn với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và ý thức của người dân và cộng đồng địa phương trong việc giữ gìn cảnh quan tự nhiên, những giá trị vật chất và văn hóa truyền thống.

Phát triển DLCĐ nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, phong tục, tập quán của người dân bản địa; bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Qua đó, xây dựng môi trường DL thân thiện gắn với chương trình phát triển DL nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” để giới thiệu, quảng bá, thu hút khách DL trong và ngoài nước.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, DLCĐ góp phần thu hút khoảng từ 2,3 - 3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 40 - 45% (khoảng 1,1 triệu lượt); đến năm 2030, DLCĐ góp phần thu hút khoảng từ 3,2 - 5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 46 - 48% (khoảng 1,5 triệu lượt). Phấn đấu tổng thu từ khách DL đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 22 - 25% đến năm 2025 và 24 - 25%/năm đến năm 2030.

Phát triển đồng bộ, bền vững

Trong giai đoạn hiện nay, việc ứng dụng chuyển đổi số để phát triển kinh tế - xã hội là một chủ trương lớn. Phát triển DL nói chung, DLCĐ nói riêng cũng cần phải gắn liền với quá trình chuyển đổi số. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 50% điểm DLCĐ tham gia chuyển đổi số và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến DL bằng công nghệ số; đến năm 2030, có 100% điểm DLCĐ được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến DL bằng công nghệ số.

Du khách trải nghiệm làm bánh tại một homestay ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Thanh Đồng

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển DLCĐ cần được quan tâm trước tiên để tạo sự quan tâm, chú ý của cộng đồng dân cư, các cấp các ngành đối với loại hình DL mới mẻ này. Công tác tuyên truyền, quảng bá cần được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm tạo ấn tượng mạnh mẽ, hấp dẫn, lôi cuốn.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tạo cơ chế, chính sách phù hợp để tạo nền tảng cho phát triển DLCĐ. Có cơ chế, chính sách tốt thì DL nói chung, DLCĐ nói riêng sẽ phát triển đồng bộ, bền vững.

Mặt khác, liên kết là một yêu cầu cấp bách của phát triển DL nói chung trong tình hình hiện nay. Tỉnh hiện đang có chương trình liên kết phát triển DL với các tỉnh như Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục củng cố, hoàn thiện các tuyến DLCĐ liên tỉnh, trong vùng.

Một yếu tố không thể thiếu trong hoạt động DL là phải có sản phẩm, tua tuyến DL đủ sức hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách. Theo lộ trình từ nay đến năm 2025 và 2030, tỉnh đề ra mục tiêu hàng năm, phấn đấu mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 1 mô hình DLCĐ. Trước mắt tập trung củng cố, xây dựng và cơ bản hình thành ít nhất 3 mô hình DLCĐ trên địa bàn huyện Bình Đại, Ba Tri, Chợ Lách và TP. Bến Tre. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 5 sản phẩm OCOP DL và đến năm 2030 có ít nhất 15 sản phẩm OCOP DL đạt chuẩn từ 3 - 5 sao.

“Các cơ sở DL cần chủ động hơn nữa trong việc làm mới sản phẩm DL nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ, thú vị, mang tính cạnh tranh cao. Phát huy nội lực, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, DL của tỉnh để xây dựng các sản phẩm DL hấp dẫn mang đặc trưng thương hiệu DL Bến Tre, từ đó thu hút du khách trong và ngoài nước đến Bến Tre ngày càng nhiều hơn”.

 (Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam phát biểu tại buổi họp mặt doanh nghiệp du lịch)

Trương Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN