Phát triển công nghiệp tỉnh chưa đạt mục tiêu (kỳ 2)

30/03/2020 - 06:53

Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc (Giồng Trôm). Ảnh: PV

Làng nghề truyền thống

Toàn tỉnh có 57 làng nghề được công nhận, trong đó có 18 làng nghề công nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, nhiều làng nghề trên lĩnh vực nông nghiệp bị mai một, không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Theo nhận định của nhiều đại biểu các sở, ngành, tiểu thủ công nghiệp và sự phát triển của các làng nghề là tiền đề, động lực góp phần không nhỏ cho sự phát triển công nghiệp (CN), nhất là CN nông thôn.

Một trong những bất cập khác là công tác mời gọi và hiệu quả đầu tư của các ngành CN có nguồn vốn nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp (KCN) - cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh còn rất thấp. Tính từ năm 2015 đến nay, chỉ có 4 doanh nghiệp đầu tư trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, sản xuất hàng tiêu dùng, thương mại - dịch vụ với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 20 ngàn USD.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Quới - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, các doanh nghiệp FDI chỉ đầu tư trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ, các lĩnh vực, ngành nghề khác còn rất hạn chế, nhất là chưa thể hoặc tham gia rất ít trong chuỗi các ngành nghề quy hoạch chủ lực của tỉnh; sự liên kết chưa nhiều dẫn đến CN tỉnh nhà chủ yếu là CN gia công, phụ trợ, không có nhiều giá trị tăng thêm, dành cho xuất khẩu… Công nghệ của các doanh nghiệp trong các KCN - CCN tỉnh chỉ ở mức trung bình, chưa thật sự tiên tiến.

Theo phân tích của ngành chuyên môn và đánh giá từ thực tế, các KCN - CCN tỉnh đã góp phần rất lớn trong giải quyết việc làm cho tỉnh. Trong đó, các doanh nghiệp có nguồn vốn FDI đã giải quyết cho hơn 27 ngàn lao động. Nguồn nhân lực của tỉnh được đánh giá còn dồi dào, chất lượng ngày càng được nâng cao với hơn 56% lao động qua đào tạo. Tuy nhiên, nguồn nhân lực ngày càng có xu hướng dịch chuyển ra ngoài tỉnh do chính sách thu hút lao động và sử dụng lao động của các doanh nghiệp tại các KCN - CCN chưa hấp dẫn người lao động.

“Chúng ta không phải “nóng vội” trong việc phải “lấp đầy” càng nhanh, càng tốt đối với diện tích đất cho thuê tại các KCN - CCN dù đây là điều kiện theo quy định trước khi tỉnh muốn mở thêm các KCN - CCN khác. Vấn đề khiến CN tỉnh nhà phát triển chưa đúng với mục tiêu mà Nghị quyết số 14 đề ra là về vốn, hạ tầng, quỹ đất, quy hoạch ngành nghề, công tác xúc tiến thương mại, cải cách thủ tục hành chính, giá đền bù và thuê đất, thương mại - dịch vụ đi kèm… Đây là những vấn đề cần bàn tính thật kỹ và có giải pháp căn cơ hơn nữa cho giai đoạn tiếp theo” - Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Huỳnh Quang Triệu nhấn mạnh.

Giải pháp cho thời gian tới      

Từ nhận định, đánh giá và những đề xuất, kiến nghị của các địa phương, các ngành liên quan, để thật sự cho CN phát triển mạnh mẽ và tạo sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế theo hướng CN hóa và bền vững. Với vai trò quản lý và điều hành, UBND tỉnh cùng các ngành cũng có nhiều đề xuất, đưa ra giải pháp về tạo lập nguồn vốn cần thiết cho đầu tư phát triển CN - giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất sạch, xây dựng đồng bộ về hạ tầng trong và ngoài các KCN - CCN. Hoàn chỉnh hạ tầng các KCN - CCN hiện có, tăng cường công tác khuyến công, cải cách cơ chế thu hút và mời gọi đầu tư, cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục rà soát, quy hoạch lại các CCN cho phù hợp thực tế và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập cho rằng, so với nhiều địa phương trong khu vực thì CN tỉnh nhà có sự phát triển khá nhanh. Tỷ lệ lấp đầy các KCN - CCN được đánh giá rất cao, chính sách ưu đãi, giá thuê đất… khá hấp dẫn. Tuy nhiên, UBND tỉnh và các ngành liên quan cũng cần bàn bạc lại, tìm giải pháp mang tính “đột phá” hơn trên lĩnh vực này trong giai đoạn tới, nhất là nguồn vốn đầu tư ban đầu để tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Đây là điều kiện cần thiết để thu hút và đẩy nhanh sự phát triển CN của tỉnh, nhất là việc mời gọi và thu hút các doanh nghiệp có nguồn vốn FDI.

 Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN