Phát triển công nghiệp chế biến tạo năng lực sản xuất mới
08/11/2024 - 05:24
BDK - Nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp (CN), đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29-1-2021 về phát triển CN chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3070/KH-UBND ngày 1-7-2021 triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy.
Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận, huyện Bình Đại để thu hút đầu tư.
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết: Để tiếp tục thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển CN và phương án phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh, tỉnh sẽ tích cực xúc tiến, thu hút đầu tư thứ cấp và hạ tầng các CCN trên địa bàn các huyện, thành phố; tiếp tục theo dõi, hỗ trợ đầu tư hạ tầng các CCN Tân Thành Bình, Phong Nẫm, thị trấn An Đức. Tỉnh tập trung đầu tư hoàn thành hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Phú Thuận và giao đất cho các nhà đầu tư; chủ động tháo gỡ khó khăn cho các dự án (DA) phát triển CN để tạo năng lực sản xuất mới.
Tỉnh thực hiện có hiệu quả về khuyến công; triển khai Đề án hỗ trợ các cơ sở CN nông thôn phát triển sản xuất các sản phẩm từ dừa giai đoạn 2024 - 2025. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ xanh vào sản xuất.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh sẽ phát triển 7 KCN với tổng diện tích 1.372ha và 14 CCN với tổng diện tích 918ha. Theo đó, tỉnh định hướng đẩy mạnh phát triển CN chế biến dừa, thủy sản, CN hỗ trợ, năng lượng và các ngành CN có tiềm năng phát triển khác trở thành những ngành chủ lực của tỉnh; ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyên môn hóa cao, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên của địa phương, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, tỉnh còn ban hành một số chính sách, quy định ưu đãi đầu tư cho DA thứ cấp trong và ngoài KCN. Tỉnh đã ban hành Quyết định số 17/2024/QĐ-UBND ngày 13-5-2024 về việc quy định tiêu chí ưu tiên thu hút DA đầu tư vào các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh hiện có 2 KCN, gồm KCN Giao Long và KCN An Hiệp đã lấp đầy 100%; đang triển khai xây dựng KCN Phú Thuận. Cụ thể, KCN Giao Long giai đoạn I, có 24 DA đầu tư thứ cấp còn hiệu lực gồm 9 DA trong nước với vốn đăng ký hơn 2.611 tỷ đồng và 15 DA có vốn đầu tư nước ngoài, với vốn đăng ký hơn 211 triệu USD. KCN Giao Long giai đoạn II, có 13 DA đầu tư thứ cấp còn hiệu lực gồm 7 DA trong nước với vốn đăng ký là 1.105 tỷ đồng và 6 DA có vốn đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký hơn 108 triệu USD. KCN An Hiệp có 16 DA đầu tư thứ cấp còn hiệu lực, gồm 12 DA trong nước với vốn đăng ký đầu tư hơn 2.879 tỷ đồng và 4 DA có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 146 triệu USD.
Ngoài ra, địa phương có 8 CCN với 267,94ha; trong đó, 4 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động có 29 DA đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 8.200,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 10.053 lao động.
Theo Sở Công Thương, hoạt động sản xuất CN - tiểu thủ CN của tỉnh tiếp tục trên đà phục hồi. Các doanh nghiệp, cơ sở tập trung gia tăng sản xuất để hoàn thành kế hoạch. Năm 2024, giá trị sản xuất CN - tiểu thủ CN ước đạt 42.300 tỷ đồng, tăng 7,93% so với cùng kỳ. Riêng giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa năm 2024 ước đạt 3.650 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu dừa ước đạt hơn 476 triệu USD, tăng 20,74% so với cùng kỳ, chiếm 27,69% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.