Phát huy vai trò có tính quyết định của người đứng đầu trong xây dựng Đảng

12/03/2012 - 16:15

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) chỉ rõ vai trò lãnh đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương là một trong những trọng tâm công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Người đứng đầu là người được Đảng, Nhà nước, đoàn thể, nhân dân chọn lựa cử ra chịu trách nhiệm lãnh đạo một cách toàn diện, hệ thống mọi hoạt động trong phạm vi mình quản lý.

Lãnh đạo của người đứng đầu là quyết định toàn bộ mọi vấn đề một cách đúng đắn, chính xác; tổ chức chỉ đạo thực hiện những vấn đề ấy có hiệu quả; chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động bảo đảm đúng Nghị quyết, đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và có kết quả cụ thể, thiết thực.

Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Người lãnh đạo chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà lại phải học hỏi quần chúng. Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, ngoài kinh nghiệm của mình còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng… nghĩa là một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta với quần chúng…

Sự lãnh đạo của người đứng đầu theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải trông thấy mọi mặt của công việc, sự thay đổi của tình hình để thấy được những yêu cầu kết hợp giữa trên xuống và dưới lên. Bởi thế người đứng đầu phải giữ mối liên hệ mật thiết giữa mình với các cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Sự gắn bó ấy thể hiện ở chỗ lắng nghe ý kiến của quần chúng, nếu cách xa quần chúng, không liên hệ với quần chúng thì cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại.

Bác Hồ cũng như Đảng ta xác định chọn người đứng đầu là rất quan trọng trong việc lãnh đạo. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người mắc bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được phải thải đi. Ngoài ra còn có hai hạng người cũng phải chú ý. Một là có những người cậy mình cậy mẩy, công thần, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành Nghị quyết của Đảng và của Chính phủ. Hai là hạng người nói suông. Hạng người này không có năng lực làm việc. Bác Hồ cho rằng trong Đảng có những người chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác, nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được thì không thể làm cán bộ chứ chưa nói là người đứng đầu.

Người đứng đầu phải biết chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết. Hơn nữa sau kiểm soát, khuyết điểm sẽ bớt đi. Người chỉ rõ người đi kiểm soát phải có hai yếu tố: một là việc kiểm soát phải có hệ thống, thường xuyên; hai là người đi kiểm soát phải trong sạch, có uy tín. Kiểm soát kết hợp trên xuống và dưới lên, có vai trò của quần chúng giám sát ngay cả việc kiểm soát.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu lãnh đạo là kết hợp nắm vững chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vận dụng trung thành sáng tạo vào đơn vị mình và tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa người đứng đầu với quần chúng. Đó chính là chấp hành chính sách chung với chỉ đạo riêng. Người đứng đầu tự mình phải chỉ đạo những người phụ trách các bộ phận giúp mình giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra. Sự lãnh đạo của người đứng đầu phải từ trong quần chúng mà ra, rồi trở lại nơi quần chúng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, bất kỳ công tác gì đều phải thông qua những người phụ trách chung để lãnh đạo cấp dưới. Có như thế mới đạt được mục đích phân công mà thống nhất. Phải làm cho người đứng đầu và các bộ phận cấp dưới thật thống nhất. Chỉ có như vậy người đứng đầu mới phát huy được sức mạnh tổng hợp, mới chống quan liêu, hống hách, xa rời quần chúng, đặc quyền đặc lợi, mới kiểm tra, kiểm soát nghiêm túc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đối với mỗi địa phương, mỗi cơ quan, người lãnh đạo cấp trên cần phải xét cho rõ tình hình, hoàn cảnh và điều kiện mà quyết định việc gì là việc chính của từng thời kỳ. Khi ra quyết định thì phải thực hành triệt để, cho đạt kết quả đã định. Người nhấn mạnh, những cán bộ phụ trách phải theo nguyên tắc đó, đường lối đó. Đồng thời phải ra sức suy nghĩ, tìm tòi để tăng thêm sáng kiến của mình. Công việc càng khó khăn, phức tạp, người đứng đầu càng phải nắm chắc Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, càng phải gắn bó với nhân dân, biết dựa vào quần chúng nhân dân.

Những vấn đề nêu trên là trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định từ lâu trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Đối với người đứng đầu, Người yêu cầu gay gắt là phải tẩy sạch bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Người xác định có biết làm học trò của dân, mới làm được thầy học của dân. Người chỉ rõ có những người miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm, chính sách của Đảng và Chính phủ. Sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận người đứng đầu đã dẫn đến xa rời các nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tình trạng quan liêu, tham nhũng; chuyên quyền độc đoán, coi thường dân; mất vai trò tiền phong gương mẫu, làm mất lòng tin của nhân dân; cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng sa sút, yếu kém, mất đoàn kết, gây nhiều bức xúc xã hội…

Vị trí, vai trò người đứng đầu càng cao thì phạm vi tác động càng lớn cả mặt tích cực cũng như mặt tiêu cực. Vì thế đã từ rất lâu, Bác Hồ, Đảng ta và nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng đã đặt rõ trách nhiệm người đứng đầu là một trong những vấn đề cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Đây không phải là vấn đề chúng ta chưa biết mà là chúng ta chưa làm nghiêm túc, đầy đủ, thường xuyên có hiệu quả. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) lần này đặt ra với quyết tâm chính trị rất cao để phát huy sức mạnh có tính quyết định của người đứng đầu đối với mọi công việc của Đảng, củng cố lòng tin của nhân dân.

PGS. TS Trần Quang Nhiếp

Nguồn chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN