Tờ báo Chiến Thắng - tiền thân của Báo Đồng Khởi.
Truyền thống báo chí cách mạng
Chúng tôi đến thăm ông Phạm Công Nghiệp - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vào những ngày đầu tháng 6-2021. Người đương thời còn nhớ đến ông, với bút danh Thanh Nhân cùng những vị trí, vai trò mà ông đảm nhiệm ở 2 cơ quan báo chí chủ chốt của tỉnh nhiều năm liền và cũng nhớ đến phẩm chất đạo đức cách mạng mà ông luôn gìn giữ.
Dù tuổi đã cao, sức khỏe có phần suy giảm nhưng khi nói đến nghề báo, ông Sáu Thanh Nhân lại dạt dào cảm xúc. “Truyền thống của báo chí cách mạng Bến Tre trước hết là thực hiện theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí. Người luôn xem báo chí là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng; là vũ khí sắc bén trong đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Báo chí tỉnh nhà đã luôn đồng hành, theo sát từng giai đoạn đấu tranh cách mạng của Đảng, dân và quân Bến Tre. Trong những thời điểm cam go nhất của cách mạng, Tỉnh ủy vẫn luôn coi trọng, chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền. Tờ báo Chiến Thắng mà sau này là Báo Đồng Khởi đã gánh trên vai sứ mệnh quan trọng đó, là kênh thông tin, tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, vận động nhân dân”, ông Sáu Thanh Nhân nói.
Ngược dòng lịch sử, có thể thấy báo chí Bến Tre gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Ngay khi chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập ở xã Tân Xuân, huyện Ba Tri năm 1930, thì những bản tin ngắn thông báo về tình hình, tin tức hoạt động, phổ biến kinh nghiệm đấu tranh, cùng những tờ truyền đơn cách mạng bắt đầu xuất hiện.
Cho đến tháng 5-1931, tờ Báo Búa Liềm với đầy đủ ý nghĩa của một tờ báo cách mạng địa phương chính thức được xuất bản tại Bến Tre, báo in xu xoa, mỗi tuần 300 tờ, khổ 20x30cm. Từ tờ Báo Búa Liềm cho đến nay là Báo Đồng Khởi, lịch sử báo Đảng của Bến Tre đã trải qua 90 năm phát triển với 14 lần đổi tên. Tên gọi khác nhau là tương ứng với từng nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn đấu tranh. Cho đến nay, Báo Đồng Khởi luôn giữ cho mình “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, phát huy truyền thống báo chí cách mạng.
Người làm báo dựa vào nhân dân
Nhà báo lão thành Lê Chí Nhân, người mà chúng tôi thân thương hay gọi là ông Tư Chí Nhân. Ông là người có vai trò trực tiếp trong giai đoạn sáng lập Báo Chiến Thắng, ông còn là Phó ban Thường trực Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Tuyên huấn Khu 8 phụ trách Báo Giải phóng Trung Nam Bộ. Là một nhà báo tâm huyết với nghề báo mà như những người cùng thời đã nhận xét, nhà báo Lê Chí Nhân viết báo ở bất kỳ nơi đâu: trên chiến trường, trong hầm bí mật, trên những ngọn dừa chót vót… Với ông, báo chí là vũ khí sắc bén của tuyên truyền. Những chặng đường báo chí mà ông đi qua không chỉ là kỷ niệm khó phai trong ký ức của cá nhân ông, mà còn là những dấu ấn lịch sử cho những chặng đường phát triển báo chí tỉnh nhà.
Độc giả với Báo Đồng Khởi. Ảnh: tư liệu
Nhắc về buổi đầu làm báo, thời điểm năm 1948 khi tỉnh có tờ Thông tin Bến Tre. Theo lời kể của nhà báo Lê Chí Nhân: “Thời đó, cán bộ tuyên huấn sống trong sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân. Người làm báo vừa đánh giặc, vừa tích cực săn tin để có bài hay làm nức lòng hậu phương, tiền tuyến và đánh vào đầu não của địch”. Qua các giai đoạn lịch sử, ngày 2-3-1960, tờ Báo Chiến Thắng chính thức ra mắt độc giả gần xa. “Chúng tôi quyết định ra Báo Chiến Thắng đặc biệt chào mừng Mặt trận ra đời, in chữ chì. Đồng chí Hai Tranh viết bài xã luận. Họa sĩ Hà Mãnh vẽ tranh bìa in ba màu. Tôi còn nhớ, vì mực màu xấu, ta phải lăn mực dày, nên mực màu bìa lâu khô, phải đem phơi nắng trắng một khoảng hai bên bờ rạch Cá Mập trong rừng lá. Vì chữ mới, nét rất sắc sảo nên tờ báo in cũng khá đẹp. Tờ báo Chiến Thắng đặc biệt đã góp phần nói lên uy thế của cuộc Đồng khởi và của Mặt trận Dân tộc giải phóng”, ông Tư Chí Nhân kể.
Chiến tranh khốc liệt, gian khổ trăm bề, song với ông Tư Chí Nhân, hoàn cảnh nào vẫn phải đưa tin đầy đủ, nhanh, chính xác, trách nhiệm, hết lòng phục vụ cách mạng bằng ngòi bút của báo chí. Tinh thần làm việc ấy của ông mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ nhà báo noi theo. Ngày nay, dù tuổi cao nhưng ông vẫn luôn dõi theo những bước đi của báo chí tỉnh nhà. Ông bày tỏ niềm vui, hạnh phúc khi nhìn thấy báo chí tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ, tiên tiến, đội ngũ làm báo trẻ, khỏe, năng động và được đào tạo, có trình độ và có khả năng cạnh tranh với báo chí trong nước. Ông cũng đã gửi gắm đến các thế hệ làm báo phải luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị và không ngừng học hỏi, luôn cố gắng rèn luyện “bút sắt, lòng trong” để tiếp tục xây dựng báo chí tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Truyền thống báo chí nói chung và báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng đã có nhiều nhà báo nổi tiếng là người con quê hương Bến Tre, như: nhà báo Trương Vĩnh Ký (người Việt Nam làm báo chữ quốc ngữ đầu tiên), nữ nhà báo Sương Nguyệt Anh, nhà báo Bảo Lương - Nguyễn Trung Nguyễn (quê Ba Tri), Dương Tử Giang, Trần Văn Kiết… Đối với Bến Tre, đặc biệt đội ngũ làm báo rất tự hào về điều này. Các thế hệ báo chí cứ nối tiếp, sản sinh ra nhiều lớp nhà báo tên tuổi: Chim Trắng, Huỳnh Hùng Lý, Lê Chí Nhân, Huỳnh Năm Thông… “Nghề báo là nghề đặc thù. Do đó, đòi hỏi người làm báo phải có học và có năng khiếu, tố chất. Xã hội càng phát triển thì người làm báo cũng càng phải phát triển vì báo chí song hành với từng nhịp thở của xã hội. Đội ngũ nhà báo tỉnh phát huy hiệu quả cao nhất của báo chí để phục vụ cho Đảng”, nhà báo Lê Minh Trí - nguyên Tổng Biên tập Báo Đồng Khởi bày tỏ.
“Trong bối cảnh hiện nay, báo chí Bến Tre nói chung càng phải giữ cho được sợi chỉ đỏ xuyên suốt đó. Việc đổi mới báo chí là cần thiết để thay đổi hình thức và cách làm cho phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, nhưng dù có đổi mới như thế nào thì báo chí Bến Tre cũng phải giữ cho được truyền thống, bản sắc của báo chí cách mạng, báo Đảng, thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền đúng với tôn chỉ, mục đích của mình”.
(Nhà báo Phạm Công Nghiệp - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
|
Thanh Đồng - Phan Hân - Ánh Nguyệt