Phát huy tính sáng tạo, sự đầu tư và nguồn nhân lực trong nhân dân

15/08/2014 - 07:30
Đoàn thăm cánh đồng mẫu lớn ở xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri.

Từ ngày 11 đến 13-8-2014, Đoàn công tác của HĐND tỉnh do ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến các huyện Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Ba Tri và Chợ Lách giám sát việc triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các mô hình liên kết sản xuất và cánh đồng mẫu lúa, dừa.

Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh đã được huyện Mỏ Cày Nam cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 125 và Kế hoạch số 126 về liên kết bốn nhà trong sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Huyện đã xác định cây trồng, vật nuôi thế mạnh là cây dừa và con heo. Hiện toàn huyện có 11 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả và có khả năng nhân rộng. Với huyện Mỏ Cày Nam, Đoàn giám sát nhấn mạnh trọng tâm là tái cơ cấu ngành chăn nuôi gắn với công tác bảo vệ môi trường, quan tâm thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp để nâng cao chuỗi giá trị kinh tế, khả năng nhân rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng sạch hơn, áp dụng khoa học công nghệ.

Huyện Chợ Lách, với lợi thế kinh tế vườn, trọng tâm trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của địa phương là sắp xếp lại sản xuất cây ăn trái và hoa kiểng. Huyện hình thành ba vùng sản xuất các loại cây ăn trái chủ lực, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng về năng suất và chất lượng như: từ Sơn Định đến Phú Phụng là vùng chuyên canh cây chôm chôm, từ Sơn Định đến Vĩnh Thành là vùng chuyên canh hoa kiểng, từ Long Thới đến Hưng Khánh Trung B là vùng chuyên canh cây măng cụt. Trọng tâm giám sát của Đoàn với huyện Chợ Lách là trên lĩnh vực trồng trọt. Địa phương cần xác định rõ điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của vùng đất đối với từng loại cây trồng thích hợp. Huyện quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo chuyển biến về nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất của người dân theo hướng chất lượng, số lượng để tạo sự gắn kết, liên kết, khai thác lợi thế của từng loại sản phẩm nông nghiệp, của từng vùng để tăng sức cạnh tranh, hướng đến thị trường xuất khẩu ổn định và bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Phước lưu ý huyện Mỏ Cày Nam và Chợ Lách trong triển khai Đề án phải đồng bộ, có sự đồng thuận từ trong hệ thống chính quyền đến người dân, không nên áp đặt, nóng vội. Phát huy tính sáng tạo, sự đầu tư và nguồn nhân lực trong nhân dân là chính. Việc triển khai ở cấp xã phải đến từng tổ nhân dân tự quản, đến người dân để tạo sự đồng tình cao. Có như vậy, Đề án mới sớm thành hiện thực. Huyện phải gắn việc thực hiện Đề án với xây dựng nông thôn mới để tạo sự phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh trật tự, nâng cao đời sống của nhân dân, xóa dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Đối với Giồng Trôm, đến nay có 3 mô hình liên kết tiêu thụ dừa và 3 cánh đồng mẫu lớn tại các xã như: Châu Bình, Hưng Lễ, Lương Quới, Phong Nẫm, Phong Mỹ và Bình Thành. Ba Tri có các cánh đồng mẫu lớn như: Tân Xuân, Mỹ Nhơn, Mỹ Hòa. Theo đánh giá của các xã và huyện thì việc thu hút nhà doanh nghiệp hiện nay là rất khó. Mối liên kết bốn nhà còn lỏng lẻo, một vài doanh nghiệp không còn “mặn mà” với các mô hình. Mặt khác, sự ràng buộc, thỏa thuận giữa doanh nghiệp với người nông dân trong khâu thu mua, tiêu thụ và giá cả còn bất cập vì lợi ích cục bộ, chưa được chia sẻ hài hòa.

Ông Trần Công Danh - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng: Trọng tâm của Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là thu hút nhà doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn và gắn việc kinh doanh với vùng nguyên liệu. Các địa phương phải hết sức chú ý, tìm mọi cách thu hút và ưu đãi để doanh nghiệp vào đầu tư càng nhiều càng tốt. Song song đó, huyện cần chú trọng, quan tâm các doanh nghiệp, cơ sở sẵn có tại địa phương; phải làm thế nào để nhân rộng các mô hình liên kết, cánh đồng mẫu để nâng cao hơn nữa chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng, sản lượng và bền vững.

Tin, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN