Phát động trồng rừng hưởng ứng các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu

21/11/2011 - 08:12

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vừa phối hợp với Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và huyện Bình Đại tổ chức trồng rừng lưu niệm tại xã Thạnh Phước (Bình Đại). Tham gia hoạt động trồng rừng còn có đại diện các doanh nghiệp như: Công ty Tanner Việt Nam, Intel Việt Nam, Khách sạn Majestic Sài Gòn, hơn 100 sinh viên thuộc Tổ chức Hoạt động xã hội Hành Trình Xanh (Viện nghiên cứu Văn hóa Phương Đông) và đoàn viên, thanh niên huyện Bình Đại.

Mục đích của hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp trong công tác trồng cây, trồng rừng để bảo vệ môi trường, góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Qua đó thu hút sự đầu tư của các tổ chức và doanh nghiệp vào công tác bảo vệ và phát triển rừng.

 

Đại diện các doanh nghiệp, các bạn đoàn viên, thanh niên tham gia trồng rừng. Ảnh: Q.H

 

Theo ông Trần Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm qua, hàng năm tỉnh Bến Tre đều tổ chức trồng mới hàng trăm héc-ta rừng và hàng triệu cây phân tán, nâng diện tích rừng ngập mặn của tỉnh lên 3.900ha và đã phát huy tốt vai trò phòng hộ, bảo vệ môi trường cũng như góp phần ổn định sản xuất và đời sống của người dân ở ba huyện biển.

Rừng ngập mặn của Bến Tre có chiều rộng vành đai từ 50-2.000m, chủ yếu tập trung ở 3 huyện ven biển: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Với vai trò là “bức tường xanh”, rừng góp phần hạn chế thiệt hại cho người dân do thiên tai, bão lũ gây ra, phòng chống xói lở bờ biển, cố định đất bãi bồi, mở rộng sản xuất. Ngoài ra, rừng còn đảm nhiệm nhiệm vụ như là “lá phổi xanh” hấp thụ khí CO2, tác nhân gây hiệu ứng nhà kính làm cho trái đất nóng lên. Nói về vai trò của rừng trong việc ứng phó với những tác động của BĐKH, ông Hoàng Việt - đại diện Tổ chức WWF tại Việt Nam, nhận định, Bến Tre là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH ở đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi rất quan tâm đến các hoạt động ứng phó và thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái. Hoạt động trồng rừng nhằm khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, các bạn sinh viên tham gia phục hồi dải rừng ngập mặn - là vành đai sinh thái giúp Bến Tre có khả năng chống chịu tốt hơn đối với các tác động của BĐKH. Ngoài ra, rừng ngập mặn cũng giúp bảo vệ đất, giữ vững bờ biển hạn chế xói lở do gió bão. Qua đây, chúng tôi cũng muốn kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia chống lại những tác động của BĐKH thông qua các sáng kiến và giải pháp tăng khả năng thích ứng với hiện tượng này.

Tại buổi lễ trồng rừng, các đại biểu, sinh viên và đoàn viên, thanh niên đã tham gia trồng khoảng 10.000 cây đước trên diện tích 5ha. Bạn Nguyễn Kim Đồng - Chủ tịch Tổ chức Hoạt động xã hội Hành Trình Xanh (khu vực phía Nam) bày tỏ: “Trồng rừng là một trong những hoạt động chính của Tổ chức Hành Trình Xanh. Qua việc làm này, chúng tôi gửi thông điệp đến các bạn trẻ nói riêng và cả cộng đồng là cần chung tay ứng phó với những tác động của BĐKH ngay hôm nay. Hãy cùng bảo vệ trái đất bằng những hành động thiết thực nhất.”

Rừng ngặp mặn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, nhất là tình hình BĐKH như hiện nay, vì thế trồng và phát triển rừng là chủ trương lớn của tỉnh. Theo ông Trần Văn Hùng, mục tiêu phát triển lâm nghiệp từ nay đến năm 2020 của tỉnh là phải bảo vệ tốt rừng hiện có, đồng thời mỗi năm phải trồng mới khoảng 50-100ha rừng tập trung và 1 triệu cây phân tán; nâng độ che phủ của rừng trong vùng quy hoạch lâm nghiệp từ 49,8% lên 56% vào năm 2015 và 62,5% vào năm 2020. Để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khâu cây giống, chăm sóc rừng; huy động các nguồn lực để đầu tư bảo vệ và phát triển rừng.

Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN