Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: Trọng Ân
Trước hết, nhân kỷ niệm 17 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), tôi xin gửi đến các doanh nhân, các doanh nghiệp (DN) của tỉnh nhà lời chúc mừng nồng nhiệt; mạnh khỏe, thành công và phát triển.
Nhân dịp này, tôi xin chúc mừng các DN của tỉnh nhà đã đạt giải thưởng Chất lượng Quốc gia giai đoạn 2016 - 2021, các sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2020, “DN xuất khẩu uy tín” năm 2020 và biểu dương những doanh nhân, DN đã có những nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tích cực huy động các nguồn lực, hỗ trợ vật chất cho tỉnh trong thời gian dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế; được sự đồng thuận ủng hộ của người dân, cộng đồng DN, sau 4 đợt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 52 ngày, tỉnh ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, giữ an toàn cho người dân; đạt được trạng thái bình thường mới để phục hồi sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. So với Nghị quyết năm 2021, 9 tháng năm 2021, tỉnh ta thực hiện đạt và vượt 10/24 chỉ tiêu, 3/24 chỉ tiêu đạt 59% trở lên.
Việc áp dụng quyết liệt các giải pháp, biện pháp phòng, chống, đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đi đúng hướng và có kết quả bước đầu tích cực, tình hình an ninh, trật tự, an sinh xã hội được bảo đảm; nhưng những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đối với đời sống của người dân, sản xuất, kinh doanh của DN là rất lớn. Theo thống kê, sau đợt giãn cách xã hội lần thứ tư, tỉnh ta chỉ còn 16% DN hoạt động so với điều kiện bình thường; trong đó, phần lớn các DN phải cắt giảm đơn hàng; một số DN thiếu nguyên liệu sản xuất, thiếu lao động…; hoạt động xuất khẩu bị chậm lại; đặc biệt, hầu hết các DN xuất khẩu quy mô nhỏ phải ngưng hoạt động do không bảo đảm được vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch. Do tác động nặng nề của dịch bệnh trong quý III nên 9 tháng năm 2021, tốc độ tăng trưởng của tỉnh Bến Tre và cả nước đều giảm, ước GRDP tỉnh Bến Tre tăng trưởng âm (-1,52%), trong khi cả nước tăng trưởng dương 1,42%. Trước những khó khăn như vậy, cá nhân tôi và tập thể lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở, suy nghĩ tìm giải pháp để cùng chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN; đồng thời, bàn các giải pháp để DN duy trì được sản xuất an toàn, lưu thông an toàn, ăn, ở an toàn, tổ chức sản xuất lại trong thời gian sớm nhất, hiệu quả và an toàn nhất, để chúng ta cùng nhau phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
* * *
Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, chúng tôi luôn mong muốn cộng đồng DN, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh nghiên cứu, đề xuất, hiến kế để kinh tế - xã hội của tỉnh khôi phục và phát triển tốt nhất trong điều kiện bình thường mới. Tại buổi họp mặt, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế có trọng tâm, chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết rất cao của DN, nhà đầu tư đối với sự phát triển của tỉnh Bến Tre. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh nghiên cứu và cụ thể hóa thành nhiệm vụ, giải pháp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và vận hành xã hội trong điều kiện chủ động thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Để kết thúc buổi họp mặt, đối thoại rất ý nghĩa và kịp thời ngày hôm nay; tôi đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chắt lọc, tiếp thu, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu để ban hành và đề xuất ban hành các chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn, khơi tăng nguồn lực, hỗ trợ DN phát triển. Đối với các chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương, đề nghị nhanh chóng tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định. Đồng thời, tôi đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các cấp ủy, các ngành cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:
“Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi ghi nhận và trân trọng cảm ơn các doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đồng hành, chia sẻ, cùng với hệ thống chính trị của tỉnh trong công tác phòng chống, đẩy lùi và từng bước kiểm soát dịch bệnh Covid-19; đồng thời, có những đóng góp thiết thực góp phần bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong suốt thời gian qua”.
Ủy viên Trung ương Đảng -
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ
|
Đối với công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19: Cần quán triệt và thực hiện tốt quan điểm chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên và phải quyết liệt. Kiên quyết giữ vững “vùng xanh”, tình trạng bình thường mới đã đạt được. Kiên định với phương châm “Mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi xã, phường, thị trấn là một pháo đài; mỗi cơ sở đảng là thành trì vững chắc”; nhân rộng tổ chức các “Pháo đài xanh”, trong đó có các DN để phòng, chống dịch bệnh ngay tại mỗi nhà máy, công ty, DN nhằm thực hiện nhất quán mục tiêu “kép” vừa phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa duy trì và phát triển kinh tế - xã hội. Kiên trì đeo bám, quyết liệt tiếp cận, tiếp nhận nguồn vắc-xin và tổ chức tiêm vắc-xin nhanh nhất cho người lao động và người dân; nhiệm vụ này không phải riêng hệ thống chính trị của tỉnh mà các DN, các hội, hiệp hội cùng phối hợp, linh hoạt hơn trong công tác vận động, liên hệ các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị để có được nguồn vắc-xin nhiều nhất, nhanh nhất cho tỉnh.
Khen thưởng 19 doanh nghiệp với thành tích duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong thực hiện phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Cẩm Trúc
Đối với hoạt động điều hành, quản lý, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội: Cần tập trung cao độ, thực hiện quyết liệt, có kết quả Kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022; trong đó, lưu ý một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, tích cực hơn nữa trong đổi mới tư duy, mà trước hết là tư duy kinh tế, coi DN là một trong những trụ cột trọng tâm để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, cần lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân; lấy phục vụ người dân và DN là ưu tiên hàng đầu; vì Nhân dân phục vụ, vì DN phục vụ. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong nhận thức và hành động khi thi hành công vụ, chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “đồng hành” và “phục vụ”; chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính; đồng thời, phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đổi mới tác phong, lề lối, làm việc có hiệu quả thực sự. Tập trung giải quyết, xử lý công việc khẩn trương, trách nhiệm, đảm bảo tiến độ, hiệu quả; tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân, DN hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đình trệ trong công việc của người dân, DN, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển chung của địa phương.
Thứ hai, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện để DN khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng trong tình hình mới. Chính quyền cần đi trước một bước trong chủ động tìm hiểu nhu cầu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn vướng mắc của các DN trên địa bàn để kịp thời giải quyết, chia sẻ khó khăn, giúp DN khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sự hài lòng của DN, người dân chính là thước đo hiệu quả công việc của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương và của tỉnh chúng ta.
Tỉnh Bến Tre đã chủ động đánh giá tình hình, xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 và lựa chọn phương án tối ưu để chỉ đạo, điều hành thực hiện, phấn đấu, nỗ lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2021 đạt từ 4% trở lên và nỗ lực để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. Để làm được như vậy thì trước mắt, các cấp, các ngành, các địa phương cần triển khai đầy đủ, kịp thời, giải quyết nhanh, gọn, thực chất về các chính sách hỗ trợ DN hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, nhất là các chính sách về thuế; ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cho DN để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Các ngân hàng thương mại thực hiện tốt việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay, miễn, giảm phí dịch vụ... cho DN do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Có chính sách hỗ trợ nông dân ổn định kinh tế, tái sản xuất, nhất là ưu tiên nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khâu lưu thông hàng hóa, kết nối tiêu thụ sản phẩm, nông sản của địa phương. Thực hiện tốt các chính sách về bảo hiểm, chính sách hỗ trợ người lao động và DN... Thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Đối với công tác an sinh xã hội, tỉnh rất quan tâm chỉ đạo; cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh đã chủ động có chủ trương để hỗ trợ người dân ổn định sinh hoạt và đời sống; và đặc biệt quan tâm tạo công ăn, việc làm cho người dân Bến Tre trở về từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Thời gian tới, tỉnh sẽ có những giải pháp cụ thể để người dân yên tâm ở lại quê hương, tham gia sản xuất và lao động tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao.
Thứ ba, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ kết nối vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất và logistics để thu hút đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025; sẵn sàng về mặt bằng, sẵn sàng về nguồn lực, hỗ trợ cộng đồng DN triển khai dự án đầu tư đúng tiến độ. Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 11 công trình, dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh; trong đó, phối hợp, đôn đốc hoàn thành thủ tục để sớm tổ chức khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2; hoàn thành giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Phú Thuận; triển khai đầu tư một số cụm công nghiệp ở các huyện; phát điện các nhà máy điện gió; hoàn tất hồ sơ, thủ tục để triển khai tuyến đường ven biển và xây dựng, phát triển khu kinh tế ven biển; đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghệ cao huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, đẩy nhanh tiến độ phát triển 4.000ha nuôi tôm biển công nghệ cao. Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống các công trình thủy lợi của tỉnh bảo đảm an ninh nguồn nước và phòng, chống biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, kết hợp với phát triển hệ thống giao thông thông suốt.
Thứ tư, hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút DN lớn, nhà đầu tư lớn đến đầu tư và phát triển tại tỉnh. Hỗ trợ, khuyến khích DN của địa phương nâng tầm quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; cơ cấu lại mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thích ứng và quản trị tốt sự thay đổi; đầu tư xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, bền vững, khả năng thích ứng cao. Rà soát, xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư, kinh doanh như: Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa; chính sách khuyến khích đầu tư vào hạ tầng khu, cụm công nghiệp; chính sách khuyến khích xây dựng chợ, hạ tầng thương mại, du lịch và các lĩnh vực văn hóa - xã hội khác... Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, nâng cao năng lực cho DN khởi nghiệp, nhất là các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thực hiện có kết quả chỉ tiêu thành lập DN mới trên địa bàn tỉnh Bến Tre; tăng số lượng DN hoạt động, xây dựng và phát triển các DN lớn, dẫn đầu của tỉnh.
Thứ năm, tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, xây dựng và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tập trung thực hiện tốt các giải pháp, biện pháp duy trì, cải thiện các chỉ số PCI, SIPAS, PAPI, PAR INDEX của tỉnh. Cần xác định cụ thể các yếu tố, nội dung ảnh hưởng đến kết quả đánh giá các chỉ số nêu trên để có các giải pháp, biện pháp tác động tích cực vào yếu tố đó, góp phần cải thiện kết quả đánh giá các chỉ số. Yếu tố nào thuộc về trách nhiệm của cơ quan nhà nước thì phải chủ động thực hiện cải thiện; yếu tố nào thuộc về trách nhiệm của người dân và DN thì tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân, tổ chức, DN quan tâm, ủng hộ, góp ý và có ý kiến đánh giá chính xác, khách quan tạo động lực cho sự phát triển, góp phần cải thiện các chỉ số, nâng cao vai trò, vị thế của tỉnh.
Thứ sáu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid -19 hiệu quả và quản lý, vận hành xã hội trong điều kiện bình thường mới. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số; hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 năm 2021; tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp Cổng dịch vụ công quốc gia; hỗ trợ chuyển đổi số cho tối thiểu 1.000 DN để nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối toàn cầu; nghiên cứu triển khai ứng dụng các giải pháp theo dõi, quản lý việc cung cấp thông tin trên mạng xã hội phục vụ cho sự phát triển của tỉnh. Sớm hoàn tất thủ tục thành lập Khu công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đăng ký tham gia chuỗi công viên phần mềm Quang Trung.
Thứ bảy, đối với những vấn đề mang tính nguyên tắc, là cam kết của tỉnh đối với DN, nhà đầu tư thì tỉnh sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, không ngừng năng động, sáng tạo và quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện; bảo đảm xử lý nhanh các vấn đề liên quan trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường đối thoại với DN bằng nhiều hình thức thiết thực, khởi động lại chương trình cà phê DN của tỉnh để cùng thống nhất quan điểm, giải pháp xử lý nhanh, dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của DN; kịp thời chia sẻ và thông tin đến với cộng đồng DN về những thông tin kinh tế - xã hội, các chính sách mới; cầu thị, lắng nghe ý kiến góp ý của DN để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Các đại biểu tham dự buổi họp mặt. Ảnh: C.Trúc
Về phía cộng đồng doanh nghiệp: Chúng ta nhận thấy rằng, dịch Covid-19 cũng thúc đẩy và làm thay đổi mạnh mẽ cách thức sản xuất, kinh doanh truyền thống, do vậy, DN cần chủ động nắm bắt cơ hội, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập, phát triển; “thay đổi để phát triển bứt phá”. Tôi đề nghị cộng đồng DN tỉnh chung tay cùng với địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh của DN, gắn với phương án phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh trong tình hình mới để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì ổn định, an toàn, hiệu quả.
Đề nghị các hội, hiệp hội phát huy vai trò cầu nối, kết nối giữa DN với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và DN, tìm giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc, là tiếng nói chung của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh.
Đề nghị các DN tiếp tục đồng hành cùng với địa phương trong thực hiện kế hoạch, phương án phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong thực tiễn; ứng dụng công nghệ số toàn diện trong hoạt động quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh, gắn với kiểm soát chặt chẽ tình hình phòng, chống dịch bệnh tại DN.
* * *
Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh với nhiều mục tiêu đột phá được kỳ vọng; tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến lộ trình thực hiện của chúng ta. Thời gian tới, để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới là không dễ dàng, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và Nhân dân tỉnh nhà cần phối hợp chặt chẽ, nỗ lực nhiều hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, vừa khẩn trương phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Tôi tin tưởng rằng, trong những lúc khó khăn, thử thách là những lúc mỗi doanh nhân, DN thể hiện bản lĩnh vững vàng và sự quyết tâm cao để phát triển tốt hơn, nhanh hơn, gắn bó chặt chẽ hơn, và cũng là lúc chúng ta cần đổi mới mạnh mẽ hơn. Với truyền thống và khát vọng vươn lên của Nhân dân xứ Dừa và niềm tự hào của quê hương Đồng Khởi anh hùng; Nhân dân, DN và cả hệ thống chính trị của địa phương sẽ luôn “đồng lòng, kề vai, sát cánh” vượt qua khó khăn, như mầm xanh của cây dừa vượt qua lớp vỏ khô cằn để vươn mình to lớn; kiên định thực hiện mục tiêu, khát vọng và nỗ lực xây dựng Bến Tre phát triển giàu mạnh.
Một lần nữa, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc, lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công đến các vị đại biểu, DN và các doanh nhân.
Lê Đức Thọ
Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy