Sự việc gây tâm lý hoang mang tại nhiều nền kinh tế, Chính phủ một số nước trên thế giới đã lên tiếng trấn an dư luận trong nước mình.
Ngày 6/8, Mỹ bị cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) hạ mức xếp hạng tín dụng “vàng” AAA xuống mức AA+. Đây là lần đầu tiên Mỹ bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm kể từ khi nước này lần đầu tiên được Moody's xếp hạng AAA năm 1917.
Sau khi hãng xếp hạng tín dụng S&P hạ tín dụng của Mỹ, cùng ngày Bộ Tài chính Mỹ đã có phản bác cho rằng, hãng này đã đánh giá sai sót 2.000 tỷ USD. Theo Bộ Tài chính Mỹ, điều này khiến tỷ lệ nợ trên GDP theo đánh giá của S&P cao hơn so với thực tế.
Trong khi đó, chỉ vài giờ trước khi S&P hạ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ, Tổng thống Obama đã kêu gọi các nhà lập pháp phải nỗ lực để đưa thị trường tài chính của Mỹ sớm ổn định, sau cuộc khủng hoảng nợ.
Tổng thống Ôbama cũng nhấn mạnh, hai đảng Dân chủ và Cộng hoà cần phải bắt tay nhau trong việc thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ.
Nhật Bản, chủ nợ lớn thứ hai của Mỹ sau Trung Quốc khẳng định quyết định trên của S&P không ảnh hưởng tới lòng tin của Chính phủ Nhật vào trái phiếu Chính phủ của Mỹ.
Trong phản ứng đầu tiên của một quan chức châu Âu sau khi S&P hạ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Francois Baroin khẳng định Paris tin tưởng tuyệt đối vào sự vững mạnh và các nền tảng của nền kinh tế Mỹ cũng như quyết tâm của Washington thực hiện kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách vừa được thông qua.
Trong khi đó, Australia và Hàn Quốc đều lên tiếng cảnh báo sự phản ứng thái quá đối với việc mức xếp hạng tín dụng Mỹ bị đánh tụt. Thủ tướng Australia Julia Gillard nhấn mạnh, thế giới không nên quá lo ngại khi hai cơ quan xếp hạng có uy tín khác là Moody's và Fitch vẫn tiếp tục dành mức xếp hạng tín dụng cao nhất cho nền kinh tế Mỹ.
“Quyết định của S&P là nhằm phát đi tín hiệu rằng Mỹ cần có hành động cụ thể trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách và ổn định tài chính. Vào thời điểm nay, Moody's và Fitch vẫn tiếp tục xếp hạng tín dụng của nền kinh tế Mỹ ở mức AAA. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, mọi người cần phải nhìn rõ thực tế”, Thủ tướng Australia nói.
Philippines đã hối thúc Mỹ giải quyết các vấn đề cơ bản của nền kinh tế sau quyết định của S&P. Bộ trưởng Tài chính nước này, ông Cesar Purisima, cho rằng thế giới có thể rơi vào một kỷ nguyên mà trong đó các thị trường tài chính toàn cầu trở nên khó dự đoán và bất ổn hơn nếu nền kinh tế đầu tàu Mỹ không giải quyết được những vấn đề lớn là thâm hụt ngân sách và nợ công khổng lồ.
Theo quan chức Đông Nam Á này, ngoài đồng USD, thế giới cần có thêm các đồng tiền dự trữ có tính ổn định hơn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Mukherjee thì cho rằng, việc hạ thấp mức xếp hạng tín dụng của Mỹ cho thấy, tình hình tài chính của nước này là nghiêm trọng.
Bày tỏ sự lo ngại về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Mukhơgi cho biết, Chính phủ Ấn Độ cần có thời gian để xem xét các tác động từ việc đánh giá thấp để đưa ra biện pháp hữu hiệu.
Tuy nhiên, Chủ tịch của Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ Pratip Chaudhari nói rằng cuộc khủng hoảng Mỹ sẽ không tác động ngay đến thị trường Ấn Độ, do USD hiện vẫn là đồng tiền thống trị thế giới./.