Phấn khởi kỷ niệm ngày Bến Tre Đồng khởi

19/01/2021 - 13:39

BDK.VN - Trong những ngày qua, các sự kiện lớn chào mừng kỷ niệm 61 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 - 17-1-2021), diễn ra trong không khí phấn khởi từ tỉnh tới huyện, mang đến niềm tự hào và đọng lại nhiều suy nghĩ trong lòng mỗi người.

Người dân Bến Tre nô nức đi xem đàn đá và nhạc cụ dân tộc.

Đến gần với nhạc cụ dân tộc

Buổi khánh thành công trình 13 bộ đàn đá tại Công viên Bến Tre, phường An Hội diễn ra vào chiều 16-1-2021, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến dự, tham quan. 13 bộ đàn đá được lắp đặt trên đồi đất hình tròn cao 1m, xung quanh là các tiểu cảnh trang trí cỏ hoa, mảng xanh đa dạng sắc màu cùng hệ thống chiếu sáng. Công trình được thực hiện chào mừng Đại hội XIII của Đảng và kỷ niệm 61 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi.

Tại buổi khánh thành công trình 13 bộ đàn đá, nghệ nhân Trương Đình Chiếu và những người bạn của ông đã trình diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Có khoảng 6, 7 nhạc cụ dân tộc cùng nhau hòa tấu. Chủ đạo là đàn đá, kế đến là đàn bầu, đàn cò, đàn T’rưng, đàn tam thập lục, đàn tranh Việt Nam, sáo trúc, đàn tỳ bà, đàn nguyệt và có cả trống. Trong trang phục áo dài truyền thống, nhạc cụ dân tộc các nghệ nhân đã tạo nên buổi hòa tấu khơi dậy hồn dân tộc sâu lắng trong lòng mỗi người dân Bến Tre.

Chị Trần Huyền Trân, phường Phú Khương nói: “Âm thanh của nhạc cụ dân tộc vừa nhẹ nhàng vừa sâu lắng, làm cho lòng mình dâng trào cảm xúc tình yêu đối với quê hương, đất nước”.  Người đàn ông có đuôi tóc dài là nghệ nhân trống Tuấn Anh đến từ TP. Hồ Chí Minh, trong không khí phấn khởi kỷ niệm Ngày Bến Tre Đồng khởi, nghệ nhân Tuấn Anh cảm thấy rất vui, ông nói: “Người Bến Tre rất hiếu khách, đam mê âm nhạc dân tộc. Tôi mong sao nhạc dân tộc tới được gần hơn với công chúng Bến Tre, để mọi người cùng được tiếp xúc và phát huy”.

Hay tin Bến Tre có đàn đá, chị Trần Thị Yến Nhi (TP. Hồ Chí Minh) đến để tham quan. Chị nói: “Tôi thấy người Bến Tre rất hào hứng khi đón nhận bộ đàn đá và lãnh đạo tỉnh, TP. Bến Tre thì chịu đầu tư, phát huy cho không gian lắp đặt đàn đá”. Hưởng ứng nhiệt tình nhất với đàn đá là các em thiếu nhi, hồn nhiên cầm dùi gõ vào từng cây đàn. Mỗi cây phát ra âm thanh khác nhau nghe vui tai, khiến các bé rất thích thú.

Sau buổi hòa tấu đàn đá và nhạc cụ dân tộc, vì người dân Bến Tre và du khách tỏ ra thích thú nên các nghệ nhân đã dành thời gian để trò chuyện về nhạc cụ dân tộc và cho người dân Bến Tre thử đàn trên nhạc cụ.

Nghệ nhân Trương Đình Chiếu cho biết: “Hòa tấu đàn đá và nhạc cụ dân tộc là ý tưởng mới lạ, do tôi cùng các bạn và học trò tại Khoa nhạc dân tộc, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Chương trình khánh thành công trình 13 bộ đàn đá đêm nay (16-1-2021) rất hoành tráng, riêng tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.

Lan tỏa tinh thần Đồng khởi

Chiều 16-1-2021, anh Vũ Trác - Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh có dịp tham dự lễ kỷ niệm 61 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi 17-1. Anh Vũ Trác cảm nhận: Tuy không phải là người con của Bến Tre nhưng khi được tham dự lễ kỷ niệm 61 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, tôi thật sự xúc động. Bởi, tôi biết sự hy sinh của những người con, những anh hùng của vùng đất Bến Tre Đồng Khởi, góp phần đem lại hoà bình, đời sống ấm no và hạnh phúc cho chính tôi và những người con của Việt Nam.

“Lần đầu tiên tham dự chương trình tôn vinh Công dân Đồng Khởi - những người con của mảnh đất Bến Tre anh hùng, góp phần xây dựng nên sự trù phú của Bến Tre. Điều này đã minh chứng rằng, ngọn lửa Bến Tre, ngọn lửa tinh thần Đồng Khởi không chỉ lan toả khắp miền Nam mà đã lan toả khắp mọi miền đất nước. Đây chính là sự tự hào về Bến Tre và tôi vinh dự được tham dự lễ tôn vinh này”, anh Vũ Trác chia sẻ.

Sáng 17-1-2021, trên mảnh đất là nôi Đồng Khởi, huyện Mỏ Cày Nam, người dân thị trấn Mỏ Cày vui mừng đón nhận quyết định công nhận thị trấn Mỏ Cày và khu vực mở rộng đạt đô thị loại IV. Ông Nguyễn Văn Năm, người dân Khu phố 5, thị trấn Mỏ Cày nhớ lại: “20 năm về trước, hệ thống kết cấu hạ tầng thị trấn Mỏ Cày cũ kỹ, xuống cấp. Nhà cửa (trừ khu nội thị) thưa thớt tạm bợ, nhà lá nhiều hơn nhà tole. Đến nay, thị trấn Mỏ Cày đã thật sự “hồi sinh” và phát triển”. Ông Nguyễn Văn Năm hồi tưởng những ngày tháng khó khăn đã qua, giờ đây, thị trấn được công nhận đô thị loại IV, ông Năm bỗng thấy yêu quý quê hương mình, mong muốn đóng góp công sức để xây dựng thị trấn ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN