Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: ĐCSVN
Tham dự tại điểm cầu Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi đã phát biểu tham luận về CTDV của chính quyền trong tình hình mới. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Tựa đề do Ban biên tập đặt.
1. Năm 2019 và những năm qua, Tỉnh ủy và các cấp ủy trong tỉnh quan tâm và tập trung CTDV nói chung và công tác DVCQ nói riêng, đã tạo sự chuyển biến trong tuyên truyền, vận động nhân dân nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương; qua đó, tạo sự đồng thuận và tham gia của người dân trong phát triển KT-XH; đồng thời, qua đó tiếp thu ý kiến, góp ý của nhân dân xây dựng đảng, chính quyền, làm cho mối quan hệ nhân dân - Đảng - chính quyền thêm gắn bó.
Tỉnh ủy và các cấp ủy hàng năm đều xây dựng và triển khai thực hiện chương trình CTDV, trong đó xác định rõ trọng tâm công tác gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, xác định phương thức tiến hành và cả những vấn đề mới nổi lên để tập trung giải quyết, không để phát sinh phức tạp hay điểm nóng. Tỉnh ủy lãnh đạo cả hệ thống chính trị kiên trì thực hiện phương châm “An dân - Phát triển - Hiệu quả”; làm cho người dân và doanh nghiệp thông suốt, an tâm tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, và qua đó hệ thống chính trị được góp ý, tự điều chỉnh để hoạt động hiệu quả hơn.
2. Về Năm DVCQ, từ năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai Năm DVCQ, đến năm 2017 ban hành Bộ tiêu chí đánh giá CTDV của chính quyền. Từ đó, đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong tỉnh; tinh thần “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với nhân dân”; đổi mới phương pháp dân vận theo hướng “Nghe dân nói, nói dân hiểu, hướng dẫn dân làm, làm dân tin” đã trở thành hành động cụ thể, không còn là những khẩu hiệu.
3. Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Cán sự đảng UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện “Năm DVCQ” 2019 và triển khai thực hiện sâu, rộng đến cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm tại từng địa phương - đơn vị, gắn với phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, thi đua “Dân vận khéo” và chủ trương phân công cán bộ lãnh đạo các cấp theo dõi, hỗ trợ cơ sở theo phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình”. Nhờ vậy, Năm DVCQ 2019 được triển khai đồng bộ, hiệu quả; giúp tỉnh thực hiện đạt và vượt 24/24 chỉ tiêu KT-XH (nhiều chỉ tiêu đạt cao nhất từ trước đến nay); đời sống và niềm tin của nhân dân được cải thiện, nâng cao.
4. Chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, coi trọng việc phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục nhân dân. Tập trung nâng cao đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng văn hóa công sở. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trước hết là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin, giải quyết công việc nhanh chóng, thuận lợi nhất, giảm phiền hà. Năm 2018, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) Bến Tre xếp hạng 1/63 tỉnh, thành; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Bến Tre xếp hạng 4/63 tỉnh, thành; chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính (SIPAS) xếp hạng 19/63 tỉnh, thành.
5. Lãnh đạo tăng cường trách nhiệm của MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong công tác phối hợp với chính quyền, cơ quan nhà nước, tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và vận động nhân dân. Các chủ trương, chính sách đều được quán triệt và thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; triển khai quy định về thực hiện nội dung “Ba không, ba nên, ba cần” (Ba không: không gây phiền hà với dân; không thờ ơ, thiếu trách nhiệm công việc với dân; không nhận hối lộ và tham nhũng. Ba nên: nên vui vẻ khi tiếp và phục vụ dân; nên xin lỗi dân khi thấy thiếu sót; nên cảm ơn khi dân góp ý, phê bình. Ba cần: cần gần dân và sát cơ sở; cần học hỏi, lắng nghe ý kiến dân; cần vận động dân cùng lo, cùng làm) đồng bộ đến xã, phường, thị trấn, giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức thể hiện trách nhiệm, văn hóa ứng xử, đạo đức công vụ và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Khi xây dựng, triển khai các chương trình, đề án, công trình, dự án, cấp ủy, chính quyền các địa phương đều tổ chức lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, ý kiến phản biện của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội. Đối với các công trình, dự án lớn, nhiều huyện, thành phố đã chú trọng thành lập Ban vận động giải phóng mặt bằng để phối hợp tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân trước khi triển khai. Đối với các công trình, dự án nhỏ trong phạm vi xã, ấp đều được UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể xã tổ chức họp dân, lấy ý kiến của nhân dân về hình thức và mức đóng góp, thành lập Ban quản lý công trình, phát huy vai trò giám sát thi công có sự tham gia trực tiếp của người dân tại địa phương.
6. Tỉnh ủy thực hiện nghiêm và chỉ đạo các cấp ủy, nhất là người đứng đầu, làm tốt công tác tiếp dân, gặp gỡ - đối thoại, tiếp nhận - xử lý ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Nâng cao tỷ lệ giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài nhiều năm; tỷ lệ hòa giải thành ngay tại cơ sở đối với các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp mới phát sinh. Phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ công tác liên ngành (huyện Ba Tri), tổ tuyên truyền vận động (huyện Giồng Trôm), tổ vận động cá biệt (Mỏ Cày Nam)... đã góp phần giải quyết kịp thời những vụ việc khiếu kiện, tranh chấp của người dân ngay từ cơ sở, hạn chế tình hình khiếu kiện đông người, vượt cấp.
7. Bên cạnh đó, công tác DVCQ ở Bến Tre vẫn còn những hạn chế như: một số cấp ủy, chính quyền, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhận thức chưa sâu, chưa đầy đủ về ý nghĩa, nội dung, nhiệm vụ, tác dụng của công tác DVCQ; chưa nhiệt tình, thiếu trách nhiệm với dân, giải quyết thủ tục hành chính, giao tiếp ứng xử còn nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp; công tác quản lý nhà nước trên một vài lĩnh vực còn hạn chế, bất cập, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Một số nơi người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa thường xuyên tổ chức đối thoại để lắng nghe, giải quyết kiến nghị chính đáng của nhân dân; một số vụ việc tranh chấp trong tôn giáo hiệu quả giải quyết chưa cao; một vài vụ khiếu kiện về đất đai giải quyết còn chậm, kéo dài; hoạt động phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội còn ít; cấp xã chưa thực hiện phản biện xã hội, chủ yếu mới là góp ý.
8. Tỉnh ủy Bến Tre sẽ quán triệt nhiệm vụ CTDV năm 2020 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị này để cụ thể hóa thực hiện; triển khai chủ đề “Năm Dân vận khéo” vào thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết năm 2020 của Tỉnh ủy với mục tiêu phấn đấu hoàn thành tất cả các mục tiêu của năm 2020 và nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương châm An dân - Phát triển - Hiệu quả; phát triển thêm nhiều mô hình dân vận khéo.
PVM
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Văn Gặp tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: P.Tuyết
Tại điểm cầu tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Văn Gặp cùng đại diện các sở, ban ngành tỉnh, các huyện, thành phố tham dự.
Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp các mục tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Thực hiện các nội dung của “Năm dân vận chính quyền - 2019” với thực hiện phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” đã tạo được nhiều chuyển biến rõ nét trong công tác dân vận. 55/63 trung tâm phục vụ hành chính công ở các địa phương hoạt động tốt, nâng tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn lên 95,8%. Công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư cơ bản được thực hiện theo quy định của pháp luật. Năm 2019, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 28.428 vụ việc, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 86,2%.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trong thời gian tới các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương tập trung triển khai mạnh mẽ mô hình người dân đánh giá chính quyền với công tác dịch vụ công. Tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tăng cường đối thoại trực tiếp và hiệu quả giữa chính quyền với dân. Kịp thời giải quyết đúng pháp luật những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
P.Tuyết
|