Đoàn đại biểu Bến Tre tham gia thảo luận các Dự Luật Giá và Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, từ ngày 24 đến 29-5-2012, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2012; Quyết toán ngân sách năm 2010; Bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015; Dự thảo các bộ luật giá, luật phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tham gia thảo luận, các đại biểu đơn vị Bến Tre có ý kiến. Theo đó, vấn đề khiếu nại, tố cáo của công dân hiện nay là vấn đề bức xúc, Nhà nước cần quan tâm tập trung giải quyết. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, khiếu nại, tố cáo được giải quyết một cách dứt điểm cần phải quan tâm xem xét 4 vấn đề, đó là: phải quan tâm rà soát lại hệ thống chính sách, pháp luật hiện nay sao cho phù hợp thực tế; kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ, công chức có sai phạm trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, bao gồm cả cán bộ, công chức đương chức, cán bộ, công chức đã chuyển công tác hay đã nghỉ hưu; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo mang tính bức xúc, kéo dài của công dân, trước khi xây dựng các dự án, các công trình thì phải thông báo rộng rãi ra dân, vận động người dân để tạo sự đồng tình trong nhân dân… Trong lĩnh vực kinh tế, việc tái cơ cấu nền kinh tế cần phải được Trung ương phân bổ lại các nguồn lực kinh tế một cách hợp lý, khai thác các nguồn lực một cách có hiệu quả để hướng tới phát triển kinh tế ổn định, bền vững. Phát triển kinh tế ổn định, bền vững phải trên cơ sở ba yếu tố: tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên, đề án chỉ quan tâm đến tái cơ cấu nền kinh tế để tăng trưởng kinh tế mà chưa quan tâm nhiều đến vấn đề môi trường, tác động của biến đổi khí hậu và an sinh xã hội…
Đối với dự thảo Luật Giá, tại Điểm c, Khoản 4, Điều 10 về hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá có quy định: nghiêm cấm thẩm định viên thực hiện thẩm định giá cho các đơn vị thẩm định giá mà thẩm định viên về giá có quan hệ về góp vốn, mua cổ phần, trái phiếu hoặc có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là thành viên trong ban lãnh đạo hoặc kế toán trưởng đơn vị được thẩm định giá… Trên thực tế, ngoài các mối quan hệ đã qui định nêu trên, thì bố, mẹ, anh, chị, em bên vợ hoặc chồng của thẩm định viên cũng ảnh hưởng rất lớn đến thẩm định viên. Do dó, đề nghị bổ sung nghiêm cấm thẩm định viên thực hiện thẩm định giá cho các đơn vị thẩm định giá có bố, mẹ, anh, chị, em vợ (hoặc chồng) là thành viên trong ban lãnh đạo hoặc kế toán trưởng đơn vị được thẩm định giá vào Điểm c, Khoản 4, Điều 10 để đảm bảo tính khách quan trong quá trình thẩm định của thẩm định viên.
Trong Khoản 5, Điều 13 quy định về quyền của người tiêu dùng, đề nghị bổ sung hoàn chỉnh lại theo hướng: Người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về giá, hay khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về giá để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo qui định của pháp luật. Bởi vì, trong Khoản 5, Điều 13 có đề cập đến quyền của người tiêu dùng được khiếu nại, nhưng chưa có qui định rõ ràng cơ quan, tổ chức nào giải quyết khiếu nại về giá cho người tiêu dùng...
Trong dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đề nghị nên thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật. Và khi thành lập, cần có sự hướng dẫn thực hiện một cách cụ thể, tránh hình thức; tránh sự chồng chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan. Bởi thực tế, thời gian qua Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật có nơi hoạt động rất hiệu quả, nhưng cũng có nơi Hội đồng này chỉ mang tính hình thức, các thành viên chưa tích cực hoạt động, nên hiệu quả chưa cao.
Điều 18 về phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp, đề nghị chuyển Khoản 3, Điều 18 và quy định thành một điều mới ở Mục I, Chương III của dự thảo Luật quy định về trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bởi vì, Điều 18 đang nói về nội dung và hình thức của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong khi đó, phần trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân lại không đặt vấn đề trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động.
Tại Điều 19 quy định về phổ biến, giáo dục pháp luật cho nạn nhân bạo lực gia đình, cần phổ biến cho cả người thực hiện hành vi bạo lực gia đình. Bởi vì, cho dù nạn nhân bạo lực gia đình am hiểu pháp luật, nhưng người thực hiện hành vi bạo lực này không am hiểu pháp luật, không biết được hành vi bạo lực của mình là vi phạm pháp luật thì họ vẫn xảy ra bạo lực gia đình.
Luật quy định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; những hành vi bị nghiêm cấm trong phổ biến, giáo dục pháp luật,… Tuy nhiên, Luật không quy định về chế tài khi tổ chức, các nhân thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm, không quy định về khen thưởng khi tổ chức, cá nhân có thành tích, cống hiến lớn trong hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật. Do đó, đề nghị Luật có một điều quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm làm cơ sở pháp lý để xử lý tổ chức cá nhân vi phạm; khen thưỏng tổ chức, cá nhân có thành thích trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật.