Phải chú trọng dựa vào cộng đồng

21/05/2010 - 09:15
Đoàn Ngân hàng thế giới điều tra về biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đời sống cư dân xã Thới Thuận.

Theo thống kê, Bến Tre có nhiều dạng thiên tai, chủ yếu tập trung ở 6 loại như: bão; áp thấp nhiệt đới; lốc xoáy; lũ lụt và nước dâng; xâm nhập mặn và hạn hán; sạt lở đất ven sông; sấm sét. Thực tế trong hơn 14 năm qua, trên địa bàn tỉnh có 3 cơn bão đi qua đó là bão số 5-Linda năm 1997, bão số 7 năm 1998 và bão số 9-Durian năm 2006 và hơn 29 cơn áp thấp nhiệt đới đã gây thiệt hại nhiều tài sản, tính mạng người dân.

Thiên tai ở Bến Tre ngày càng gia tăng về qui mô lẫn chu kỳ và ngày càng diễn biến phức tạp. Hơn 70% dân số sống ở các vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo cao làm tăng nguy cơ rủi ro và hạn chế khả năng ứng phó của người dân khi có thiên tai xảy ra. Do vậy, để giảm một phần thiệt hại, việc lồng ghép các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với  kế hoạch phòng chống và giảm nhẹ thiên tai là vô cùng quan trọng và bức xúc. Để kế hoạch thuận lợi và đạt hiệu quả cao, Hiệp hội Phát triển quốc tế IDA đã phê chuẩn khoản tín dụng hỗ trợ 12 tỉnh của Việt Nam thường xuyên xảy ra thiên tai; trong đó, Bến Tre được chọn để thực hiện hợp phần 4 trong cả nước.
Từ năm 1996-2008 có 30 cơn lốc xoáy, làm thiệt hại khoảng 8,4 tỷ đồng, 3 người chết, 44 người bị thương, 1.313 căn nhà bị sập, 42 phòng học bị đổ; 9 đợt lũ và nước dâng, thiệt hại 360 tỷ đồng, 2 người chết, 1.941 nhà sập, 14 phòng học hư hỏng, hàng chục ngàn ha cây cối, hoa màu bị hư hại, nhiều tuyến đê bị sạt lở, 106 cầu nông thôn bị hư hại, 392km đường hư. Hằng năm, nước mặn đã lấn sâu vào đất liền, ranh mặn 4%o cao nhất trên các sông đã lên đến 60km. Độ mặn gần như xâm nhập toàn tỉnh như thời điểm hiện nay. Thiệt hại gây ra là khá lớn, trên 672 tỷ đồng, 132.800 hộ thiếu nước sinh hoạt, 15.800 ha lúa bị mất trắng, 857.000 cây giống hư hại, 45.000ha cây giống bị chết, 13.700ha dừa bị rụng trái, 25.000ha cây ăn trái giảm năng suất, 5.289ha tôm cá bị thiệt hại. Tình trạng sạt lở đất cồn ngày càng nghiêm trọng, trên sông Cửa Đại, Cổ Chiên, Hàm Luông, Chợ Lách, Bến Tre, An Hóa, Vàm Cái Quao... thiệt hại 74 tỷ đồng, 1.800 hộ bị ảnh hưởng, 3.665 ha đất bị sạt mất, 500 căn nhà hư hỏng. Theo đánh giá của Ban Phòng chống lụt bão tỉnh, 14 năm qua thiên tai đã làm chết và mất tích 124 người, bị thương 731 người, thiệt hại vật chất khoảng 4.600 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về nông nghiệp nặng nhất, khoảng 2.266 tỷ đồng, chiếm 85% trong tổng thiệt hại toàn tỉnh. Trong đó, trồng trọt, chăn nuôi thiệt hại 2.140 tỷ đồng, thủy sản 87,97 tỷ đồng, rừng ngập mặn ven biển hư hại 27.300ha, diêm nghiệp 27.300 tấn muối. Riêng các công trình thủy lợi thiệt hại 31.557 tỷ đồng, với 160km đê bao ven sông bị cuốn trôi.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu với mực nước biển tăng 33 cm và nhiệt độ tăng 100C vào năm 2050, Bến Tre sẽ bị ảnh hưởng rất lớn với trên 51% diện tích đất toàn tỉnh bị ngập, tương đương 113 triệu ha. Do vậy, hiện nay việc lồng ghép giảm nhẹ thiên tai đang còn nhiều vấn đề bất cập. Nhận thức của cán bộ và người dân chưa cao. Khả năng ứng phó với thiên tai của cộng đồng còn thấp. Cơ sở hạ tầng giao thông, đê điều còn nhiều yếu kém chưa đạt tiêu chuẩn cần thiết theo yêu cầu giảm nhẹ thiên tai. Mục tiêu cụ thể Bến Tre phấn đấu đến năm 2015 sẽ có trên 80% số dân các xã thuộc vùng thường xuyên bị thiên tai và đến năm 2020 toàn bộ cộng đồng người dân được phổ biến kiến thức về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; phấn đấu đến năm 2012 đảm bảo 100% cán bộ chính quyền địa phương các cấp trực tiếp làm công tác phòng chống thiên tai được tập huấn, nâng cao năng lực và trình độ phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; quản lý và nâng cấp hệ thống đê điều, từng bước ứng phó có hiệu quả với nước biển dâng; hoàn thiện việc di dời, sắp xếp ổn định đời sống nhân dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; hoàn thành 100% việc xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền tránh bão, năm 2015 xây dựng hoàn thiện 3 khu neo đậu tàu thuyền ở Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. 
 

Bài, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN