Nuôi tôm công nghệ cao ở Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Buội: Nhằm ổn định hoạt động sản xuất tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Sở NN&PTNT khuyến cáo người nuôi không quá lo ngại về giá cả, an tâm phát triển sản xuất, thực hiện một số biện pháp quản lý ao nuôi.
Các ao tôm đang nuôi chưa đạt kích cỡ thương phẩm, giai đoạn này không nên thu hoạch sớm (thu non). Người nuôi tôm nước lợ cần tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa một số bệnh có thể xảy ra. Đối với các ao đang chuẩn bị thả giống tôm nước lợ để nuôi, người nuôi tôm chuẩn bị thật kỹ môi trường nước, khi đạt yêu cầu mới tiến hành thả giống (độ mặn >10‰, độ kiềm >80mg/l, pH: 8.0 - 8.5). Chọn mua giống ở các trại có uy tín, tôm giống đạt chất lượng không nhiễm các bệnh nguy hiểm.
Trong giai đoạn này, người nuôi tôm nước lợ nên ương giống từ 20 - 25 ngày thả ra nuôi (nếu có ao ương), hoặc thả giống cuốn chiếu (nếu có nhiều ao nuôi). Mật độ thả nuôi đối với tôm thẻ chân trắng từ 60 - 80 con/m2
Theo dõi chặt chẽ, diễn biến thời tiết và kết quả quan trắc môi trường khu vực nuôi do Chi cục Thủy sản Bến Tre thực hiện định kỳ; theo dõi tình hình dịch bệnh, tổ chức khoanh vùng, xử lý tốt khi dịch bệnh xảy ra, tuyệt đối không được xả thải bùn đáy ao và mầm bệnh ra kênh rạch tự nhiên khi chưa được xử lý. Thường xuyên truy cập vào trang website của Sở NN&PTNT để theo dõi thông tin về kết quả quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh theo địa chỉ: (www.sonongnghiep.bentre.gov.vn).
Để ổn định hoạt động nuôi tôm nước lợ trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở NN&PTNT đề nghị UBND huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm hỗ trợ chỉ đạo các phòng, đơn vị có liên quan triển khai khuyến cáo này đến các tổ chức, cá nhân nuôi tôm biển trên địa bàn biết, vận dụng tốt và sản xuất đạt hiệu quả.
Tin, ảnh: Hoàng Lam