|
Bà Lagarde đang tìm sự ủng hộ của Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee |
Hiện đương kim Bộ trưởng Tài chính Pháp là ứng cử viên sáng giá nhất để ngồi vào chiếc ghế của ông Dominique Strauss-Kahn để lại
Cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày càng trở thành chủ đề nóng. Trong cuộc họp Hội nghị Ngoại trưởng Á-Âu lần thứ 10 (ASEM-10) tại Hungary ngày 7/6, Ngoại trưởng các nước đã bày tỏ quan điểm về khả năng lựa chọn bà Lagarde, Bộ trưởng Tài chính Pháp, người được coi là ứng cử viên sáng giá cho vị trí lãnh đạo IMF.
Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Ấn Độ SM Krishna cho biết Ấn Độ sẽ chỉ ủng hộ và lựa chọn các ứng cử viên theo năng lực chứ không phải theo quốc tịch hay khu vực.
Nhóm các nước bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc gọi tắt là BRICS đã cùng làm việc để cố gắng tìm ra một đại diện không thuộc châu Âu cho chức vụ Giám đốc IMF, tuy nhiên đến nay họ vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary, ông Martonyi lại nhấn mạnh, đại diện châu Âu có đủ năng lực và kinh nghiệm cho vị trí này, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với Bộ trưởng Tài chính Pháp là bà Christine Lagarde.
“Tôi nghĩ bà Lagarde thực sự là một ứng cử viên xuất sắc. IMF cần một sự chuyển dịch cơ cấu sâu sắc, một cuộc cải cách toàn diện và thiết lập một hệ thống quản lý mới. Tôi nghĩ đại diện từ châu Âu có năng lực và kinh nghiệm tốt nhất để làm được điều này.” – ông Martonyi nói.
Bà Lagarde là người nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Liên minh châu Âu (EU) cho chiếc ghế Tổng Giám đốc IMF, nhằm tiếp tục hỗ trợ làm giảm bớt các gánh nặng nợ nần trong khu vực.
Tuy nhiên các nước có nền kinh tế mới nổi, mà đứng đầu là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi lại đang trở thành thách thức đối với các nước châu Âu trong vấn đề này.
Trong một tuyên bố chung, nhóm các nước BRICS kêu gọi tăng cường khả năng tìm người đại diện của các nước đang phát triển cho chiếc ghế cao nhất của IMF. Trong khi đó, Mỹ được cho là sẽ ủng hộ cho ứng cử viên châu Âu, bởi sự hợp tác trong hệ thống tài chính, và các định hướng chính sách, cũng như chia sẻ các giá trị chung. Các nước châu Âu hiện nắm giữ 35% quyền bỏ phiếu tại IMF, Mỹ và Canada nắm giữ 20%. Với con số này, bà Lagarde được dự đoán sẽ trở thành nhà lãnh đạo mới của IMF.
Cũng trong ngày 7/6, Bộ trưởng Tài chính Pháp Lagarde đã có chuyến thăm đến thủ đô New Dehli của Ấn Độ, để tìm kiếm sự ủng hộ từ một trong những nền kinh tế mới nổi có ảnh hưởng nhất thế giới trong cuộc chạy đua vào vị trí lãnh đạo Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF). Sự ủng hộ của Ấn Độ, nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng mạnh được cho là sẽ góp phần quan trọng trong việc tranh cử chức Tổng giám đốc IMF của bà Lagarde, giúp giảm bớt sự bất bình từ các nước đang phát triển trong việc chọn một đại diện châu Âu cho vị trí lãnh đạo IMF.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, bà Lagarde cam kết sẽ hỗ trợ các nước có nền kinh tế mới nổi tăng cường tiếng nói của mình trong các hoạt động và thể chế của IMF.
Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với bà Lagarde, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee cho biết, không đảm bảo rằng Ấn Độ sẽ ủng hộ bà Lagarde. Ông Mukherjee cũng cho biết, Ấn Độ hiện đang làm việc với các quốc gia, đặc biệt là nhóm các nước BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và cả Nam Phi nhằm đạt được thỏa thuận trong vấn đề lựa chọn người lãnh đạo IMF.
Sau Ấn Độ, Trung Quốc sẽ là điểm dừng chân tiếp theo của bà Lagarde trong chuyến thăm các nước Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Saudi Arabia nhằm tìm sự hậu thuẫn của các nước này cho nỗ lực trở thành người lãnh đạo IMF./