Gặp gỡ những doanh nhân cựu chiến binh xứ Dừa, bài 2

Nông dân Ba Nhựt và “cổ tích” 6 hạt lúa

31/07/2023 - 05:22

BDK - Về cánh đồng xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, hỏi thăm nhà nông dân Ba Nhựt hoặc “Ba Nhựt lúa tím”, người dân ở đây hồ hởi dẫn đường đến tận nhà anh một cách rất nhiệt tình. Danh xưng Ba Nhựt tuy chưa được biết nhiều trong giới doanh nhân, nhưng lại nổi danh là kỹ sư chân đất đam mê và nghiên cứu khoa học về cây lúa ở Bến Tre và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Kỳ diệu nhất ở người cựu chiến binh (CCB) Phạm Văn Nhựt, sinh năm 1963, là câu chuyện xây dựng thương hiệu gạo tím Ba Nhựt từ… vỏn vẹn chỉ có 6 hạt lúa ban đầu.

Anh Phạm Văn Nhựt (đứng giữa) cùng với nông dân tiêu biểu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đánh giá chất lượng các giống lúa mới do các nông dân tự lai tạo. Ảnh: Cẩm Trúc

“Cổ tích” 6 hạt lúa

Xuất thân trong gia đình có truyền thống làm nông dân rặt. Tuổi thơ anh lớn lên giữa bốn bề là ruộng đồng bao la. Hình ảnh cánh đồng lúa chín trĩu hạt, đàn cò trắng bay yên ả… tất cả đã như quyện vào tâm thức. Chính vì vậy, sau thời gian 3 năm (1984 - 1987) tham gia nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia, ngày trở về, dù được giới thiệu vào làm việc tại Tòa án tỉnh, nhưng anh đã dứt khoát từ chối: “Tôi về quê làm lúa chứ không đi đâu nữa. Làm lúa là chắc ăn nhất!”.

Anh Ba Nhựt cười: “Hồi này hết thư sinh, khi về quê là tôi cưới vợ và tập tành trồng lúa theo truyền thống của gia đình”. Cơ duyên đến, năm 1995, anh may mắn được tham gia khóa tập huấn phục tráng, lai tạo giống lúa của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL tổ chức với sự tài trợ của Na Uy. Đây được xem là bước đệm để anh thoát “kén” và trở thành một nhà nông, nhà nghiên cứu khoa học thực thụ về cây lúa, thỏa niềm đam mê. Sau khi hoàn thành khóa học này, anh nắm chắc và vận dụng nghiêm quy trình canh tác lúa hữu cơ vào thực tế cánh đồng. Anh đã phục tráng thành công nhiều giống lúa tại địa phương, trong đó có OC10 - một giống lúa nổi tiếng hàng đầu về năng suất và chất lượng làm bánh, bún, hủ tiếu. Anh cũng lai tạo thành công một số giống mới được Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL công nhận và đặt tên.

Biết anh quá mê cây lúa, năm 2011, một người cháu từ Nhật Bản về đã bí mật tặng anh một món quà bất ngờ. Đó là 6 hạt lúa đen được gói ghém, cất giữ cẩn thận. Với ai khác, món quà đó không mấy giá trị và chẳng thể làm được gì, nhưng với Ba Nhựt thì khác, anh mừng rỡ, vội đem đi ươm và giấu cẩn thận 5 cây lúa giống giữa cánh đồng. “Ờ, 6 hạt nhưng ươm chỉ lên có 5 cây vì có 1 hạt bị lép”, anh kể lại y vậy theo đúng chất nông dân.

Vậy là 6 hạt giống vài tuần sau đã trở thành 5 bụi lúa khỏe khoắn, từng ngày lớn lên và rõ sự khác biệt. Kết quả 5 bụi lúa trổ 24 bông, mỗi bông khoảng 50 hạt, hạt lúa có màu tím. Điều khác biệt là khi chín thì lại ngã sang màu đen, trông cũ cũ như màu lúa mốc do ẩm ướt. Đây cũng là dấu hiệu để nhận biết lúa đã chín. Lấy số lúa chín anh tiếp tục lai tạo, gầy giống thêm ra non nửa công đất, với khoảng cách gieo 1,2 - 1,4 tấc/hạt. Dần dần, anh nhân lên được 1 giạ lúa (22kg). Vậy là, đợt nhân giống thứ ba, anh đã có đủ hạt để gieo trên 2 công rưỡi đất, chuyên lúa tím.

Nhớ tới đoạn nào đắc ý, anh lại cười: Ngày thu hoạch đem về đổ ra sân, hai vợ chồng mừng khoe giống lúa mới mà người ta không tin. Thấy hạt lúa màu đen thui, nông dân trong xóm đi ngang la: Trời, kỹ sư gì làm lúa ra vầy, thất bát thấy rầu luôn. Nói xong ai về nhà ấy, còn anh Ba Nhựt với vợ vẫn cái nhìn đồng cảm và động viên nhau hãy cùng cố gắng, từ từ sẽ thành công.

PGS.TS. Huỳnh Quang Tín - Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ từng rất tự hào với các nước bạn láng giềng rằng, những nông dân Việt Nam chúng tôi có thể nghiên cứu lai tạo giống lúa rất giỏi. Họ có thể hướng dẫn nông dân các nước bạn cách làm lúa chất lượng. Hẳn nhiên, lúc ấy, tổ nông dân tiêu biểu lai tạo giống lúa ĐBSCL có Ba Nhựt - nhà nông duy nhất đại diện cho Bến Tre.

Được biết, giống lúa tím giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường và hạ đường huyết rất tốt, nhưng để chứng minh đúng - sai theo kiểu của nông dân, anh đưa gạo tím cho người chị trong gia đình đang bị bệnh đường huyết cao dùng thử thay cho gạo thường và kiểm tra đường huyết định kỳ hàng tháng. Kết quả kiểm tra lần 1, đường vẫn còn cao, lần 2 và lần 3 đã cải thiện dần. Sau đó, chị duy trì dùng gạo tím để ổn định đường huyết.

“Hầu hết sau thời gian 1 tháng ăn gạo tím, thấy khỏe trong người hơn, họ lại siêng dùng gạo tím. Hình như hiện nay trong xã, người dân đều dùng gạo tím Ba Nhựt, nhất là người bệnh tiểu đường, mỡ máu, huyết áp đều tin tưởng dùng gạo tím…”, anh Ba Nhựt phấn khởi. Tin vui gạo tím được bà con đón nhận, vợ chồng anh Nhựt quyết tâm tăng diện tích lên 7 công, 1ha và đến nay 3ha trồng lúa tím và một phần diện tích trồng nếp cẩm.

Chung thủy với lúa tím

Một chiều cuối tháng 7-2023, chúng tôi cùng anh Ba Nhựt và những CCB là nông dân Phong Nẫm ra thăm đồng, ruộng lúa tím còn chưa trổ bông. May thay, có 1 bụi đã trổ, có 1 bông, hạt lúa màu tím sậm. Anh nói do còn sót lại của mùa trước. Nhổ bụi lúa cầm trên tay, ngồi bệt xuống đê, anh Nhựt khà khà: “Điều lạ là sau hơn 10 năm lai tạo, nhân giống và giới thiệu cho nông dân trong xã và các tỉnh đồng bằng, kết quả đến thời điểm này là… cũng chỉ có một mình tôi làm”.

Anh Phạm Văn Nhựt (đứng giữa) cùng nông dân xã Phong Nẫm ra thăm đồng, ruộng lúa tím. Ảnh: Cẩm Trúc

“Tức là, hồi đó mặc dù có giới thiệu cho nhiều nơi nhân rộng nhưng ngặt nỗi, kết quả test sau thu hoạch đều không được khách hàng chấp nhận, chỉ có lúa của ruộng anh Ba Nhựt là đạt yêu cầu. Do lúa của họ có quá nhiều lưu lượng phân thuốc hóa học. Còn anh may mắn là tuân thủ quy trình sản xuất sạch, hữu cơ”, anh Ba Nhựt nói.

Theo anh là rất đơn giản như: Không lạm dụng phân thuốc hóa học, nên ưu tiên dùng phân hữu cơ, chỉ dùng một ít kali giai đoạn lúa chuẩn bị trổ đòng. Tuyệt đối không dùng thuốc hóa học để diệt sâu bệnh mà tự pha chế bằng cách dùng tỏi xay nhuyễn trộn với rượu gốc để xịt hoặc có thể trị khuẩn bằng cách ngâm vôi đá trong nước để phun xịt hoặc tán vôi nhuyễn rải xuống ruộng… Theo cách này, trong mấy chục năm qua, lúa của Ba Nhựt vừa chắc khỏe, ít sâu bệnh, năng suất ổn định cao, vừa ít tốn kém tiền đầu tư phân thuốc hóa học.

Sao nông dân ở gần đây không trồng giống lúa tím như anh? (tôi hỏi thêm) - Hồi đó, ban đầu Bến Tre có thành lập tổ giống lúa khoảng 30 người để học lai tạo giống lúa ĐBSCL, do Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL đào tạo, hướng dẫn. Nhưng học mãi từ năm 1995 tới nay, kết quả gần 30 năm thì… Bến Tre còn có một mình tôi. Cũng như hơn 10 năm lai tạo thành công và nhân giống thì đến nay cũng chỉ có mình tôi còn làm giống này, “cha đẻ” của nó mà.

Anh Ba Nhựt lại rúc vai, cười. Vấn đề là gặp khó nhưng không nản, phải kiên trì học hỏi, tìm tòi giải pháp. Hơn hết, có người bạn đời luôn đồng tâm, hợp sức nhau làm mới có thể vượt qua những khó khăn, thử thách, cũng như không chạy đua cạnh tranh, không vì lợi nhuận mà đánh đổi những giá trị khác như tiêu chuẩn an toàn và chất lượng của “hạt ngọc” làm ra.

Khi trực tiếp kinh doanh bán lẻ gạo tím cho khách hàng nhiều nơi, anh Ba Nhựt đã lấy mẫu gửi đến Trung tâm Phân tích kỹ thuật cao Sài Gòn để phân tích tỷ lệ thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Đến nay, thương hiệu gạo tím Ba Nhựt đã xuất hiện tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Ngoài ra, có các đại lý lớn (Vũng Tàu, Củ Chi, Long An, TP. Hồ Chí Minh…), bán phục vụ cho người có các bệnh nêu trên như một loại thảo dược.

Ông Phan Văn Lễ - Chi hội trưởng Chi hội CCB xã Phong Nẫm, cũng là một nông dân trồng lúa xuất sắc của địa phương, chia sẻ: “Khoảng mươi năm trước, Phong Mỹ (giờ nhập chung với xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm) từng là cánh đồng mẫu lớn khoảng 500ha nhưng hôm nay đã loang lổ hình “da beo”, diện tích lúa giảm chỉ còn khoảng 20ha, vì được xen dừa, chuối, một số cây trồng khác. Chỉ có cánh đồng của Ba Nhựt vẫn còn giữ nguyên diện tích lúa đến bây giờ…”.

Thời gian đã chứng minh tình yêu chung thủy sắt son và niềm đam mê của người CCB gốc nông dân đối với cây lúa. Thành công của anh Ba Nhựt là bài học về thái độ lao động cần cù, nghiêm túc và tử tế từ khâu sản xuất đến tìm kiếm thị trường, cùng với tinh thần luôn học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Dù xung quanh có đổi thay thế nào, người CCB ấy vẫn ươm mầm khát vọng cùng tiến bộ và phát triển song hành với cây lúa quê hương.

Gạo tím và nếp cẩm thương hiệu Ba Nhựt đang được thị trường ưu chuộng. Hai sản phẩm này được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao vào tháng 7-2023. Ngoài ra, rượu lúa tím của anh Ba Nhựt cũng được xã Phong Nẫm kỳ vọng sẽ đạt chuẩn OCOP trong thời gian tới.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN