Trưng bày hình ảnh Bác Hồ tại Nhà trưng bày thành tựu kinh tế - xã hội - Bảo tàng Bến Tre.
Dấu ấn lịch sử
Chúng tôi đã có dịp đến tham quan, tìm hiểu tại di tích lịch sử Bến cảng Nhà Rồng và được người hướng dẫn thuyết minh để hiểu hơn về cuộc hành trình cứu nước của Bác.
Bến cảng Nhà Rồng khởi điểm là một thương cảng lớn do Pháp xây dựng. Ngày 5-6-1911, tại nơi đây, Nguyễn Tất Thành đã xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước. Sau năm 1975, bến cảng này được xếp vào di tích lịch sử, được Đảng và Nhà nước quy hoạch trùng tu, xây dựng thêm, tạo dựng thành Bảo tàng Hồ Chí Minh trang nghiêm, sạch đẹp.
Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville rời Sài Gòn xin làm phụ bếp để theo tàu sang châu Âu đi tìm đường cứu nước. Bác đã bôn ba qua 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ với gần 30 quốc gia để lao động, học tập, tham gia hoạt động các mạng, tìm kiếm con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ với mong muốn như Người đã từng nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
Qua nhiều năm sinh sống ở các nước, Bác đã tìm thấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, đó là con đường cách mạng vô sản. Sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài, ngày 28-1-1941, Bác đã trở về và trở thành nhà cách mạng tài ba, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám, lập ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
Hiện tại Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ và trưng bày bức ảnh về Bến cảng Nhà Rồng thời điểm năm 1911. Bức ảnh này (bản sao) đã được mang về Bến Tre cùng với các loạt ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được trưng bày tại Nhà thành tựu kinh tế - xã hội, Bảo tàng Bến Tre. Bộ ảnh trưng bày có chủ đề: “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, thời gian trưng bày đến tháng 11-2020.
Dạt dào cảm xúc
Bến cảng Nhà Rồng là một trong những địa điểm đã tạo nên những cảm xúc rất mạnh mẽ cho các tầng lớp nhân dân khi đến đây tham quan. Và cũng là nguồn cảm hứng bất tận để cho ra đời rất nhiều sáng tác của giới văn nghệ sĩ khắp nơi trong nước, trong đó có cả văn nghệ sĩ Bến Tre.
Tượng đài người thanh niên Nguyễn Tất Thành ngày ra đi tìm đường cứu nước được xây dựng tại Bến cảng Nhà Rồng (TP. Hồ Chí Minh).
Một trong những tác phẩm nổi tiếng viết về Bến cảng Nhà Rồng, về khởi đầu cuộc hành trình cứu nước của Bác được nhiều người biết đến là bài hát “Dấu chân phía trước” của Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh). Bài hát đong đầy tình cảm về Bác, về một bến Nhà Rồng lịch sử, trong đó có đoạn: “Khi tôi còn là hạt bụi/ Người đã lên tàu đi xa/ Khi quê hương còn chìm nổi/ Người đã lên tàu đi xa/ Khi tôi còn là là hạt bụi/ Người đã lên tàu đi xa/ Khi bến Nhà Rồng đầy nước mắt/ Bước chân Bác đặt chốn này...”.
Còn với giới văn nghệ sĩ Bến Tre, cũng đã có rất nhiều tác phẩm viết về Bến cảng Nhà Rồng. Điển hình như bài “Yêu lắm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh” của Nhạc sĩ Huỳnh Hạnh - hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bến Tre. Bằng tình cảm chân thành dành cho một thành phố mang tên Bác và lòng kính yêu hướng về vị cha già dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã viết: “… Yêu lắm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, bên Bến Nhà Rồng đêm trăng thanh gió mát, chính nơi đây Bác đã lên tàu, tìm chân lý quay về xua tăm tối. Để hôm nay có một thành phố mang tên Người”.
Không chỉ có âm nhạc mà còn có các sáng tác ở thể loại ca cổ, cụ thể như tác giả Nguyễn Thị Bế - hội viên Phân hội Sân khấu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác bài ca cổ “Chiều Bến Nhà Rồng nhớ Bác”. Rung cảm về sự kiện Bác ra đi tìm đường cứu nước tại Bến Nhà Rồng, chị viết: “Bến cũ bờ xưa vẫn còn đây khắc ghi dấu chân kỷ niệm. Ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước năm nào. Bến sông quê sóng nước vẫn dạt dào. Nhớ mãi khi xưa chuyến tàu sang hải ngoại. Có người phụ bếp tài tên gọi anh Ba. Không có bạc tiền chỉ có lòng yêu nước thiết tha. Bác đã tìm ra chân lý sáng ngời. Đất nước rạng danh từ đấy Bác ơi. Có Đảng quang vinh soi đường dẫn lối… Bến Nhà Rồng nước vẫn chảy mênh mông. Nhớ một tấm lòng vì dân vì nước…”.
Ngày 5-6-1911 sẽ mãi mãi là một dấu son ghi tạc vào lịch sử Việt Nam, ngày mà vị cha già của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuống tàu rời xa Tổ quốc để bôn ba tìm con đường giải phóng cho quê hương. Trái tim của Người mãi ngời sáng một tinh thần yêu nước thiết tha, cả cuộc đời vì nước vì dân, gần gũi nhưng vô cùng vĩ đại để mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.
Bài, ảnh: Ánh Nguyệt