Cơ sở thu mua dừa uống nước có đăng ký thực hiện “5K”, tại xã An Khánh, huyện Châu Thành. Ảnh: Cẩm Trúc
Nỗ lực của các địa phương
Tại cuộc họp sơ kết tình hình cung ứng hàng hóa và tiêu thụ nông sản qua 2 đợt giãn cách xã hội, ngày 17-8-2021, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu nhận định, hàng hóa thiết yếu đảm bảo cung ứng cho bà con từ ngày 19-7 đến 15-8-2021. Giá cả các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, cá tươi sống ổn định. Một số địa phương có thiếu hàng cục bộ đối với một số mặt hàng như mì tôm, nước tương nhưng đã được điều tiết.
Đặc biệt, trong đợt giãn cách thứ hai, hầu hết các địa phương có tổ chức phát phiếu đi chợ, hoặc mô hình bán hàng lưu động, đi chợ thay…, nhằm hạn chế người dân ra đường, đi chợ tập trung đông người. Các địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp giúp lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, tùy tình hình điều kiện các huyện, các xã mà việc quản lý lưu thông một số nơi có khác nhau, gây ra một số khó khăn trong từng lúc, từng nơi nhưng được các sở, ngành, địa phương vào cuộc giải quyết dứt điểm tại thời điểm xảy ra khó khăn.
Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Mai Văn Hùng cho biết: Huyện chỉ thiếu mặt hàng mì tôm ở một số nơi. Thời gian qua, huyện duy trì 18 đội “Shipper xanh” để đi chợ cho người dân. Đối với đội ngũ lao động chuỗi thủy sản, dừa, huyện có khoảng 3,6 ngàn người đăng ký, đến nay trên 60% số lao động này đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1.
Lượng heo, gà, vịt tiêu thụ tại chỗ đảm bảo. Tôm thẻ bình quân tiêu thụ 45 tấn/ngày, đáp ứng nhu cầu người nuôi. Riêng sò, tôm càng xanh thì chưa có đầu ra. Sắp tới, huyện Thạnh Phú có nhu cầu tiêu thụ củ sắn.
Khó khăn chủ yếu của huyện Bình Đại là tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, nhãn xuồng cơm vàng. Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân cho biết, đợt giãn cách thứ hai, huyện vận động tiêu thụ được 200 tấn, số lượng còn lại được phơi sấy khô. Hiện nay, sản lượng nhãn tồn đọng còn khá nhiều. Sản phẩm thủy sản, đặc biệt là con tôm, huyện có 20 thương lái thu mua khoảng 20 tấn/ngày, giá giảm mạnh so với trước. Thời gian tới, huyện cần tiêu thụ 200 tấn nhãn và một số mặt hàng khác như dưa hấu, dừa xiêm.
“Riêng về bốc dỡ hàng đánh bắt, tàu về cập cảng sau đợt khai thác đang muốn quá tải (so với quy định giãn cách). Do đó, huyện cho cảng tăng số lượt tàu về (tăng hơn 2 tàu/cảng) nhưng khó khăn khác là cảng đang thiếu công nhân bốc vác. Lực lượng làm việc tại cảng còn vài chục người không đủ tổ chức bốc vác hàng hóa. Hướng giải quyết, huyện tổ chức huy động lực lượng dân quân tự vệ hỗ trợ cảng...”, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân cho biết.
Nhiều mô hình sáng tạo
“Việc tiêu thụ hàng nông sản được xử lý đồng thời với cung ứng hàng hóa. Đặc biệt, có sự tập trung trong đợt giãn cách thứ 2, bằng nhiều hình thức kết nối tiêu thụ trên mạng, thương mại điện tử”. Kết quả tiêu thụ khoảng 4 ngàn tấn tôm; trên 2,5 ngàn tấn các loại cây trái vào thời điểm thu hoạch như: nhãn, chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh…”.
(Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu)
|
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương, trong 2 đợt giãn cách xã hội, huyện tổ chức mô hình xe bán hàng lưu động triển khai tại 10 xã. Ngoài ra, huyện có tổ chức 62 người đi chợ thay dân theo mô hình “Shipper xanh”. Ba Tri cũng đã vận động được nhiều tỷ đồng và phân bổ kịp thời hàng hóa, trang thiết bị y tế cho các đơn vị, hộ dân, khu vực cách ly.
Hiện Ba Tri đang bước vào thu hoạch lúa Hè Thu, đã thu hoạch được 40ha, năng suất khoảng 4 - 5 tấn/ha. Huyện đã chủ động ban hành văn bản hướng dẫn các xã tổ chức cho người dân thu hoạch. Tuy nhiên, đội thu hoạch lúa cũng cần có nguồn lực hỗ trợ để thực hiện “5K”, đặc biệt là test nhanh.
Ba Tri có 250 tấn rau được thu hoạch, còn tồn một số ít đối với rau ăn lá. Huyện có kết nối nhóm Zalo hỗ trợ thị trường của tỉnh để hỗ trợ một phần sản lượng rau ăn lá cho bà con. Hướng tới, huyện sẽ kết nối với tỉnh để tiêu thụ rau ăn lá cho bà con được tốt hơn.
Việc thu mua sữa bò cũng được tổ chức khá tốt. Riêng Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Hòa tồn 4 ngàn con dê đã đến thời điểm bán, với 148 tấn. Tuy nhiên, việc tiếp cận các đơn đặt hàng còn chậm.
Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành Lê Xuân Vinh cho hay, thời gian qua, huyện tổ chức đăng ký điểm bán hàng tại các địa phương. Đến thời điểm này, huyện có trên 1.600 điểm bán hàng. Việc cung ứng hàng hóa đảm bảo. Châu Thành đặc biệt quan tâm kiểm tra các điểm bán, các chợ. Kết quả, huyện đã phê bình 2 cán bộ xã và một số địa phương chậm triển khai văn bản của huyện.
Nuôi tôm công nghệ cao ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Hoàng Trung
Tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn Châu Thành trong đợt giãn cách thứ hai đã khả quan hơn, như: sầu riêng đã tiêu thụ hết, chôm chôm còn tồn đọng nhưng rất ít. Các doanh nghiệp chuỗi bưởi, dừa đã hoạt động trở lại và đảm bảo quy định phòng chống dịch.
Đối với Chợ Lách, trong giai đoạn 2, huyện đã bắt đầu xuất hiện các ca F0. Huyện chuyển trạng thái tổ chức mô hình đi chợ thay. Lượng hàng dồi dào, phong phú. Phó chủ tịch UBND huyện Phạm Anh Linh cho hay, đến nay, nhãn xuồng tiêu thụ 150 tấn, còn lại khoảng 200 tấn. Chôm chôm đã tiêu thụ được 40 tấn, với giá 6 ngàn đồng/kg đối với chôm chôm Java và chôm chôm Thái 17 ngàn đồng/kg. Dự kiến trong 2 tuần tiếp theo, huyện Chợ Lách sẽ thu hoạch khoảng 150 tấn chôm chôm, khả năng tiêu thụ thời gian tới khá tốt. Đặc biệt, huyện gặp rất nhiều khó khăn trong vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ cho hoạt động sản xuất cây giống.
Huyện Giồng Trôm linh động tạo điều kiện lưu thông đảm bảo thông suốt, phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cho người dân. Qua kiểm tra, có 6 cửa hàng thuốc tây chưa thực hiện đúng quy định đã được xử lý.
Về tiêu thụ nông sản, huyện đã gắn kết nhóm Zalo theo dõi thị trường của tỉnh. “Đối với mặt hàng dừa khô, Công ty Betrimex tiêu thụ 1 phần sản lượng dừa, với khoảng 560 ngàn trái, còn tồn trên 4 triệu trái. Dừa uống nước, Công ty TNHH XNK Trái cây Mêkong tiêu thụ 1,29 triệu trái, còn tồn 89 ngàn trái…”, Phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Đinh Thị Thanh Nhanh cho biết.
Ngoài ra, Giồng Trôm có 11 tấn chanh chuẩn bị vào vụ thu hoạch; trên 150 tấn gia súc, gia cầm. Hiện tại, huyện đã thu hoạch một số diện tích lúa và đang tiếp tục thu hoạch trong đợt giãn cách tiếp theo.
Huyện Mỏ Cày Nam tồn đọng chủ yếu mặt hàng dừa nguyên liệu. Huyện đã chủ động hướng dẫn thu gom theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Giải pháp 2 tuần tiếp theo
Theo Sở Công Thương, về kết nối tiêu thụ hàng hóa, sản lượng ước từ ngày 15 đến 30-8-2021 khá dồi dào cần hỗ trợ tiêu thụ. Cụ thể, các loại trái cây 4.198 tấn, dưa hấu 1.300 tấn, vịt 15 tấn; 2 triệu trứng gà, vịt, tôm nước lợ 2.380 tấn; tôm càng xanh 35 tấn; sò huyết 310 tấn. Ngoài ra, sản lượng nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ như củ cải trắng, đậu phộng…
Giải pháp trong 14 ngày tiếp theo, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, mục tiêu cao nhất là khống chế được dịch bệnh nhưng cũng phải đảm bảo việc cung ứng hàng hóa. Theo phản ánh các địa phương, trong 14 ngày của đợt giãn cách thứ ba, việc cung ứng hàng hóa đảm bảo. Một số mặt hàng như lúa vào vụ thu hoạch; thịt heo, bò, gia súc, gia cầm khả năng cung ứng và tiêu thụ tại tỉnh đảm bảo.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đánh giá, kết quả qua 2 đợt giãn cách xã hội là cơ bản đạt mục tiêu, yêu cầu so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, thời gian tới, các địa phương cần đặc biệt quan tâm kiểm tra việc thực hiện quy định “5K”, “3 tại chỗ” tại các cơ sở, doanh nghiệp, các chợ, tiểu thương. Đẩy nhanh việc phân phối hàng viện trợ; thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 25 của UBND tỉnh. Phó chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các địa phương quan tâm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gặp khó khăn trong thời gian cách ly đảm bảo đời sống.
Tiếp tục duy trì các mô hình đi chợ thay có hiệu quả trong 2 đợt vừa qua, hạn chế tình trạng người dân đi chợ tập trung đông người. Địa phương nào có điều kiện thì tổ chức xe bán hàng lưu động.
Các địa phương chủ động rà soát các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung ứng, kịp thời điều tiết hàng hóa ở một số địa phương thiếu hàng cục bộ. Tiếp tục kết nối giải quyết tiêu thụ nông sản cho người dân theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Rút kinh nghiệm trong việc kết nối tiêu thụ cần có sự phối hợp chặt với Hội Nông dân nắm lại sản lượng cụ thể từng loại nông sản, có giá cả, đầu mối tiêu thụ cụ thể.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh nhấn mạnh, nơi cung ứng hàng hóa phải đảm bảo “5K”, tiểu thương chợ phải có kính chống giọt bắn (vì hiện có nhiều chợ chưa thực hiện); test nhanh đối với cơ sở kinh doanh đã thực hiện tốt việc kiểm tra định kỳ, đề nghị quan tâm tổ chức lực lượng, ngân sách test nhanh cho tiểu thương.
Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị trong kết nối tiêu thụ hàng hóa, các địa phương cần thống nhất khung giá nông sản đang có để chào hàng, có đầu mối tiếp nhận, thu gom, giao hàng; huy động các lực lượng tại địa phương tích cực hỗ trợ người dân trong thu hoạch và tiêu thụ hàng nông sản. Bên cạnh đó là quan tâm hỗ trợ kịp thời các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng trong chuỗi cung ứng hàng hóa.
|
Cẩm Trúc