|
Mô hình nuôi heo luân chuyển giúp thoát nghèo đang được nhiều địa phương áp dụng. |
Ở Tân Thanh Tây (Mỏ Cày Bắc), nếu kinh tế vườn là chủ yếu thì chăn nuôi được xem giải pháp để tích lũy hiệu quả. Bây giờ, người dân nuôi heo không chỉ bằng kinh nghiệm mà còn có kiến thức khoa học kỹ thuật và sự hợp tác. Sự liên kết ấy đang làm cho nghề nuôi heo phát triển và nhiều người làm giàu từ nghề này.
Toàn xã hiện có trên 8 ngàn con heo và nhiều hộ nuôi với qui mô vài trăm con. Ông Nguyễn Văn Sắc - một chủ hộ nuôi heo ở ấp Xóm Gò cho biết, nhiều gia đình ở xã xem nuôi heo là nguồn thu nhập chính và không ít hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Song, do giá cả lên xuống thất thường, cùng với thời tiết, dịch bệnh nên tập quán nuôi heo buộc phải thay đổi để thích nghi. “Bây giờ, nuôi heo không còn thả rong, phải có chuồng trại và được giữ vệ sinh bằng xây hầm biogas. Vùng này nuôi heo rất nhiều, nhưng mùi hôi rất hạn chế vì hầu hết hộ nuôi số lượng lớn đều xây hầm” - ông Sắc cho biết.
Để đàn heo của xã phát triển một cách bài bản, Ban Phát triển xã đã chọn vật nuôi này trong kế hoạch phát triển theo Chương trình Dự án DBRP Bến Tre. Ông Lê Văn Măng - Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban Phát triển xã cho biết, Ban tạo điều kiện để những hộ chăn nuôi heo liên kết, thành lập tổ hợp tác; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật để người nuôi chăm sóc heo theo hướng khoa học hơn. Chỉ tính riêng năm 2012, trên 30 người dân được tập huấn nuôi heo sinh sản. Xã cũng đã xây dựng Mô hình nuôi heo nái cho hộ nghèo, theo phương thức cấp con giống cho các hộ. Sau thời gian nuôi, các hộ này tiếp tục giao heo cái con cho hộ nghèo tiếp theo.
Liên kết để cùng mua thức ăn tận gốc cũng là điểm mới của các hộ chăn nuôi heo ở Tân Thanh Tây. Ông Nguyễn Văn Sắc cho biết, tổ nuôi heo do ông phụ trách có 16 hộ. Ngoài việc được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, các thành viên của tổ còn được truyền thụ kiến thức về chuỗi giá trị ngắn của Mô hình nuôi heo. Qua đó, bà con hiểu cặn kẽ hơn khâu nào cần được đầu tư để đảm bảo có lợi trong sản xuất. Các thành viên của tổ hợp tác quyết định liên kết nhau để trở thành đại lý cấp 1 của Công ty sản xuất thức ăn. “Khi là đại lý cấp 1, chúng tôi được khuyến mãi, hậu mãi và đặc biệt là giá thành giảm 30-40 ngàn đồng/bao thức ăn so với thị trường. Nhờ vậy, tổ hợp tác của chúng tôi nuôi heo luôn có lãi” - ông Sắc phấn khởi.
Điểm khó của tổ hợp tác khi làm đại lý mua thức ăn trực tiếp với công ty là phải trả tiền ngay khi nhận hàng. Để tháo gỡ khó khăn này, một ngân hàng đã đứng ra cho các thành viên của tổ vay (thế chấp) và theo hình thức rút vốn từ từ. Ông Nguyễn Văn Sắc cho biết, ông vay 200 triệu đồng, nhưng không giải ngân một lần. Mỗi chuyến nhận hàng, ông mới rút 10-15 triệu đồng nên lãi không nhiều. Nhờ vậy, dù nuôi heo từ tiền vay nhưng mức lợi nhuận vẫn hơn nhiều so với mua thức ăn gối đầu tại địa phương như trước đây.
Hợp tác nuôi heo của Tân Thanh Tây có thể xem là cách làm hay cho nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi tương tự. Mặt khác, nguồn vốn vay của Dự án DBRP, do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, nếu giải ngân đến các tổ, nhóm hợp tác thì hình thức này cũng là một cách làm cần được xem xét.