Những thành tựu của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

24/11/2021 - 06:33

BDK - Từ những năm 1980, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đưa lên bàn nghị sự trong nhiều cuộc họp quan trọng của Đảng, chính quyền. Xác định được tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngày 21-9-1984, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 1212 thành lập Ủy ban DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế, đặt nền móng đầu tiên cho việc thành lập bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ của tỉnh.

Hội nghị biểu dương gương điển hình trong công tác chăm sóc người cao tuổi năm 2020.

Những thành tựu quan trọng

Từ khi thành lập đến nay, tổ chức bộ máy làm công tác DS của tỉnh đã trải qua nhiều lần thay đổi, với các mô hình tổ chức và tên gọi khác nhau như Ủy ban DS-KHHGĐ; Ủy ban DS, Gia đình và Trẻ em; Chi cục DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự phối hợp tích cực của ban, ngành, đoàn thể các cấp và sự ủng hộ của nhân dân, công tác DS-KHHGĐ tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn và đạt được những thành tựu không thua kém gì so với các tỉnh, thành trong cả nước.

Trong giai đoạn 1996 - 2020, công tác DS-KHHGĐ tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Cụ thể, về quy mô DS đã kiểm soát tốt tốc độ gia tăng DS, tránh được nguy cơ bùng nổ DS. Tỷ suất sinh thô (CBR) được kéo giảm từ 25,2‰ xuống còn 9,32‰. Tỷ lệ phát triển DS tự nhiên giảm từ 1,95% xuống còn 0,52%. Số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 2,8 con/phụ nữ đã giảm xuống còn 1,83 con/phụ nữ. Tỷ lệ trẻ mới sinh là con thứ ba trở lên giảm mạnh từ 16% xuống còn 3,84%.

Về cơ cấu DS theo độ tuổi và giới tính cũng được giải quyết tốt với những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh thời gian qua cơ bản được kiểm soát ở mức dưới 109 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên chiếm 10,1% trên tổng DS tương ứng với tỷ lệ chung của cả nước và tuổi thọ bình quân đã tăng lên đáng kể và hiện đạt 75,7 tuổi.

Chất lượng DS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em, vị thành niên, thanh niên, người cao tuổi. Tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 48,6% lên 72,2%. Tỷ lệ bà mẹ mang thai tham gia tầm soát trước sinh tăng từ 0,03% lên 67,17%. Tỷ lệ trẻ sơ sinh tham gia tầm soát sơ sinh tăng từ 4,2% lên 96,04%. Tỷ lệ nam nữ thanh niên trong độ tuổi sinh đẻ tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn so với tổng số cặp mới kết hôn trong năm được nâng lên hàng năm và hiện đạt gần 13%.

Những thành tựu mà ngành DS tỉnh đã đạt được trong thời gian qua là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể. Đặc biệt, sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ làm công tác DS các cấp đã góp phần triển khai đồng bộ, toàn diện các chương trình về tầm soát trước sinh, sơ sinh cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân cho nam nữ thanh niên; chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tiếp thị xã hội và xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/sức khỏe sinh sản; nâng cao chất lượng thông tin dữ liệu chuyên ngành theo hướng dẫn của Trung ương...

Đa phần người dân trên địa bàn tỉnh đã nhận thức và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DS. Đặc biệt, cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con, không lựa chọn giới tính thai nhi để đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh, thực hiện các hoạt động tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân, khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, tạo được sự lan tỏa ngày càng sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ tỉnh còn nhiều khó khăn thách thức. Bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ qua nhiều lần thay đổi nên thiếu ổn định, đặc biệt tổ chức bộ máy cấp huyện. Ngân sách hàng năm chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của công tác DS, với nhiều chương trình của Trung ương triển khai trên các lĩnh vực về quy mô DS, cơ cấu DS và chất lượng DS. Chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ ngày càng cao trong nhân dân, nhất là nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên và người cao tuổi. Truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ trên một số lĩnh vực còn hạn chế, chưa tạo được nhu cầu thực sự trong nhân dân, nhất là trong truyền thông, tư vấn thanh niên thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn, khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi. Tiến trình xã hội hóa đối với lĩnh vực DS/sức khỏe sinh sản/KHHGĐ diễn ra còn chậm.

Mít-tinh hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam 26-12-2020.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030

Trên cơ sở những thành quả đạt được và yêu cầu của công tác DS trong trong tình hình mới, trong thời gian tới, ngành DS tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa vai trò tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền để kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nhằm cụ thể hóa Chiến lược DS Việt Nam đến năm 2030 và Quyết định thực hiện các chương trình DS đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, đảm bảo bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình công tác DS hàng năm. Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác DS và phát triển các cấp để chỉ đạo, điều phối hoạt động của các ban, ngành, cơ quan có chức năng quản lý các lĩnh vực liên quan đến DS và phát triển.

Tăng cường xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành các cấp để thực hiện nhiệm vụ phối hợp liên ngành về DS và phát triển, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, nhằm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề DS và phát triển trong tình hình mới. Tập trung tăng cường các giải pháp để thực hiện đạt các mục tiêu chương trình DS của tỉnh đến năm 2030.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh (TFR bình quân của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2,0 con) và trong giai đoạn kế hoạch tăng 5% số cặp vợ chồng sinh đủ 2 con tại các huyện, thành phố; đưa tỷ số giới tính khi sinh dưới mức 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát trước sinh ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 55% năm 2025; 70% năm 2030. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát sơ sinh ít nhất 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030. Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030. Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 2 lần/năm đạt 80%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 80% năm 2025; 100% năm 2030.

Cách đây 60 năm (ngày 26-12-1961), Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 216 về việc sinh đẻ có hướng dẫn, đánh dấu cột mốc ra đời của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam. Với quyết định này, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á triển khai chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình. Sau khi đất nước được thống nhất vào năm 1975, cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên cả nước ngày càng mang tính toàn diện và hệ thống hơn.

Bài, ảnh: Anh Kiệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN