Những ngôi chùa lưu dấu cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

19/05/2020 - 21:37

BDK.VN - Kỷ niệm 130 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều câu chuyện về Bác, về thân sinh của Bác - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã được nhiều nơi ôn lại với lòng tôn kính. Tìm hiểu về Hội Khánh và Tuyên Linh - hai trong số những ngôi chùa từng lưu dấu hoạt động của cụ Nguyễn Sinh Sắc, càng hiểu hơn về những thời điểm hoạt động cách mạng cụ Phó bảng và những ngôi chùa đã hết lòng chở che cho cách mạng.

Cụ Nguyễn Sinh Sắc gắn với Hội Khánh và Tuyên Linh

Đến với Hội Khánh và Tuyên Linh, chúng tôi được các sư thầy kể lại những câu chuyện về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh). Sau khi rời chốn quan trường, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã đi rất nhiều nơi ở Nam Bộ như: Bình Thuận, Sài Gòn, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang và đặc biệt là 3 tỉnh: Sông Bé (nay là Bình Dương), Bến Tre và Đồng Tháp là 3 nơi cuối cùng vinh dự được đón chân cụ đi qua trong giai đoạn cuối đời của cụ.

Từ năm 1923 - 1926, cụ đến cư ngụ tại chùa Hội Khánh - Thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Sông Bé (nay là TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Cuối năm 1926, cụ về ẩn thân tại chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) và đến cuối năm 1927, cụ về chùa Hòa Long, thị xã Cao Lãnh (nay là TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và ở đây cho đến khi cụ qua đời - năm 1929, hưởng thọ 67 tuổi.

Quang cảnh chùa Hội Khánh.

Hội Khánh và Tuyên Linh đều là những ngôi chùa mang dấu ấn đặc biệt liên quan đến cụ Nguyễn Sinh Sắc. Hội Khánh là ngôi chùa được xây dựng từ năm 1741 (hiện tọa lạc tại Phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Tuy đã được sửa chữa, trùng tu nhiều lần nhưng về cơ bản, đây là ngôi chùa hiếm hoi vẫn còn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu, quan trọng hơn hết là giá trị về mặt văn hóa, lịch sử rất đặc biệt. Hội Khánh còn được xem là ngôi chùa tiêu biểu cho đặc điểm chung của các ngôi chùa cổ tỉnh Bình Dương. Chùa được công nhận di tích - lịch sử cấp quốc gia vào tháng 1-1993. 

Thông qua Hội Danh dự yêu nước, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã thổi một luồng sinh khí mới trong việc định hướng cho các phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân Thủ Dầu Một lúc bấy giờ. Đối với Hội Danh dự, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là người tham gia sáng lập và trực tiếp dấn thân vào các hoạt động cứu nước trong suốt thời gian ở tại đây. Cụ đã để lại biết bao tình cảm, niềm tự hào cho người dân đất Thủ Dầu Một cũng như Phật giáo Bình Dương qua nhiều thế hệ.

Riêng về chùa Tuyên Linh, được xây dựng từ năm 1861 với tên gọi ban đầu là Tiên Linh Tự, nằm sát bên rạch Tân Hương, thuộc xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, vị trụ trì đầu tiên là Hòa thượng Khánh Phong, kế đến là nhà sư Lê Khánh Hòa. Tại đây, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã mở mang việc thuyết giảng giáo lý nhà Phật, đào tạo môn sinh. Năm 1930, nhân dịp chùa được trùng tu, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã đổi tên chùa Tiên Linh Tự thành Tuyên Linh Tự (chùa Tuyên Linh).

Quang cảnh chùa Tuyên Linh

Đặc biệt, vào khoảng cuối năm 1920, lần đầu tiên cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã cùng một vị cao tăng của chùa Từ Đàm ở Huế ghé lại và tá túc tại chùa Tuyên Linh một thời gian. Cụ Phó bảng được sự bảo bọc, giúp đỡ của Hòa thượng trong thời gian lưu trú tại chùa. Cụ đã mở lớp dạy học, xem mạch, bốc thuốc cho nhân dân trong vùng. Tuy thời gian ở đây không lâu, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã có mối quan hệ với các ông Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn, Lê Văn Phát. Nhiều người trong số này về sau trở thành lớp Đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Bến Tre. Tuyên Linh cũng từng là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng thời kỳ kháng chiến Pháp và những năm Đồng khởi. Chùa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 20-7-1994.

Gìn giữ di tích về cụ Nguyễn Sinh Sắc

Trong những ngày đầu tháng 5-2020, chúng tôi có dịp về thăm lại chùa Tuyên Linh, chùa đã có nhiều thay đổi so với trước đây, khá khang trang và được mở rộng thêm. Tại đây, chúng tôi đã được Thượng tọa Thích Xương Tâm - Trưởng ban trị sự Phật giáo huyện Mỏ Cày Nam kiêm Trưởng ban Quản trị chùa Tuyên Linh chia sẻ nhiều điều về chùa Tuyên Linh, về cụ Nguyễn Sinh Sắc và nhà sư Lê Khánh Hòa. Thượng tọa Thích Xương Tâm cũng đã có nhiều nghiên cứu, khảo sát từ các nơi liên quan và viết tập “Khảo cứu chùa Tuyên Linh” (bản thảo).

Theo Thượng tọa Thích Xương Tâm, 6 năm sau khi nhận bằng di tích lịch sử cấp Quốc gia (2000), Tỉnh hội Phật giáo và các ban ngành của tỉnh vận động các phật tử, các nhà hảo tâm gần xa trùng tu lại ngôi chùa khang trang, các hạng mục phụ như: nhà hậu, nhà bếp, giảng đường, tường rào, sân lễ, cầu đường chung quanh… Đời sống tu, học của đồng bào phật tử ngày nay có nhiều tiến bộ, đi chùa không chỉ lễ bái, tụng niệm mà còn tìm hiểu, tu tập theo giáo lý đạo Phật, tìm hiểu về di tích lịch sử. Qua sự hướng dẫn của các thế hệ tăng ni tại chùa, đồng bào phật tử tại chùa Tuyên Linh hầu hết đều có đời sống hiền hòa, hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận, chan hòa quý trọng mọi người xung quanh…

Ngoài hoạt động tu học, gìn giữ di tích lịch sử - văn hóa, Ban Quản trị chùa Tuyên Linh qua các giai đoạn còn có những hoạt động từ thiện xã hội. Hàng năm, ngoài các lễ chính của chùa như: Lễ Phật đản, Lễ Vu lan…, chùa Tuyên Linh cũng được chọn là nơi để họp mặt ôn lại đôi nét thân thế sự nghiệp của cụ Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào dịp Ngày sinh của Bác 19-5.

Năm nay do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, dù đến thời điểm hiện tại đã được thủ tướng cho chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội nhưng các cơ sở thờ tự trong tỉnh nói chung, chùa Tuyên Linh nói riêng vẫn đang tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo. Riêng về kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19-5, huyện cũng sẽ tổ chức viếng thắp hương tại Di tích chùa Tuyên Linh. Nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, hội thảo... chủ đề về Bác sẽ được tổ chức tại tỉnh.

Tìm hiểu về hai ngôi cổ tự Hội Khánh và Tuyên Linh, chúng tôi hiểu thêm về những giai đoạn lịch sử trong cuộc đời của cụ Nguyễn Sinh Sắc - đấng sinh thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Ngày 18-4-2019, UBND tỉnh đã có Quyết định số 725 về việc xây dựng khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc tại Khu di tích chùa Tuyên Linh, với tổng diện tích trên 9.000m2 (trong khuôn viên di tích chùa Tuyên Linh). Các hạng mục xây dựng bao gồm: Đền thờ Bác Hồ, sân tổ chức lễ hội, sân đường nội bộ, nhà trưng bày, tiếp khách, kết hợp khu vệ sinh, cổng tường rào... Nguồn từ ngân sách tỉnh và vận động xã hội hóa. Công trình hiện đang được thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN