Nguyễn Phạm Yến Vy, lớp 9/6, Trường THCS Phú Hưng (TP. Bến Tre): “Thiếu nhi Đồng khởi mới”
Kể lại những kỷ niệm công tác Đội, cô đội viên bé nhỏ Nguyễn Phạm Yến Vy chia sẻ: “Bước vào tiểu học, thấy các anh chị lớn đeo khăn quàng đỏ, em đã hỏi mẹ làm sao để được như vậy. Từ đó, em đã quyết tâm để được vào Đội. Khi được đeo khăn quàng đỏ em cảm thấy rất tự hào vì được là một đội viên và được thầy cô tín nhiệm. Đội dạy cho em kỹ năng, dạy em biết yêu thương mọi người, giúp em hiểu thêm về lịch sử dân tộc, là nền tảng vững chắc nhất để tiếp thêm động lực cho em phát triển việc học cũng như giúp em tiến bước lên Đoàn. Các anh, chị trước chính là hình mẫu để em phấn đấu học tập theo. Đã đứng trong hàng ngũ Đội và trở thành đội viên lớn, em mong muốn các em nhỏ hơn cũng tiến bước như mình thông qua việc kể về những kỷ niệm đội, động viên các em cố gắng học và phát triển kỹ năng, nỗ lực hết mình để xứng đáng là người đội viên tốt.
Thông qua công tác đội, em thấy bản thân trưởng thành hơn, tự tin hơn, giúp em có thêm bản lĩnh để ứng xử trong một số tình huống. Môi trường đội thực sự hữu ích cho học sinh. Có thời gian do mải mê tham gia hoạt động đội, em có xao lãng việc học. Thầy cô nhắc nhở. Em khắc phục bằng cách nỗ lực học tập hơn để chứng minh rằng hoạt động Đội là nguồn năng lượng tiếp thêm để em học tập tốt. Từ đó, làm cơ sở để thầy cô và cha mẹ cho em tham gia nhiều hoạt động hơn. Em cũng đã cân bằng thời gian biểu một cách khoa học. Ngoài ra, em còn dành thời gian để làm việc nhà phụ giúp gia đình và thời gian dành riêng cho bản thân mình.
Thời đại mới có nhiều diễn biến, theo em, bản lĩnh của người đội viên ngày nay là có thể giải quyết được tình huống, bản lĩnh khi đứng trước đám đông và nói lên được điều mà mình muốn nói, biết cách thể hiện tài năng của mình, sống yêu thương, chan hòa với mọi người xung quanh.
Là một trong các đội viên được Hội đồng Đội tỉnh giới thiệu tuyên dương danh hiệu Thiếu nhi Đồng khởi mới nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Đội TNTP Hồ Chí Minh, Yến Vy bày tỏ: “Đây là danh hiệu cao quý của một đội viên. Ngày xưa “đồng khởi” là đồng loạt khởi nghĩa cách mạng thì ngày nay tất cả các thiếu niên phải đồng loạt và hợp sức lại để phát triển tổ chức Đoàn, Đội, phấn đấu học tập để xây dựng quê hương”.
Thầy Nguyễn Quốc Cường - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Phú Hưng (TP. Bến Tre) nhận xét: “Yến Vy là Chi đội trưởng Chi đội lớp 9/6. Em rất ngoan và chăm học. Em tham gia công tác Đội nhiệt tình. Em luôn phấn đấu vượt qua khó khăn, cố gắng học. Trong các lứa đội viên của trường nhiều năm qua, Vy là một trong các đội viên là niềm tự hào của người tổng phụ trách Đội”.
Nguyễn Trần Phúc Khang, lớp 9/3 Trường THCS Hoàng Lam (TP. Bến Tre): Hiệp sĩ xanh bảo vệ môi trường
Từ 3 năm nay, hình ảnh một cậu học sinh cần mẫn nhặt rác trên sân trường đã trở thành niềm cảm hứng và ấn tượng đẹp trong lòng thầy cô và học sinh Trường THCS Hoàng Lam (TP. Bến Tre). Câu chuyện về em Nguyễn Trần Phúc Khang - Hiệp sĩ xanh bảo vệ môi trường cũng đã được Liên đội Trường THCS Hoàng Lam giới thiệu tuyên dương.
Cô Lê Thị Bích Thủy - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hoàng Lam kể lại: “Một lần tôi nhìn thấy Khang khi em đang đi trước mặt tôi. Thấy vỏ chai trên nền đất, em liền cúi xuống nhặt. Lúc đó, tôi cũng có lời khen em. Khi tôi đem câu chuyện của Khang kể với các em học sinh khác ở trường, các em mới cho tôi biết là lúc nào em Khang cũng như vậy, thường đi quanh sân trường để nhặt rác, chứ không phải bộc phát vài lần. Từ đó, tôi và các thầy cô ở trường bắt đầu chú ý đến em nhiều hơn về những hành động đẹp của em. Hình ảnh của Khang làm nhiều thầy cô giáo xúc động khi có lúc ý thức các em học sinh đối với vấn đề bảo vệ môi trường còn chưa tốt. Một số thầy cô dùng hình ảnh của Khang để nêu gương, tác động cho các em học sinh khác. Các cô còn gửi tặng quà để động viên Khang, thì em nói: “Con làm việc ấy không phải để được khen mà là ý thức tự giác”.
Nói về bạn mình, em Đặng Quốc Khánh - Liên đội trưởng Trường THCS Hoàng Lam cho biết: “Em nhớ hồi năm lớp 6, khi đi học trái buổi, em đã nhìn thấy bạn Khang đi nhặt rác. Dù hôm ấy trời rất nắng, bạn đi dọc sân trường từ cổng trước ra tới nhà vệ sinh sau sân trường, tay cầm rác, bỏ vào thùng. Em thấy bạn là người ngăn nắp, thích sự gọn gàng và làm việc khoa học. Có thể là bạn ít nói nhưng bạn là người thân thiện. Hình ảnh của bạn có tác động lớn tới chúng em, giúp cho các bạn trong trường, cả chúng em và các em lớp sau có ý thức về bảo vệ môi trường”.
Có những hành động đẹp như vậy nhưng, Phúc Khang lại khiêm tốn: “Em cảm thấy đó là một điều tốt nên làm. Với lại nếu em làm vậy, em sẽ có thể góp phần cứu lấy các sinh vật nhỏ không bị chết bởi rác thải. Và việc làm đó cũng giúp cho cảnh quan xung quanh gọn gàng, sạch đẹp hơn. Em chỉ nghĩ đơn giản là mình không thể để mặc nó ở đó được nên em dọn đi”.
Huỳnh Hồng Ngự, học sinh lớp 5, Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh Bến Tre: Quan tâm hơn đến thiếu nhi yếu thế
Chúng tôi đến thăm và chia sẻ câu chuyện về em Huỳnh Hồng Ngự thông qua sự hỗ trợ của cô Tổng phụ trách Đội Phan Thị Út và cô chủ nhiệm lớp 5 Nguyễn Hoàng Bích Trâm. Em Huỳnh Hồng Ngự bị khiếm thính một bên tai, tai còn lại bị chứng ảo thanh, nghe kém. Điều này khiến cho nhận thức của Hồng Ngự cũng vì thế mà chậm hơn, bình thường ngôn ngữ giao tiếp của em cũng không được phong phú. Qua sự hướng dẫn của cô Út, tôi nói to hơn, chậm hơn kèm theo hành động để giao tiếp với Hồng Ngự. Em hiểu và trả lời tôi bằng những từ đơn.
Cô Phan Thị Út cho biết: “Hồng Ngự năm nay 14 tuổi, cha mất lúc em 7 tuổi. Hiện em đang sống với bà nội ở ấp 2B, xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre. Gia đình neo đơn, thu nhập từ nghề chuốt cọng lá dừa của nội”. Tuy hạn chế về giao tiếp nhưng Hồng Ngự rất hăng hái giúp đỡ bạn bè, thầy cô. Em luôn hoàn thành các bài tập được giao. Đặc biệt, em có năng khiếu vẽ tranh. Em đã tham gia và đạt nhiều giải thưởng các cuộc thi vẽ do Hội đồng Đội các cấp tổ chức.
Với sự đặc thù của công tác Đội ở Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh, câu chuyện của em Hồng Ngự đã trở thành điểm sáng. Đồng thời, cũng để lại nhiều suy nghĩ để tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh các cấp có sự quan tâm đến tổ chức hoạt động đội trong môi trường giáo dục đặc biệt, để các em học sinh khuyết tật có thể tham gia được các phong trào Đội, thật sự hòa nhập với cộng đồng.
Hiện số lượng học sinh chậm phát triển trí tuệ chiếm 2/3 số lượng học sinh toàn trường, các thầy cô phải chia thành các nhóm nhỏ để dạy, trong hoạt động đội cũng vì thế mà không thể tập hợp sinh hoạt cùng lúc tất cả các em. Trên tinh thần hoạt động được triển khai thì liên đội lựa chọn và phổ biến cho các em tham gia các hoạt động nhỏ, phù hợp.
Bài, ảnh: Thanh Đồng