Hình ảnh thiệt hại tại sân bay căn cứ không quân Engels-1 qua ảnh chụp vệ tinh Maxar. Ảnh: AFP
Ngày 5-12-2022, một vụ xảy ra tại căn cứ không quân Engels-1 ở vùng Saratov, vụ còn lại ở Dyagilevo khu vực Ryazan, nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga cách biên giới Ukraine hàng trăm kilomet.
Hãng thông tấn Nga Tass dẫn lời cựu Đô đốc Hải quân Mỹ James Stavridis - cựu tổng Tư lệnh lực lượng NATO ở châu Âu, cho biết các cuộc tấn công nhằm vào các sân bay của Nga cho thấy một bước ngoặt mới và nguy hiểm trong xung đột Nga - Ukraine cũng như phát đi chỉ dấu rằng trong tương lai sẽ có những nỗ lực khác chỉ nhằm vào các cơ sở quân sự của Nga.
Tới nay, Kiev không nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng cũng không phủ nhận. Theo ông Stavridis, giới lãnh đạo Ukraine sẽ tiếp tục bác bỏ trách nhiệm các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, nhưng chắc chắn họ sẽ vẫn âm thầm thực hiện.
“Những cuộc tấn công này có thể đã được điều chỉnh để thể hiện mục đích biểu dương năng lực của Ukraine. Trong tương lai, Kiev có thể thực hiện các cuộc tấn công lớn hơn, nhưng sẽ cẩn thận chỉ tấn công các mục tiêu quân sự thuần túy", cựu Đô đốc Stavridis giải thích.
Ông tin rằng những quốc gia phương Tây sẽ nỗ lực ngăn Ukraine tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn hơn, với hy vọng làm giảm nguy cơ đối đầu leo thang và tránh cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dính líu trực tiếp vào cuộc xung đột.
"NATO sẽ cố gắng xoa dịu Ukraine bằng cách cung cấp nhiều tên lửa đất đối không tốt hơn để bảo vệ các thành phố và có thể nghiêm túc xem xét việc cung cấp máy bay chiến đấu", ông Stavridis suy đoán.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 5-12-2022 nói với giới truyền thông rằng Kiev đã thực hiện các tấn công bằng máy bay không người lái do Liên Xô sản xuất nhằm vào các sân bay quân sự nước này với mục đích vô hiệu hóa máy bay tầm xa của Nga. Các hệ thống phòng không của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã chặn các máy bay không người lái Ukraine bay ở độ cao thấp.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 6-12-2022, một tòa án ở Moskva đã ra lệnh bắt giữ Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk và Ngoại trưởng nước này Emine Dzhaparova với tội danh vi phạm toàn vẹn lãnh thổ Nga.
“Yêu cầu từ Cơ quan An ninh FSB đã được chấp thuận”, Anastasia Romanova – phát ngôn viên tòa án quận Lefortovsky nói với phóng viên hãng tin AFP.
Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk tới thăm một cơ sở quân sự ở Lugansk cuối năm 2021. Ảnh: Lực lượng Bảo vệ Biên giới Ukraine
Nga cho biết trong tháng 9, nước này đã sáp nhập 4 khu vực của Ukraine sau khi tổ chức trưng cầu dân ý ở Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson.
Sau đó, một số nhân vật cấp cao của Ukraine, bao gồm Tổng thống Volodymyr Zelensky, đã tới thăm những khu vực trên bất chấp giao tranh.
Trong khi Phó thủ tướng Vereshchuk đã tới Kherson sau khi lực lượng của Kiev tái chiếm thành phố vào tháng 11 thì Ngoại trưởng Dzhaparova cũng thực hiện chuyến đi tới Bán đảo Crimea, kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế đối với việc giải phóng Crimea và trả lại cho Ukraine.
Đề cập đến thỏa thuận hòa bình, trong một tuyên bố ngày 6/12, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết Nga nhất trí với tuyên bố cuộc xung đột ở Ukraine cần phải chấm dứt bằng hòa bình lâu dài. Tuy nhiên, ông Peskov cũng nhấn mạnh Nga hiện không thấy triển vọng cho bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Khi trả lời câu hỏi điều gì dẫn đến triển vọng tiến hành đàm phán, ông Peskov cho rằng "các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine cần phải đạt được".
Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ cuối tháng 2 năm nay và một trong những mục tiêu của chiến dịch này là Ukraine giữ quy chế trung lập, không gia nhập NATO.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley hồi tháng trước gợi ý rằng Ukraine nên đàm phán với Nga, bởi giải quyết xung đột bằng con đường quân sự là không thực sự khả thi.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin tức