Những công việc trước mắt và lâu dài

03/05/2012 - 16:03
Sạt lở rừng phi lao ven biển ở Thạnh Hải (Thạnh Phú). Ảnh: H. Hiệp

Các dự án, công trình cần đầu tư để thích ứng với biến đổi khí hậu, gồm: Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn I; Hệ thống thủy lợi cống Cái Quao; Cấp nước sinh hoạt cho dân khu vực Cù Lao Minh; Đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái huyện Chợ Lách và xã Hưng Khánh Trung A; Đê bao cồn Tam Hiệp; Nhà máy nước Thạnh Phước; cống Sa Kê, Giồng Keo; Nhà máy nước Vĩnh Hòa; Kè chống sạt lở bờ sông Giao Hòa, sông Mỏ Cày Nam; Đê biển Bình Đại, Thạnh Phú.   

Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp

Bến Tre là một trong 13 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với biển Đông và được chia cắt thành 3 dải cù lao: An Hóa, Bảo và Minh. Bờ biển của Bến Tre có chiều dài 65km, đi qua các huyện: Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại. Đời sống người dân chủ yếu là nông nghiệp: kinh tế vườn - đặc biệt là vườn dừa, vườn cây ăn trái và kinh tế biển - nuôi trồng thủy sản. Trong những năm gần đây, thiên tai xảy ra thường xuyên và diễn biến ngày càng phức tạp. Hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng mỗi năm càng trầm trọng, làm ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, đời sống của người dân. Trong đó, tập trung nhiều nhất là bão, áp thấp nhiệt đới, hạn hán và xâm nhập mặn, lũ và nước biển dâng, sạt lở đất ven sông, ven biển.

Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, tuy bão, áp thấp nhiệt đới không xảy ra thường xuyên, gây ảnh hưởng trực tiếp đến Bến Tre, nhưng diễn biến của các năm gần đây cho thấy, thời tiết, khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Bão, áp thấp nhiệt đới đã bắt đầu di chuyển về phía Nam và vào những tháng cuối năm. Đặc biệt, biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ nét hơn, bởi tháng 2 đã có nước dâng, tháng 3 có bão, kết hợp mưa trái mùa, mặn xâm nhập sâu. Qua một vài cơn bão gần đây cho thấy mức độ thiệt hại ngày một gia tăng. Cụ thể tháng 11-1997, bão số 5 đi qua Bến Tre và gây thiệt hại khá nặng nề về người và tài sản, nặng nhất là Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Bão đã làm 16 người chết, 57 người bị thương, sập 570 căn nhà, hư hỏng, tốc mái 2.141 căn nhà, 322 phòng học, 27 cơ quan, trạm y tế bị ảnh hưởng và thiệt hại không nhỏ về hạ tầng giao thông, thủy lợi, nông nghiệp… với tổng giá trị thiệt hại 336 tỷ đồng. Tháng 12-1998 bão số 7 tuy không vào đất liền địa bàn Bến Tre nhưng cũng đã gây mưa to, gió lớn, lốc xoáy, làm sập 281 căn nhà, 14 phòng học và nhiều công trình công cộng khác, thiệt hại khoảng 40,5 tỷ đồng. Tháng 12-2006, bão số 9 đã đổ bộ trực tiếp vào Bến Tre gây thiệt hại nặng cho tỉnh:18 người chết, 671 người bị thương, 26.476 căn nhà bị sập hoàn toàn, 93.488 căn nhà bị tốc mái, 86 phòng học bị sập đổ, hư hỏng 1.610 phòng khác, 250 trụ sở, cơ quan, 59 trạm xá, bệnh viện bị tốc mái, 12.043 trụ điện bị đổ, 17.075ha lúa, 989ha hoa màu, 20.148ha cây ăn trái, 8.686ha mía, 21.980ha dừa bị thiệt hại, với tổng giá trị thiệt hại 3.182 tỷ đồng.

Hạn hán và xâm nhập mặn mỗi năm càng tăng, thường vào mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau. Nguyên nhân, do sự xuất hiện gió chướng nhiều đợt trong mùa khô (mỗi đợt 5 ngày); dòng chảy ngày càng cạn kiệt (trên sông Tiền), nên thiếu nước ngọt, lũ thượng nguồn không xảy ra; thủy triều biển Đông vào những tháng mùa khô ở mức cao. Mỗi năm, ranh mặn 4%o trên các sông chính cách cửa sông khoảng 50-60km, ranh mặn 1%o bao trùm khắp địa bàn tỉnh. Hạn, mặn làm cho nước ngọt ngày càng thiếu trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Theo điều tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ năm 1995 đến năm  2010, hạn hán và xâm nhập mặn gây thiệt hại 672 tỷ đồng, 132.823 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, 15.782ha lúa bị mất trắng và giảm năng suất, 857.000 cây giống bị hư hại, 445.000 cây giống bị chết, 13.700ha dừa bị rụng trái non, 8.495ha mía và 25.019ha cây ăn trái bị giảm năng suất, 360ha thủy sản bị ảnh hưởng, 5.298 tấn tôm cá bị thiệt hại. Đặc biệt, trong năm 2010 hạn mặn đã làm thiệt hại và giảm năng suất 1.575ha lúa, 10.162ha cây ăn trái, 12.607ha dừa, 300ha tôm, với giá trị thiệt hại 198 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hàng năm Bến Tre đều có lũ thượng nguồn đổ về kết hợp với nước biển dâng, mưa bão gây ngập úng. Phạm vi ảnh hưởng của lũ và nước biển dâng khá lớn, tập trung ở các xã đầu nguồn thuộc các huyện: Chợ Lách, Châu Thành. Lũ và nước dâng xảy ra đã gây ngập úng cục bộ, sạt lở đê bao, hư hỏng đường giao thông, vườn cây ăn trái. Từ năm 1996 đến năm 2010, toàn tỉnh xảy ra khoảng 9 đợt nước lũ và nước dâng do triều cường, gây thiệt hại khoảng 363 tỷ đồng, làm 2 người chết, 1.941 căn nhà bị sập, nhiều hoa màu, cây trái bị mất trắng, 78km đê bao bị sạt lở. Tình trạng sạt lở đất ven sông, ven biển cũng thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân do việc khai thác cát sông bừa bãi, làm biến đổi dòng chảy, gây xói lở; lưu lượng ghe tàu qua lại trên sông mật độ cao, nhất là tàu cao tốc, tàu có công suất lớn lưu thông trên sông Chợ Lách. Sạt lở bờ biển do sóng, thủy triều, nước biển dâng và dòng lưu hải gây ra, làm biển xâm thực nhanh vào đất liền, phá hủy môi trường tự nhiên.

Cần phải làm gì để giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu?

Theo Quyết định số 1355 ngày 10-6-2010 của UBND tỉnh, phải huy động mọi nguồn lực sẵn có của từng địa phương và kêu gọi các tổ chức Quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức khác trong và ngoài nước để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống rủi ro và giảm nhẹ thiên tai. Cho nên, với chiến lược đó đòi hỏi toàn bộ người dân phải được tổ chức trang bị kiến thức về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; cán bộ, chính quyền địa phương trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai đều được tập huấn nâng cao năng lực. Quản lý và nâng cấp hệ thống đê điều, hoàn thành việc xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền tránh bão, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống quản lý thông tin tàu cá của tỉnh. Khẩn trương hoàn thành việc di dời, sắp xếp ổn định đời sống người dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, nhất là người dân tập trung sinh sống trên các cồn bãi ven biển.

Sở NN&PTNT cũng đã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp để tổ chức thực hiện công tác phòng, chống rủi ro thiên tai có hiệu quả cao nhất. Cụ thể như lồng ghép nội dung công tác phòng, chống rủi ro thiên tai vào qui hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các ngành, địa phương. Tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng; nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo các loại thiên tai. Sửa chữa, gia cố, nâng cấp hệ thống đê điều hiện có ở các huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Châu Thành, Chợ Lách. Đồng thời, qui hoạch, xây dựng mới hệ thống đê ven sông Hàm Luông, Cổ Chiên, sông Tiền với hệ thống giao thông liên huyện, liên xã đồng bộ. Xây dựng và tổ chức hoạt động tìm kiếm cứu nạn ở các cấp ngành, đia phương, hoàn thành hệ thống liên lạc thông tin nghề cá. Theo kế hoạch đến năm 2020, tổng kinh phí thực hiện là 62.441 tỷ đồng, trong đó biện pháp công trình là 61.988 tỷ đồng, biện pháp phi công trình là 453 tỷ đồng.

Thời gian qua, Bến Tre đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng giai đoạn 2012-2020, với tổng kinh phí thực hiện là 46,905 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách 25,798 tỷ đồng, chiếm 55%; vốn tài trợ không hoàn lại từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế 18,762 tỷ đồng, chiếm 40%; vốn vận động trong dân 2,345 tỷ đồng, chiếm 5%. Đồng thời, thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai từ năm 2008 - 2020 với tổng kinh phí 33,778 tỷ đồng (năm 2010-2011), gồm: Xây dựng chi tiết kịch bản và đánh giá tác động biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Dự án Đê ngăn mặn cục bộ nhằm ngọt hóa ấp 3 và 4 xã Thạnh Trị (Bình Đại); Dự án cấp nước sinh hoạt thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Bình Thành, Châu Bình (Giồng Trôm); Dự án xây dựng 485 ống hồ chứa nước cấp cho các hộ dân xã Bình Thành (Giồng Trôm). Năm 2011, ngành đã thực hiện các dự án: tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực, nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu. 

H. Hiệp - K. Hoan

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN