Những câu thơ đầy hào sảng, khí phách (kỳ 1)

12/06/2020 - 07:32

BDK - Dòng văn học yêu nước cận đại nửa cuối thế kỷ XIX, Phan Văn Trị được xếp liên danh với Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ lớn của đất nước. Đồ Chiểu, Cử Trị mà nhân dân trong nước hay nhắc tới một cách tự nhiên là cả một sự đánh giá, thẩm định tấm lòng yêu nước cao cả mà ở hai ông, mỗi người một vẻ, đã đồng hành trong công cuộc chống Pháp và bọn tay sai. Hai ông đã ghi dấu lịch sử bằng những dòng thơ hào hùng, sáng ngời nghĩa khí.

Biểu diễn vở cải lương “Ánh sao khuê” ca ngợi về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị.  Ảnh: Ánh Nguyệt

“Chở đạo, sửa đời và dạy người”

Nguyễn Đình Chiểu hơn Phan Văn Trị 8 tuổi. Năm Nguyễn Đình Chiểu đỗ tú tài, Phan Văn Trị mới 13 tuổi. Khi Phan Văn Trị đỗ cử nhân năm 19 tuổi thì lúc ấy Nguyễn Đình Chiểu đã bị mù. Khi giặc Pháp tấn công Gia Định lần thứ nhất (tháng 2-1859), Phan Văn Trị chuyển về dạy học ở làng Bình Cách, Tân An (nay thuộc Long An). Đầu năm 1861, Pháp chiếm Gia Định lần thứ hai rồi tiến chiếm các tỉnh miền Đông, là người cùng khởi xướng phong trào “tị địa”, Phan Văn Trị rời Bình Cách về Vĩnh Long. Sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây, ông đến vùng Bảy Núi (nay thuộc An Giang), rồi qua Hà Tiên, sau đó về cư ngụ tại Phong Điền (nay là xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ). Người mù như Nguyễn Đình Chiểu cũng rời Gia Định về quê vợ ở Cần Giuộc (nay thuộc Long An) và cuối cùng về làng An Bình Đông (nay thuộc thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).

Phan Văn Trị và Nguyễn Đình Chiểu, mỗi người một hoàn cảnh và tị địa ở 2 nơi, nhưng họ gặp nhau ở nghề dạy học, bắt mạch, bốc thuốc cứu người. Hơn thế nữa, hai ông còn có mối quan hệ gắn bó rất mật thiết không chỉ bởi tương đắc trong thú văn chương, từng là bạn cũ trong Bạch Mai thi xã mà còn là hai người bạn đồng chí hướng, dùng thơ văn làm vũ khí chống giặc. Đặc biệt, hai ông hết lòng giúp sức các cuộc khởi nghĩa đương thời.

Sự nghiệp thơ văn Phan Văn Trị có thể chia làm 2 thời kỳ sáng tác. Trước khi quân Pháp đánh chiếm Gia Định, ông làm thơ, lên án bọn quan lại nhà Nguyễn đàn áp, bóc lột nhân dân. Đến khi Pháp đánh chiếm Gia Định, ông tiếp tục sáng tác với cả bầu nhiệt huyết thể hiện rõ lòng yêu nước, yêu dân, quyết liệt chống quân Pháp và bọn tay sai.

Trải qua bao phen binh lửa, cho đến nay, chúng ta chỉ mới sưu tầm được 54 bài thơ thất ngôn bát cú và một bài phú. Tác phẩm của ông tất cả đều là chữ Nôm, không có bài thơ chữ Hán nào (trừ vài câu đối được các vị cố lão kể lại). Nhưng chỉ với bấy nhiêu thôi cũng đủ cho chúng ta hiểu thấu tấm lòng luôn luôn đau đáu nỗi niềm:

“Chưa trả thù nhà, đền nợ nước

Dám đâu mắt lấp lại tai ngơ”.

                              (Tự thuật - Bài 2)

Cũng như Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu có quan niệm nhất quán là dùng văn chương chuyển tải đạo lý và chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa. Nói cách khác, ông làm văn thơ là để “chở đạo, sửa đời và dạy người” - “Văn dĩ tải đạo”. Vì vậy, mỗi vần thơ của ông đều ngụ ý khen chê công bằng, rạch ròi và đều bộc lộ một tấm lòng thương dân, yêu nước, căm hận không đội trời chung với quân Pháp xâm lược:

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”

                  (Than đạo)

Sự nghiệp văn chương của ông, cũng có thể chia thành 2 thời kỳ sáng tác. Giai đoạn đầu, từ những năm 50 của thế kỷ XIX, ông viết “Lục Vân Tiên” và “Dương Từ - Hà Mậu”, nội dung khẳng định tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân. Giai đoạn sau, bắt đầu từ ngày quân Pháp đến chiếm lấy Gia Định cho đến cuối đời, đỉnh cao về tư tưởng và nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu là những bài văn tế, những bài thơ yêu nước.

Vũ khí chống giặc

Phan Văn Trị và Nguyễn Đình Chiểu, tuy không đứng vào hàng ngũ của những người cầm vũ khí trực tiếp đánh giặc, nhưng hai ông vẫn được coi là những nhà thơ chiến sĩ. 2 ông đã dũng cảm đấu tranh mãnh liệt bằng ngòi bút sắc bén của mình như một vũ khí tinh nhuệ. Ngòi bút trong tay 2 ông trở thành ngọn giáo, hướng thẳng vào quân cướp nước và bọn bán nước...

Từ mùa Xuân 1859 trở đi, trong tiếng gầm rú của bom đạn giặc ngoại xâm, nhân dân tan nhà nát cửa, quê hương đắm chìm trong đau thương tang tóc, tâm hồn nhạy cảm của Phan Văn Trị đau đớn, xót xa cho đất nước, vừa uất hận quân xâm lược vừa oán trách triều đình đã ươn hèn quì gối dâng một phần đất Nam Bộ cho giặc:

“Tan nhà cám cảnh câu ly hận

Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa”.

(Thất Vĩnh Long)

Cùng thời điểm này, khi thực dân Pháp nổ súng tấn công, thành Gia Định thất thủ. Đất nước rơi vào thảm hoạ. Nguyễn Đình Chiểu đã vô cùng đau đớn, uất hận dâng trào trước tội ác tày trời của giặc:

“…Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy

Mất ổ bầy chim dáo dác bay

Bến Nghé của tiền tan bọt nước

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”.

                  (Chạy giặc)

Chí hướng chung sự nghiệp văn thơ Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị là yêu nước, dùng thơ văn làm vũ khí chống giặc. Riêng thơ của Phan Văn Trị có thể phân làm nhiều mảng, thể hiện nhiều mặt của bầu nhiệt huyết một con người sôi nổi, bộc trực, cao thượng. Ý thơ của ông hùng dũng, đầy khí phách, nhưng lời thơ vẫn đậm đà chất trữ tình dân gian, rất dễ hiểu, dễ nhớ.

Phan Văn Trị đau đớn, xót xa cho cảnh nước mất, nhà tan, quan lại hủ bại, dân chúng xơ xác, tiêu điều và cũng có một số bài thơ ngụ ngôn răn đời, mà thực chất là đả vào bọn tham quan ô lại. Tuy nhiên, nổi bật nhất là Phan Văn Trị đã tỏ rõ lập trường theo phe chủ chiến, đã đi đầu tố cáo và kết án phái chủ hòa, đứng đầu là tên Việt gian Tôn Thọ Tường. Mỗi khi bọn chúng tìm cách biện hộ, là ông lại vạch trần mưu mô, tâm địa thấp hèn của chúng. Cái đáng trân trọng và mới mẻ mà Phan Văn Trị đưa vào văn học ở giai đoạn này chính là ở chỗ đó... Tấn công vào Tôn Thọ Tường, thực chất là tấn công vào phe chủ hòa, vào tư tưởng đầu hàng phản động, tấn công vào tập đoàn tay sai của thực dân Pháp.

 (Còn tiếp)

Vũ Hồng Thanh - Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN