|
Múa hát mừng Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6. Ảnh: H.VŨ |
Câu hát “Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng chúng em nhi đồng” từ lâu đã thấm sâu trong mỗi người dân Việt Nam.
Nhớ đến Bác Hồ kính yêu, chúng ta lại nhớ đến tình yêu thương bao la của Người đối với thiếu niên nhi đồng - thế hệ tương lai của đất nước.
Tình yêu thương ấy được thể hiện khá rõ nét qua lời nói, trong hành động và trong cả những tác phẩm văn học của Người. Bác Hồ có tới 16 bài thơ viết cho thiếu nhi, cả chữ Việt và chữ Hán. Hầu hết bài thơ viết cho thiếu nhi của Bác Hồ đều là những lời tâm huyết, lời dạy bảo thân tình, dạt dào tình cảm. Cảm thương thiếu nhi nước ta (trước tháng 8-1945) phải sống cảnh đời nô lệ, nước mất nhà tan, nhân dịp Hội Nhi đồng cứu quốc được thành lập ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà (vùng Pác Bó), huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, được gia nhập Mặt trận Việt Minh (15-5-1941), Bác Hồ đã viết bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” đầy cảm xúc: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, biết ngủ, học hành là ngoan/Chẳng may vận nước gian nan/Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng/Học hành giáo dục đã không/Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa/ Sức còn yếu, tuổi còn thơ/Mà đã khó nhọc cũng như người già/Có khi lìa mẹ, lìa cha/Để làm tôi tớ người ta bên ngoài…”.
Thiếu nhi dự thi vẽ tranh do Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức. Ảnh: H.THI
Bằng những câu thơ giản dị, chan hòa tình yêu thương, Bác đã khuyên và cổ vũ tinh thần thiếu nhi: “... Người lớn cứu nước đã đành/Trẻ em cũng góp phần mình một tay/Bao giờ đuổi hết Nhật, Tây/Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng...”.
Trong bài thơ “Trẻ chăn trâu”, Bác ca ngợi và đặt niềm tin vào thế hệ măng non: “Cùng nhau đánh đuổi Nhật, Tây/Anh em mới có ngày vinh hoa/Nhi đồng cứu quốc hội ta/Ấy là lực lượng, ấy là cứu tinh/Ấy là bộ phận Việt Minh/Dân mình cứu dân mình mới xong/Ai nghe mà chẳng động lòng/Khá khen con trẻ mục đồng Việt Nam”. Bằng tình cảm gần gũi, chân tình, những bài thơ của Bác nhanh chóng đi vào lòng thiếu nhi. Càng đọc, thiếu nhi càng yêu quý Bác. Không chỉ dành riêng thiếu nhi Việt Nam, Bác Hồ còn dành tình thương cho thiếu nhi quốc tế. Trong ngục tù của Tưởng Giới Thạch, Bác không sao kìm lòng khi nhìn các cháu thiếu nhi Trung Hoa phải theo mẹ vào tù, Bác viết: “Cha trốn không đi lính nước nhà/Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi/Phải theo mẹ đến ở nhà pha” (Nhật ký trong tù).
Những dịp khai trường, Tết Trung thu, Quốc tế Thiếu nhi 1-6, dù bận rộn trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn luôn nhớ và dành thời gian để viết thư, làm thơ gửi cho thiếu nhi. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ngay ngày khai trường đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt kỳ vọng vào các cháu thanh, thiếu nhi: “…Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các cháu rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Trong thư chúc Tết Trung thu năm 1952, Bác viết: “Ai yêu các nhi đồng/Bằng Bác Hồ Chí Minh/Tính các cháu ngoan ngoãn/Mặt các cháu xinh xinh/Mong các cháu cố gắng/Thi đua học và hành/Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình/Để tham gia kháng chiến/Để giữ gìn hòa bình/Các cháu hãy xứng đáng: Cháu Bác Hồ Chí Minh”. Trong buổi nói chuyện với thiếu nhi Việt Nam đêm Trung thu năm thứ nhất nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngày 22-9-1945, Bác đã ân cần căn dặn thiếu nhi: “Các cháu phải ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy cô và bạn phải yêu kính. Các cháu phải thương yêu nước ta. Mong các cháu mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với độc lập, tự do”. Năm 1961, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (15-5-1941-15-5-1961), Bác Hồ kính yêu đã gửi thư cho thiếu nhi cả nước. Trong thư Bác căn dặn các em 5 điều: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/Học tập tốt, lao động tốt/Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/Giữ gìn vệ sinh thật tốt/Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Năm điều Bác Hồ dạy ấy đã và đang trở thành tiêu chuẩn đạo đức của thiếu nhi Việt Nam để phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành cháu ngoan Bác Hồ, đội viên Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6-1969, Bác viết thư gửi thiếu nhi, có đoạn: “Nói chung trẻ con ta rất tốt. Ở miền Nam, các cháu bé rất dũng cảm, đã hăng hái giúp đỡ bộ đội, giúp đỡ gia đình có người kháng chiến, làm giao liên, đánh du kích,… Nhiều cháu mới hơn 10 tuổi đã trở thành dũng sĩ diệt Mỹ. Ở miền Bắc, các cháu đều hăng hái thi đua làm nghìn việc tốt như giúp đỡ gia đình bộ đội, trả lại của rơi, gan góc liều lĩnh cứu bạn…”.
Những lời dạy của Bác, trong thư, cả trong thơ không chỉ dạy cho các cháu thiếu nhi mà Bác còn dạy cho các nhà giáo dục về phương pháp giáo dục thế nào để đem lại kết quả tốt nhất cho trẻ em. Lúc sinh thời, Bác dạy: “Giáo dục nhi đồng là một vấn đề khoa học. Người lớn và các nhà giáo dục trẻ em phải nắm được tâm lý trẻ em, cách dạy phải nhẹ nhàng, đừng dạy các em trở thành những ông cụ non (Hồ Chí Minh về giáo dục thanh thiếu nhi, Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, 1980). Trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi (11-1949), Bác cũng cho rằng, đối với trẻ em phải giáo dục như thế nào cho các cháu biết đoàn kết, ham học, ham làm, nhưng phải làm sao cho trẻ có kỷ luật nhưng vẫn vui vẻ hoạt bát chứ không phải khúm núm đặt đâu ngồi đấy. Bác đặc biệt nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là người giáo dục trẻ em phải là tấm gương sáng cho các em noi theo, bởi “trẻ em hay bắt chước cho nên thầy giáo, cán bộ phụ trách phải gương mẫu, từ lời nói đến việc làm. Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt”. Bác cũng nhấn mạnh, giáo dục trẻ em là công việc không phải chỉ một số người trực tiếp giáo dục mà phải là công việc của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội bởi “vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Hôm nay, thiếu nhi cả nước tưng bừng đón chào ngày hội của mình - Quốc tế Thiếu nhi 1-6, chúng ta ngồi đây cùng đọc lại những lời bài thơ, những điều Bác Hồ dạy để nhắc nhở thiếu nhi Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng tiếp tục phấn đấu vươn lên trong học tập, trong cuộc sống, trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng với tình thương bao la của Bác và đồng thời cũng đặt niềm tin rằng toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm của mình đối với việc chăm lo giáo dục trẻ em như Bác hằng mong đợi: “Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta; mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.