Nhìn từ một tổ nhân dân tự quản

16/06/2010 - 09:36
Quang cảnh sinh hoạt tổ tự quản ở nhà ông Nguyễn Văn Phước. Ảnh: Q.N

Không báo trước và cũng không giới thiệu, tôi cùng Bí thư Chi bộ ấp Hòa Thạnh B Phan Thanh Phương đến dự sinh hoạt tổ nhân dân tự quản số 7b ở nhà ông Nguyễn Văn Phước. Nói “dự” cho nghiêm túc, nhưng thực chất là ngồi ở phía sau để nghe được tất cả 12/16 ý kiến đại diện hộ gia đình trong tổ sinh hoạt. Cũng chương trình như mọi khi, tổ trưởng đứng lên báo cáo tình hình trật tự, tình làng nghĩa xóm trong tổ, rồi đọc một số bài trong Bản tin Tư pháp gởi về, thông báo chủ trương mới. Đặc biệt cuộc họp tháng này có thông báo ba vấn đề mới, đó là thông báo xử phạt hành chính của Công an xã đối với một người dân trong tổ vi phạm chống người thi hành công vụ, danh sách nghề cho người dân lựa chọn trong việc chuyển đổi ngành nghề trong xã và điều tra dịch vụ internet.

Cả trên 50 nghề mà trưởng ấp thông qua, từ những nghề “thời thượng” như sửa chữa máy vi tính, cài đặt mạng, đến nghề mộc, hồ, đan, thêu, thậm chí nuôi gà, vịt, tôm càng xanh, trồng chanh, trồng chuối rất gần với thổ nhưỡng của xã. Mỗi lớp từ 20 đến 25 người, đủ số thì mở tại ấp, còn ít thì gom về xã, rất tiện cho việc đi lại. Kinh phí thì khỏi nói, chủ yếu là phục vụ cho người nghèo chuyển đổi ngành nghề tại nông thôn, nên được Nhà nước lo, người nghèo được hỗ trợ tiền ăn trưa và đi lại, người cận nghèo hỗ trợ phần đi, còn người thoát khỏi cảnh nghèo thì tự lực trong việc ăn và đi lại. Mấy người phụ nữ ngồi phía sau bàn tán: “Trong nhà, tuổi trẻ đi làm ăn xa, còn người già chỉ biết giữ nhà, tai ù, mắt mờ thì làm được gì mà học!”. Vậy mà xã đã mở được 3 lớp, một lớp đan giỏ cọng lá dừa, hai lớp trồng nấm bào ngư, đã ra trường một lớp, có vài  người gom lại thành lập tổ đan giỏ, bước đầu thấy cũng được.
Điều làm tôi chú ý là phần ý kiến nhận xét của đảng viên phụ trách tổ đối với hai hộ nghèo, “cũng cần cù, chăm chỉ, chịu khó làm ăn. Trong số 12 người ngồi họp, có hai hộ nghèo ngồi đó, chắc họ cũng mát dạ. Nhưng đảng viên phụ trách tổ cũng “bị” tổ viên đóng góp, bên cạnh những nội dung khen, như tích cực hỗ trợ tổ hoạt động, đôn đốc người đi họp… là “mong sắp tới phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn nữa cho hoạt động tổ tốt hơn”.
Chi bộ ấp Hòa Thạnh B có 30 đảng viên, trong đó có 7 được miễn sinh hoạt, miễn công tác và 5 dự bị. Đảng viên ở ấp có ba nhiệm vụ chính: chức vụ phụ trách, giúp tổ viên phát triển kinh tế và quản lý hộ nghèo, cận nghèo. Còn đối với tổ viên, ngoài trách nhiệm tổ viên, còn có một nhiệm vụ nữa, đó là giám sát các hoạt động của đảng viên cư trú trong tổ (nếu như hoạt động ở ấp, tổ), kể cả gia đình của đảng viên đó nữa. Tổ họp xong, biên bản được gởi về Bí thư chi bộ ấp và sau đó chuyển lên Hội đồng an ninh trật tự xã - Bí thư Chi bộ Phan Thanh Phương nói như vậy. Tôi nghĩ, ngoài lực lượng đảng viên, còn có đoàn viên, thanh niên, hội viên Hội Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ cộng chung cũng gần 1.000 trong tổng số 2.800 nhân khẩu, nếu ai cũng thấy hết trách nhiệm và làm hết mình thì có lẽ không lâu, trong ấp này phát triển theo chiều hướng tốt.
Bí thư Đảng ủy xã Lương Hòa Nguyễn Minh Trung cho biết thêm: “Chủ trương này chúng tôi đã thực hiện được gần năm nay, với mục đích nhằm phát huy cụ thể vai trò đảng viên với dân bằng những việc làm thiết thực như phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm, xóa nghèo… Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho quần chúng giám sát đảng viên trong tất cả các mặt, từ năng lực lãnh đạo, đến đạo đức, phẩm chất, phong cách, kể cả gia đình của họ. Để làm được việc này, chúng tôi phân công hẳn một đảng ủy viên phụ trách ấp, dành ít nhất 1/3 thời gian trong tháng làm việc trực tiếp ở ấp”. Đồng chí cũng nói rõ: “Suy cho cùng là lãnh đạo, đảng viên không hơn dân, không nêu gương được với dân thì không thể lãnh đạo được”. Có lẽ chính vì vậy xã chọn công tác xây dựng Đảng, mà nội dung chủ yếu là nâng cao trách nhiệm, đảng viên gắn với dân, làm đòn bẩy bật dậy kinh tế - xã hội trong 5 năm tới, với mục tiêu là thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng/năm.
Nói là vậy, nhưng ngồi trong nhà họp tổ nhân dân tự quản, nhìn ra miếng vườn khoảng 3 công đất của ông Nguyễn Văn Phước, tôi không khỏi băn khoăn. Có rất nhiều loại cây, nào là cau, dừa, chuối, ca cao, bưởi, cam, chanh không thiếu,… cứ dăm ba mét là một cây, nhưng rốt cuộc là hàng tháng thu về bao nhiêu tiền? Theo chủ nhà, “có tháng được một triệu hai, có tháng không tới”. Thực trạng đó còn phổ biến ở xã Lương Hòa. Khắc phục hiện trạng này không khó, nhưng cũng phải mất một thời gian không ngắn. Cho nên, bên cạnh phát triển dịch vụ, chuyển đổi ngành nghề, người dân Lương Hòa còn lâu lắm mới thoát khỏi lệ thuộc vào nông nghiệp. Một thực tế đã cho thấy ở chính nơi đây: chỉ một công đất mà trồng hai đến ba loại cây, sau bốn, năm năm thì mỗi tháng cũng cho thu nhập không dưới một triệu đồng. Vấn đề là thay đổi được nếp nghĩ và cách làm của từng người trên miếng vườn của họ, mang lại hiệu quả về sau mà không mất đi chén cơm hiện tại.

Lê Quang Nhung

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN