Từ các phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực: khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi; nâng cao chất lượng các ấp văn hóa, xã văn hóa; huy động sức dân xây dựng giao thông nông thôn; giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; giữ gìn trật tự - an toàn xã hội…
Ngoài ra, việc xây dựng xã hội đồng thuận tự quản còn góp phần tích cực trong công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà trong nhân dân… Tuy nhiên, quá trình thực hiện xây dựng xã hội đồng thuận, tự quản, trên địa bàn huyện vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế như: một số nơi cấp ủy chưa thật quan tâm, công tác tuyên truyền vận động chưa đi vào chiều sâu, hình thức vận động chưa thật phong phú, sát đối tượng, sự phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức mặt trận, đoàn thể chưa chặt chẽ, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế...
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng xã hội đồng thuận, tự quản, từ ngày 26 đến 30-9-2011, các xã: An Hòa Tây, An Bình Tây, An Ngãi Tây, An Thủy, Mỹ Thạnh, Mỹ Nhơn, Phú Lễ, Phú Ngãi và xã Tân Hưng đã tổ chức tọa đàm, tập trung thảo luận các vấn đề như: sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và vai trò của mặt trận, đoàn thể trong công tác xây dựng xã hội đồng thuận, tự quản; đa dạng hóa các hình thức vận động quần chúng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước; việc huy động sức dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và giải phóng mặt bằng các công trình xây dựng… Đặc biệt, nhiều ý kiến nêu những giải pháp mới trong công tác dân vận theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; đồng thời kết hợp xây dựng xã hội đồng thuận, tự quản theo hướng gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin.