Các sản phẩm hàng đầu của Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO Seafood) là cá tra phi lê, nghêu trắng, sò... đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Duy Thịnh
Sản phẩm đạt điều kiện
Toàn tỉnh hiện có 14 DN đạt chứng nhận Halal, đáp ứng các điều kiện để xuất khẩu vào thị trường các quốc gia Hồi giáo. Sản phẩm của các DN đạt chứng nhận Halal tập trung ở nhiều lĩnh vực như: sản xuất sản phẩm từ dừa (dầu dừa, kẹo dừa, nước cốt dừa, cơm dừa sấy khô, sữa dừa...); thủy sản (cá tra, nghêu); hàng nông sản (trái cây tươi, trái cây đông lạnh, bắp non, củ sắn, ớt, xoài cát chu, chanh dây, chuối, chôm chôm, mãng cầu xiêm...) và nông sản chế biến (kẹo mãng cầu, cơm dừa nạo sấy, nước mía, khoai mì...).
14 DN xuất khẩu được chứng nhận Halal là còn khá khiêm tốn so với 150 DN đang tham gia xuất khẩu trên địa bàn tỉnh hiện nay. Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm cho rằng: “Con số này không có nghĩa là các DN còn lại không đáp ứng tiêu chuẩn Halal, mà có thể do chưa có nhiều thông tin để mạnh dạn tham gia được cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm của mình”.
Đối với thị trường các quốc gia Hồi giáo, DN trên địa bàn tỉnh chưa tiếp cận được nhiều thông tin thị trường, nhất là văn hóa tiêu dùng, kinh doanh và các quy định đối với sản phẩm Halal. Do đó, các DN tại tỉnh chưa quan tâm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để phù hợp với văn hóa Hồi giáo. Mặt khác, hiện nay chưa có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất áp dụng với tất cả các nước trên toàn cầu. Có nhiều tổ chức được phép cấp chứng nhận Halal, nhưng quy trình thủ tục cấp chứng nhận của các tổ chức không thống nhất. Ngoài ra, việc đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị riêng biệt trong các khâu từ đóng gói, bảo quản, vận chuyển… theo tiêu chuẩn Halal có thể tốn nhiều chi phí của DN. Đây là vấn đề quan ngại nhất, vì phần lớn DN tỉnh nhỏ và vừa, năng lực và khả năng còn nhiều hạn chế.
Với mong muốn kết nối hàng nông, thủy sản của tỉnh vào thị trường các quốc gia Hồi giáo, tỉnh kiến nghị Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ trong việc quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Bến Tre. Đồng thời, hỗ trợ chính quyền và DN tỉnh tiếp xúc với các đối tác, tập đoàn, DN uy tín của các quốc gia Hồi giáo, nhằm thúc đẩy giao thương, du lịch, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Mặt khác, giúp tháo gỡ vướng mắc trong kinh doanh quốc tế tại các địa bàn này.
Mở rộng xuất khẩu
Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh giai đoạn 2016 - 2021 đạt 6,53 tỷ USD và tăng trưởng đều hàng năm. Cơ cấu xuất khẩu có sự chuyển biến theo hướng tích cực: tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao; giảm tỷ trọng hàng thô và gia công. Chủ thể xuất khẩu không ngừng tăng lên, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 150 DN tham gia xuất khẩu. Thị trường ngày càng được mở rộng. Hiện tại, các sản phẩm từ Bến Tre đã xuất khẩu sang hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thế mạnh của tỉnh là sở hữu 18.618,62ha cây ăn trái, thủy sản và dừa được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP và hữu cơ. Trong đó, dừa 9.873ha, cây ăn trái 805,6ha, thủy sản 7.939,2ha. Có 5 sản phẩm chủ lực được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Bưởi da xanh Bến Tre, Dừa xiêm xanh Bến Tre, Sầu riêng Cái Mơn, Cua biển Bến Tre và Tôm càng xanh Bến Tre), 6 sản phẩm khác đã nộp hồ sơ đăng ký; 7 nhãn hiệu được chứng nhận, 23 nhãn hiệu tập thể với trên 50 hộ, DN được cấp quyền sử dụng. Đã cấp 45 mã vùng trồng, với diện tích 614,3ha nhãn, chôm chôm, xoài và bưởi da xanh. Toàn tỉnh được cấp 21 mã cơ sở đóng gói xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh đang mở rộng diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nhằm phát triển ngành tôm trở thành ngành công nghiệp sản xuất mũi nhọn trên địa bàn, thúc đẩy xuất khẩu.
Đến nay, tỉnh đã hình thành được một số vùng chuyên canh sản xuất hàng xuất khẩu. Các chương trình, dự án xây dựng vùng nguyên liệu cung ứng cho sản xuất hàng xuất khẩu được triển khai thực hiện đồng bộ. Trung bình mỗi năm, sản lượng dừa trên địa bàn tỉnh đạt trên 600 triệu trái; sản lượng lúa trên 120 ngàn tấn; hơn 80 ngàn tấn rau, củ các loại; trên 300 ngàn tấn trái cây; 8 triệu gia cầm với hơn 500 ngàn tấn thủy, hải sản. Trong đó, có nhiều loại nông sản nổi tiếng như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, hoa kiểng, tôm biển, tôm càng xanh, cua biển.
Song song đó là gần 200 DN chế biến dừa, hơn 100 cơ sở chế biến thủy, hải sản và nhiều cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm với những sản phẩm đặc trưng như cơm dừa nạo sấy, nước dừa, nước cốt dừa, bột sữa dừa, kẹo dừa, thạch dừa, cá tra, nghêu. Quy mô sản xuất của các DN xuất khẩu được đầu tư mở rộng. Một số nhà máy đã đáp ứng được tiêu chuẩn thâm nhập vào thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm bày tỏ: “Trước nền tảng hiện có của các DN tại tỉnh, việc điều chỉnh để đạt tiêu chuẩn Halal là hoàn toàn có thể thực hiện được. Sau khi nhìn thấy lợi thế và cơ hội phân tích tại hội nghị, các DN tỉnh sẽ quan tâm hơn đến thị trường các quốc gia Hồi giáo và tự tin để chinh phục thị trường đầy tiềm năng này. Tôi tin rằng, việc mang được sản phẩm tốt của quê hương mình trao đến những người bạn mới ở các quốc gia Hồi giáo là một niềm vui lớn của người Bến Tre”.
Tỷ trọng các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu ngày càng gia tăng. Riêng sản phẩm từ dừa năm 2021 xuất khẩu chiếm xấp xỉ 30%, thủy sản xuất khẩu chiếm xấp xỉ 6% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước châu Á (hơn 50%), châu Mỹ (xấp xỉ 30%), châu Âu (gần 15%), còn lại là các khu vực khác. Riêng thị trường các quốc gia Hồi giáo chỉ chiếm khoảng 2-3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. |
Thạch Thảo