Nhiều hộ thoát nghèo từ Quỹ “Vì người nghèo” năm 2022

26/10/2022 - 05:37

BDK - Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” kết hợp với các nguồn hỗ trợ khác, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp cùng các tổ chức thành viên đã vận động và tham gia thực hiện công tác giảm nghèo, các hoạt động an sinh xã hội với tổng kinh phí thực hiện 603,7/509,1 tỷ đồng, tăng 94,6 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 18,6% so với số kinh phí đăng ký thực hiện chương trình an sinh xã hội đầu năm 2022. Qua đó đã tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung trao bằng khen cho các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: Phạm Tuyết

1. Hộ anh Nguyễn Quốc Đạt, ấp Trung Xuân, xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, là hộ nghèo từ năm 2017. Năm 2018, anh được UBND xã hỗ trợ vốn 20 triệu đồng để thực hiện mô hình giảm nghèo, gia đình góp vốn thêm mua được 5 con dê nái và làm chuồng trại. Tận dụng các nguồn thức ăn có sẵn và tự trồng cỏ, sau 1 năm, dê nái sinh sản được 9 con dê con. Năm 2019, anh Đạt được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỏ Cày Bắc cho vay vốn 100 triệu đồng tham gia đề án thoát nghèo bền vững. Đến năm 2020, gia đình anh thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi dê, trả được vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, anh còn đầu tư nuôi 50 con dê thịt, 50 dê nái và 2 con dê đực. Hiện nay, với nguồn thu từ chăn nuôi dê, sau khi trừ chi phí, anh còn lãi trên 50 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh Đạt đầu tư lò mổ dê cung cấp cho các thương lái và gia công mỗi ngày từ 2 - 3 con, cao điểm ngày lễ lên đến 7 con. Hàng năm, hộ anh Đạt hỗ trợ khoảng 30 - 50 con giống và kỹ thuật cho các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn trên địa bàn ấp với hình thức hỗ trợ con giống trả chậm, bao đầu ra dê thương phẩm cho hộ nông dân.         

2. Hộ ông Nguyễn Văn Đức, ấp Thạnh Thới, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, là hộ nghèo từ năm 2002, thoát nghèo năm 2021. Gia đình ông Đức có 5 nhân khẩu, không có đất sản xuất. Ông Đức là thương binh ¾, bị cụt một chân. Được sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn vay ưu đãi trong chăn nuôi cho người nghèo, ông vay 15 triệu đồng để nuôi bò sinh sản. Năm 2019, gia đình ông được Quỹ “Vì người nghèo” huyện Ba Tri hỗ trợ 13 triệu đồng tiếp tục nuôi bò sinh sản. Với sự cần cù và chịu khó làm ăn, đến nay, các thành viên trong gia đình ông đều có công ăn việc làm ổn định. Đến cuối năm 2021, gia đình ông được công nhận hộ gia đình thoát nghèo bền vững.     

3. Anh Hồ Văn Sái, ấp Trung Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, là hộ nghèo từ năm 2016 - 2020. Gia đình anh có 4 nhân khẩu, sống chủ yếu nhờ vào việc làm thuê của anh. Với quyết tâm thoát nghèo, anh Sái đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất thấp để đầu tư làm cây giống. Đến năm 2019, anh Sái được Quỹ “Vì người nghèo” huyện Chợ Lách hỗ trợ số vốn 10 triệu đồng để phát triển sinh kế. Gia đình đã cải tạo lại 900m2 đất để làm kiểng mai vàng bán Tết. Tổng thu nhập hàng năm (làm kiểng và làm thuê) ước hơn 90 triệu đồng. Đến năm 2021, gia đình anh Sái đã thoát nghèo và giúp đỡ những hộ khó khăn khác hơn 500 cây giống mai gốc nhớt, gốc ghép nhỏ để giúp họ tăng thu nhập.         

4. Hộ anh Nguyễn Thành Lê, ấp Linh Phụng, xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm, là hộ nghèo từ năm 2016, thoát nghèo năm 2021. Năm 2020, hộ anh Lê được hỗ trợ sinh kế với mô hình chăn nuôi dê nái sinh sản với 15 triệu đồng để mua 3 con dê nái. Cuối năm 2020, gia đình xuất chuồng 10 con dê thịt, trung bình 25kg/con, giá con khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/con và tiếp tục duy trì đàn dê 8 con dê nái và 16 dê thịt. Đầu năm 2021, anh vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện mô hình chăn nuôi heo. Hiện nay, gia đình anh có 2 heo nái và 10 con heo. Ngoài ra, anh đã tích cực vận động các hộ tổ viên chí thú làm ăn, giữ gìn an ninh trật tự xóm ấp. Anh tham gia Chi hội Nông dân ấp và tích cực đóng góp xây dựng Quỹ tương trợ nông dân phát triển kinh tế.  

“Công tác vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, chương trình an sinh xã hội, công tác giảm nghèo năm 2022 được Mặt trận các cấp quan tâm thực hiện. Qua đó không những góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo mà còn góp phần quan trọng vào việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Thông qua chương trình, đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, khơi dậy tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau từ mỗi cộng đồng dân cư để cùng chăm lo, củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Rất nhiều hộ nghèo qua sự hỗ trợ Quỹ “Vì người nghèo” đã vươn lên thoát nghèo bền vững”.           

(Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Mai Rý)

Phương Khanh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN