Bến Tre đã từng xảy ra dịch tai xanh trên heo. Mầm bệnh vẫn còn lưu hành trong khu vực kết hợp với các yếu tố như: môi trường bị ô nhiễm, điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu áp dụng an toàn sinh học nên bệnh tai xanh vẫn có nguy cơ bùng phát thành dịch. Người chăn nuôi cần chủ động phòng bệnh trên gia súc bằng cách tiêm phòng vắc-xin ngừa bệnh tai xanh.
Bến Tre có tổng đàn heo trên 438.000 con, trong đó đàn heo nái trên 68.000 con (Cục Thống kê 1-4-2011). Tại một số huyện như Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Giồng Trôm, chăn nuôi là hoạt động sản xuất chính của hộ gia đình. Năm 2008, bệnh tai xanh lần đầu tiên xuất hiện ở Bến Tre và gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi heo, bệnh làm suy giảm chức năng miễn dịch khiến con heo rất dễ mắc các bệnh khác và chết.
Để tìm hiểu về sự cần thiết của việc tiêm phòng vắc-xin tai xanh trên heo, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Thạc sĩ Phan Trung Nghĩa - Chi Cục phó Chi cục Thú y về vấn đề này.
Chăn nuôi heo là hoạt động sản xuất chính của nhiều hộ gia đình. Ảnh: T.Thảo
* Xin ông cho biết sự cần thiết của việc tiêm phòng vắc-xin tai xanh trên heo?
- Việc tiêm phòng vắc-xin tai xanh là hết sức cần thiết vì đây là biện pháp chủ động nhất, có hiệu quả nhất, không tốn kém nhiều để ngăn ngừa bệnh, giúp người nuôi an tâm sản xuất.
* Có thể nói đây là năm đầu tiên Cục Thú y khuyến cáo tiêm phòng vắc-xin tai xanh trên heo một cách rộng rãi. Xin ông cho biết vì sao có sự khuyến cáo này?
- Việc khuyến cáo tiêm phòng vắc-xin tai xanh trên heo một cách rộng rãi trong năm 2012 dựa trên các cơ sở như sau:
Căn cứ pháp lý: Quyết định số 1791/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ vắc-xin tai xanh, vắc-xin dịch tả heo nhằm đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi, bảo đảm đủ nguồn cung ứng thực phẩm và bình ổn giá thị trường.
Căn cứ vào tình hình dịch tễ: theo nhận định của các chuyên gia, mầm bệnh đã lưu hành trong khu vực, do đó bệnh tai xanh có nguy cơ bùng phát thành dịch theo mùa hàng năm.
Căn cứ bài học kinh nghiệm phòng, chống dịch trong khu vực và trong tỉnh: Điểm nổi bật trong đợt dịch năm 2011 tại các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long là việc đưa vắc-xin tai xanh chủng Trung Quốc vào trong công tác tiêm phòng và tiêm thẳng vào ổ dịch để rút ngắn thời gian xảy ra dịch và giảm số thiệt hại. Kết quả này được Cục Thú y khuyến cáo và chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch hiện tại. Tại Bến Tre, kết quả thí điểm tiêm phòng vắc-xin tai xanh chủng Trung Quốc trên đàn heo sinh sản tại huyện Mỏ Cày Nam trong năm 2011, cho thấy đàn heo an toàn và không xảy ra dịch, làm cơ sở cho việc nhân rộng ra toàn tỉnh.
Xuất phát từ tình hình trên, tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ vắc-xin tai xanh để tiêm phòng cho đàn heo sinh sản của các hộ nuôi qui mô dưới 50 con, đồng thời khuyến cáo người nuôi tự tiêm phòng cho các đối tượng còn lại.
* Chương trình tiêm phòng vắc-xin tai xanh trên heo đang được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Chương trình tiêm phòng này được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, chia làm hai đợt: đợt tiêm chính từ ngày 1-4 đến 15-4-2012, đợt tiêm bổ sung thực hiện liên tục từ 15-4 đến 30-5-2012. Tiến độ tiêm phòng trên đàn heo nái sinh sản đến thời điểm này có hơi chậm do đặc điểm vắc-xin này chỉ tiêm trên heo nái không mang thai, do đó, diện tiêm hẹp, số lượng tiêm được ít.
* Theo ông, người chăn nuôi có quan tâm đến việc tiêm phòng cho heo hay không?
- Chương trình tiêm phòng này rất được người chăn nuôi đồng thuận và hưởng ứng vì được Nhà nước hỗ trợ một phần vắc-xin và quan trọng nhất là chỉ ra loại vắc-xin thích hợp, giúp cho hộ chăn nuôi phòng bệnh có hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước mà chưa tự giác thực hiện tiêm phòng.
* Hiện nay, một số hộ chăn nuôi có thể tự mua thuốc và tiêm phòng cho heo. Vậy, ngành thú y đã có những hướng dẫn, thông tin đến người dân về loại vắc-xin mà Cục Thú y đã khuyến cáo hay chưa?
- Trong đợt tiêm phòng vừa qua, Chi cục Thú y đã có các bài viết, thông báo thông qua hệ thống ngành thú y gửi đến Đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, đồng thời thông báo trên Đài truyền hình để giúp người dân biết rõ chương trình này.
Trong thời gian tới, Chi cục Thú y dự kiến tổ chức hai đợt hội thảo để tuyên truyền phổ biến ích lợi của việc tiêm phòng vắc-xin phù hợp, đến hai nhóm đối tượng là cửa hàng thuốc thú y và các trang trại, gia trại chăn nuôi.
* Để chăn nuôi heo được an toàn, ông có thể cho một vài lời khuyên?
- Để chăn nuôi heo đảm bảo được an toàn, người nuôi cần phải đưa bệnh tai xanh vào qui trình tiêm phòng chính của trại; sử dụng đúng chủng loại vắc-xin phòng bệnh hiện hành, và quan trọng nhất là chủ động tự tiêm phòng. Nếu thực hiện được những điều này, tin chắc bệnh tai xanh sẽ không xảy ra.
* Xin cảm ơn ông!