Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp đổi mới GD&ĐT, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà.
Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc phỏng vấn
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn - Phó giám đốc Sở GD&ĐT.
* Phóng viên: Thưa
ông, việc đổi mới GD&ĐT hiện nay có vai trò như thế nào trong việc nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực?
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn: Giáo dục của ta trước đây còn
nặng về cung cấp kiến thức hàn lâm, ít coi trọng việc hình thành năng lực, đặc
biệt là năng lực thực tiễn cho người học. Với Nghị quyết số 29, mục tiêu của
giáo dục là hình thành cả phẩm chất và năng lực người học, mà đặc biệt là năng
lực thực tiễn, đào tạo con người phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; có
năng lực ngoại ngữ, tin học, thích ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế, đáp ứng được
yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Để làm tốt điều này, thời gian qua, đội ngũ thầy cô giáo
tỉnh nhà đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, triển khai các phương pháp dạy
học tích cực, tăng cường rèn luyện kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động trải
nghiệm sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, tin học. Từ đó, góp phần
tạo ra thế hệ trẻ phát triển toàn diện, có kiến thức, kỹ năng, năng động, sáng
tạo, thích ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế và yêu cầu của cuộc cách mạng công
nghệ 4.0.
* Việc đổi mới
GD&ĐT được ngành thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Thời gian qua, sở đã tập trung chỉ đạo đổi mới mục
tiêu, phương pháp dạy học. Trong đó, chú trọng giáo dục phát huy tư duy sáng tạo,
phẩm chất, năng lực người học. Thực hiện dạy và học tiếng Anh, Tin học từ cấp
tiểu học. Song song đó là đổi mới thi cử, kiểm tra, đánh giá bảo đảm chất lượng
đầu ra. Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Đội
ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các ngành học, cấp học được củng cố, kiện toàn,
cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới dạy học.
Giờ kiểm tra định kỳ của học sinh Trường THCS TP. Bến Tre. Ảnh: P. Tuyết
Tỉnh có 2 trường thí điểm phương pháp “Bàn tay nặn bột”;
100% trường đã vận dụng phương pháp mới của Đan Mạch vào trong các tiết dạy Mỹ
thuật bậc tiểu học. Xây dựng các khóa học/bài học trên trang mạng qua “Trường học
kết nối” cấp trung học. Tổ chức, quản lý và hỗ trợ học sinh thực hiện các hoạt
động học tập qua mạng theo hình thức “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo”. Tổ chức
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Tăng cường khai thác sử
dụng có hiệu quả các thiết bị dạy học, chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông
tin trong quản lý và dạy học.
Xây dựng môi trường học tập ngoại ngữ thông qua việc tổ
chức các hoạt động chuyên môn như: tổ chức chuyên đề, đổi mới kiểm tra, đánh
giá thông qua các bài tập “dự án”; các hoạt động ngoại khóa có sử dụng tiếng
Anh như: thi kể chuyện, hùng biện... Tiếp tục trang bị bổ sung thiết bị dạy học
ngoại ngữ. Phối hợp, tiếp nhận sinh viên tình nguyện quốc tế đến giao lưu, trao
đổi văn hóa góp phần nâng cao kỹ năng nghe, nói tiếng Anh cho học sinh.
* Theo ông, đơn vị
nào thực hiện việc đổi mới hiệu quả nhất?
- Xét về thành tích, Trường THCS TP. Bến Tre là đơn vị đi
đầu trong thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá với mô hình “Thực hiện kiểm tra
chung bài kiểm tra định kỳ đối với các môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh” cho tất cả
các khối. Khi tổ chức kiểm tra chung sẽ hạn chế được việc tiêu cực trong dạy
thêm, học thêm, trong thực hiện chương trình, việc rò rỉ đề kiểm tra, dạy tủ được
chấn chỉnh. Việc tổ chức chấm bài chung phụ huynh yên tâm hơn vì bài kiểm tra
được chấm chéo, được theo dõi và thống nhất cách chấm. Học sinh sẽ không nghĩ rằng
bị trừ điểm về cách làm bài, cách diễn đạt không phù hợp với ý giáo viên… Chất
lượng học sinh được nâng lên nhất là học sinh yếu kém.
Trường THPT Chuyên Bến Tre thí điểm dạy các môn tự nhiên
(Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học) bằng tiếng Anh. Với hoạt động này sẽ giúp học
sinh tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh, rèn thêm kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Giỏi tiếng Anh cũng là một trong những phương tiện giúp học sinh có thể hội nhập
sau khi ra trường.
* Đâu là khó khăn
trong quá trình thực hiện?
- Cơ cấu giáo viên trong một số cơ sở giáo dục vẫn còn hiện
tượng thừa nhưng thiếu cục bộ theo môn học. Một bộ phận cán bộ, giáo viên còn hạn
chế về năng lực, chưa tích cực, chủ động trong đổi mới phương pháp dạy học theo
hướng tích cực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học dù được quan tâm đầu tư,
nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu, làm hạn chế việc triển khai dạy học theo
yêu cầu đổi mới.
* Giải pháp trong hướng
tới là gì, thưa ông?
- Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục tăng cường
giáo dục chính trị tư tưởng; đổi mới phương pháp giảng dạy các môn Đạo đức,
Giáo dục công dân theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, phát huy
tính tích cực của học sinh; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong
giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh.
Đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Tăng cường
các hoạt động kết nối tri thức từ bài học trong chương trình giáo dục phổ thông
với kinh nghiệm thực tiễn nhằm giải quyết các tình huống, các vấn đề trong cuộc
sống. Chú trọng hướng dẫn học sinh các kỹ năng học tập, làm việc như: kỹ năng tự
học, tự nghiên cứu. Tăng cường giáo dục thể chất, hướng nghiệp, ý tưởng, ý chí
khởi nghiệp ngay trong trường phổ thông. Nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học
cho học sinh đáp ứng yêu cầu công tác, làm việc sau này.
Cùng với đó, ngành sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư các điều
kiện cần thiết về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết
bị dạy học và các yêu cầu khác để đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu đổi mới căn bản
và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29.
* Xin cảm ơn ông!