Nhiều giải pháp để đưa chủ trương Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuộc sống

02/12/2020 - 19:30

BDK.VN - Tiếp tục chương trình ngày làm việc thứ 2, hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 3, sáng 2-12-2020, các đại biểu tập trung thảo luận tại hội trường các nội dung: Dự thảo Nghị quyết về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Dự thảo Đề án Phát triển Khoa học công nghệ giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Dự thảo Đề án Cải cách hành chính giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 và Dự thảo Chương trình Xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh Q.Hùng

Nghị quyết về xây dựng Đảng mang tính toàn diện

Theo Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến: Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy xác định chỉ ban hành một nghị quyết về xây dựng Đảng, nghị quyết này mang tính khái quát, bao hàm nhiều nội dung quan trọng góp phần củng cố tổ chức Đảng, chất lượng đảng viên. Sau khi Ban Chấp hành thống nhất và ban hành sẽ được cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, hướng dẫn… để triển khai thực hiện.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Bia cho rằng: Dự thảo Nghị quyết cần đưa nội dung tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” trong tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện nhằm góp phần đưa nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hữu Hiệp

Bí thư Thành ủy TP. Bến Tre Nguyễn Văn Tuấn nêu: Qua thực hiện Nghị quyết số 02 về xây dựng Đảng của Tỉnh ủy khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã góp phần quan trọng về công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế nhất định. Dự thảo Nghị quyết Tỉnh ủy cần đưa thêm nội dung đề cao tính “nêu gương” của đảng viên, trách nhiệm của cán bộ đảng viên và đặc biệt là nâng cao “sức đề kháng” của đảng viên trước những tác động của yếu tố bên ngoài.

Theo đánh giá của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, dự thảo Nghị quyết có tính tổng quát và sâu hơn so với Nghị quyết số 02. Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Ban soạn thảo nghị quyết cần bổ sung thêm những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 02 của nhiệm kỳ qua để phát huy, vấn đề còn tồn tại để khắc phục. Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã góp ý về bố cục, câu từ nhằm tạo tính logic hơn về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được đề ra trong dự thảo nghị quyết; thể hiện rõ hơn nguyên tắc, phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó chú trọng đến việc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.

Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm Nguyễn Trúc Hạnh đề xuất: Cần tiếp tục thực hiện phương châm “tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình”, bởi kết quả mang lại của phương châm này ở nhiệm kỳ qua khả quan.

Cần điều chỉnh quy hoạch cho các xã xây dựng nông thôn mới

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 định hướng đến 2030, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho rằng: Dựa trên những kết quả, hạn chế qua 10 năm xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, chương trình được xây dựng với mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh phát biểu tại hội trường. Ảnh: Trọng Ân

Theo đó, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh có thêm 4 huyện đạt chuẩn NTM gồm các huyện: Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Châu Thành và phấn đấu huyện Bình Đại. Huyện Chợ Lách đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, TP. Bến Tre hoàn thành nâng cao chất lượng tiêu chí NTM. 80% xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên; trong 80% số xã đạt chuẩn NTM, có 40% xã đạt chuẩn NTM nâng cao; mỗi huyện, thành phố có 1 xã NTM  kiểu mẫu. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Để đạt chỉ tiêu đề ra, chương trình đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp và phân kỳ thực hiện theo lộ trình cụ thể cho từng năm. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh: Giai đoạn 2020 - 2025 để có sự đầu tư nguồn vốn cho kết cấu hạ tầng, đặc biệt là năm 2021. Do đây là năm phải tổ chức bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, dẫn đến việc phân bổ nguồn vốn sẽ chậm. Đối với những xã còn tồn chưa được công nhận từ các năm trước, việc bố trí vốn tương đối ổn định. Nhưng với 7 xã đăng ký thực hiện trong năm 2021 đến tháng 8 mới có vốn phân bổ sẽ rất chậm.

Các địa phương khi có kinh phí phải lập hồ sơ, đấu thầu, quyết định trúng thầu sau đó mới triển khai thi công sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu. “Với những khó khăn trên, rất mong các ngành, các địa phương đề xuất giải pháp để có cách phân bổ nguồn kinh phí thực hiện cho 7 xã đăng ký xây dựng xã NTM trong năm 2021 được hoàn thành đúng tiến độ hướng đến thực hiện tốt chỉ tiêu Nghị quyết năm 2021 đề ra” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh đề xuất.

Đến nay tỉnh đã có 51 xã đạt chuẩn NTM. Ảnh: P. Tuyết

Bên cạnh 9 giải pháp được Chương trình xây dựng NTM đưa ra, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cao Minh Đức đề xuất: Cần bổ sung thêm cho giải pháp điều chỉnh quy hoạch các xã NTM. Trong quy hoạch tích hợp 3 nội dung gồm: Quy hoạch hạ tầng, quy hoạch khu dân cư, quy hoạch phát triển sản xuất. Khi điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt thì các xã đạt 14 tiêu chí huyện đưa lên tỉnh xin bổ sung xây dựng xã NTM sẽ được tỉnh phê duyệt ngay, không phải thành lập đoàn đi kiểm tra và trên cơ sở đó sẽ cân đối được nguồn vốn đầu tư.

“Trong điều chỉnh quy hoạch sẽ kết hợp điều chỉnh quy hoạch giao thông. Dự kiến giai đoạn 2020 - 2025 tỉnh sẽ xây dựng 4 huyện NTM, kinh phí đầu tư cho giao thông rất lớn. Xây dựng huyện NTM có 9 tiêu chí trong đó có tiêu chí giao thông. Tiêu chí này huyện phải đạt 100%. Do đó, 5 năm tới, ngân sách tỉnh không có khả năng đầu tư 100%, vì vậy cần phải điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với nguồn lực địa phương” - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cao Minh Đức nhấn mạnh.

Khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lâm Văn Tân cho biết: Đề án phát triển KH&CN có 4 phần chính. Phần những nhận định chung; thực trạng; quan điểm mục tiêu; nhiệm vụ giải pháp; thực hiện. Trong phần thực trạng, ngành KH&CN tham mưu đánh giá tình hình hoạt động KHCN của tỉnh cũng được các cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo và đặc biệt là sự đồng thuận cao trong xã hội. KHCN có nhiều tiến bộ đóng góp của KH&CN thông qua yếu tố năng suất tổng hợp thời gian qua đạt 25%, góp phần tăng tỷ trọng 6,2% trong GRDP của tỉnh.

Đoàn công tác Bộ KH&CN tham quan sản phẩm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tại Techfest Mekong 2020, tổ chức tại Bến Tre. Ảnh: C.Trúc

Tuy nhiên, KH&CN vẫn chưa trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh; doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều; thị trường tiêu thụ các sản phẩm giống mới còn nhiều khó khăn. Trên cơ sở phân tích hạn chế, ngành đã đưa ra định hướng trong thời gian tới, với 7 nhóm nhiệm vụ, trong đó tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức hoạt động KH&CN.

Đề án tập trung nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc xây dựng Trung tâm giống cây trồng và hoa kiểng của tỉnh Bến Tre. Đây cũng là nhiệm vụ công trình số 10 của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Về nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngành tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo hướng ứng dụng chuyển giao, không còn ứng dụng cơ bản.

Các nhóm nhiệm vụ như: Phát triển dịch vụ KH&CN, phát triển thị trường KH&CN và hệ sinh thái đổi mới khởi nghiệp sáng tạo; thông tin truyền thông về KH&CN. Trong đó, sẽ tập trung phát triển không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh; phối hợp liên kết với các thị trường để kết quả hiện tại và ứng dụng vào trong thực tiễn.

Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Nguyễn Quốc Bảo nêu: Cần đề ra chỉ tiêu cụ thể về doanh nghiệp và người dân ứng dụng KH&CN; trọng tâm dồn sức cho KH&CN trong 5 năm tới ở lĩnh vực nào; trong phát triển nông nghiệp gắn với biến đổi khí hậu, cần có đầu tư chương trình nghiên cứu về giống, công nghệ gien giúp đảm bảo phát triển vững chắc cây, con chủ lực của tỉnh nhà.

“Ứng dụng KH&CN là nội dung cần quan tâm. Trong giải pháp cần thêm vai trò của MTTQ, các đoàn thể để huy động toàn thể nhân dân, thanh niên cùng tham gia…” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh nói.

Cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Ngọc Giàu cho biết: Dự thảo Đề án Cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 có 5 phần. Trong phần sự cần thiết xây dựng đề án đã xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2016, công tác CCHC đã được triển khai đồng, thống nhất trong hệ thống chính trị trên địa bàn và đạt được kết quả nhất định.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Ngọc Giàu phát biểu tại hội trường. Ảnh: Phan Hân

Tuy nhiên, kết quả chưa như mong muốn. Về chủ quan và khách quan là do nhận thức, nâng lực của cán bộ công chức; sự quan tâm đồng thuận của các tổ chức, cá nhân và người dân chưa cao. Kết quả CCHC năm vừa qua, tỉnh đứng vị trí cuối bảng trong 63 tỉnh, thành phố cả nước. Do đó, đặt ra vấn đề phải xây dựng đề án để tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến vấn đề CCHC.

Trong dự thảo đề án nêu rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2030. Trong từng mục tiêu đưa ra những chỉ tiêu cụ thể đối với từng nhiệm vụ trọng tâm của công tác CCHC. Tập trung vào các nhiệm vụ lớn như: Cải cách thể chế, cải cách bộ máy, cán bộ, viên chức; cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính… Đồng thời hướng tới thực hiện mô hình chính quyền nông thôn; chính quyền đô thị. Trong đề án đưa ra 8 nhóm giải pháp nhưng giai đoạn hiện nay, chỉ tập trung cải cách thủ tục hành chính; hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh lọt vào top 20 của cả nước.

Góp cho đề án, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Bia cho rằng: Công tác CCHC khối Nhà nước đi trước 1 nhiệm kỳ so bên khối Đảng. Thực tế, trong cơ quan khối Đảng, đoàn thể đi sau, chậm và còn rất lúng túng. Do đó, đề án xác đinh rõ công tác CCHC bên khối Đảng là gì. Nếu quan điểm là đề án tổng thể của hệ thống chính trị trong tỉnh thì cần xác định có mấy mục tiêu để thúc đẩy thực hiện.

Giám đốc Kho bạc tỉnh Cao Cự Nhâm cho biết: Tại Kho bạc tỉnh đã qua giai đoạn CCHC tại bộ phận một cửa và đang phấn đấu mục tiêu kho bạc điện tử 3 không (không có khách hàng giao dịch, không tiền mặt, không chứng từ giấy) và đang đẩy mạnh cổng dịch vụ điện tử. Do đó, đề nghị bổ sung tại mục 2 phần nhiệm vụ về đưa tất cả thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương ra tiếp nhận tại bộ phận một cửa.

Kho bạc tỉnh cải cách tổ chức bộ máy và tinh gọn đã thực hiện 3 năm nay. Đơn vị đã tinh gọn 1/2 số phòng, biên chế giảm xuống 10%. Đồng thời đề nghị, tinh gọn biên chế phải song hành với cải cách tổ chức bộ máy. Bộ máy giảm theo cách 2 người nghỉ hưu, tuyển 1 người thì phải đánh giá lại. Vì như thế, vị trí việc làm không đảm bảo, khi đó tổ chức sẽ bị phá vỡ; kiểm soát nội bộ sẽ ảnh hưởng và rủi ro sẽ tăng cao. Việc tinh gọn bộ máy phải được đánh giá sớm; cải cách tổ chức bộ máy phải song hành với tinh gọn biên chế thì mới sát thực, đảm bảo tổ chức hoạt động hiệu quả.

Q.Hùng - P.Tuyết - C.Trúc - Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN