Nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2021

13/01/2021 - 07:02

BDK - Năm 2021 dự báo tỉnh sẽ tiếp tục đối diện với tác động kép của hạn mặn và dịch Covid-19. Do đó, với tinh thần “Đồng thuận - Sáng tạo”, ngành khoa học và công nghệ sẵn sàng tâm thế hành động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện ngay từ năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Giới thiệu sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chuối cấy mô. Ảnh: Cẩm Trúc

Nhiệm vụ trọng tâm

Nghị quyết số 02-NQ/TU về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của Tỉnh ủy đã nêu những nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học và công nghệ. Tập trung tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò của chuyển đổi số (CĐS) đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường bồi dưỡng, cập nhật thông tin cho cán bộ, lãnh đạo các cấp về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ.

Tăng cường các giải pháp CĐS góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phấn đấu đến cuối năm 2021 đạt tỷ lệ 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, xây dựng 3 trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC và cơ bản hoàn tất CĐS ngành y tế, giáo dục; triển khai trung tâm giám sát an toàn thông tin số, triển khai hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp 2; sớm triển khai các ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, phổ cập kỹ năng số; ứng dụng hiệu quả nền tảng đám mây, hệ thống thông tin điều hành điện tử trong chuyển tải văn bản, quyết liệt triển khai áp dụng mô hình phòng họp không giấy. Triển khai thực hiện các nội dung hợp tác về xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và CĐS giai đoạn 2020 - 2025 với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.

Phát huy nguồn lực, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong tình hình mới. Chủ động xây dựng kế hoạch, đề án CĐS trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương tích hợp vào Đề án CĐS của tỉnh; phát triển các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, doanh nghiệp khởi nghiệp, ĐMST tại địa phương; đầu tư phát triển mô hình khu, cụm dân cư, đô thị thông minh; xây dựng cơ sở pháp lý đẩy nhanh tiến độ CĐS tại địa phương, khai thác sử dụng hiệu quả nền tảng số trong công tác quản lý xã hội tại địa phương, nhất là lĩnh vực giao thông, y tế, an ninh trật tự. Thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin và CĐS tỉnh; tham gia vào chuỗi công viên phần mềm Quang Trung. Phát huy hoạt động của Trung tâm  ĐMST Mekong, gắn với thực hiện các chính sách và hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Tổ chức lại sản xuất, thí điểm hình thành vùng nguyên liệu tập trung cho dừa, lúa, bưởi, cây ăn trái, tôm công nghệ cao... gắn với phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã để hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; trong đó tập trung nâng cấp chuỗi dừa, hoàn thiện chuỗi con bò, con tôm...

Việc làm cụ thể

Sở KH&CN quán triệt tinh thần “Đồng thuận - Sáng tạo” trong thực hiện nhiệm vụ với những công việc cụ thể. Trước hết, xác định rõ CĐS là quá trình và số hóa là đích đến. Sở chủ động số hóa tất cả các hoạt động của ngành tỉnh theo lộ trình phù hợp; số hóa từ trong nội bộ trước, giao dịch bên ngoài số hóa sau; đảm bảo chuẩn hóa, đồng bộ, kết nối thông suốt từ Trung ương đến địa phương và ngược lại; đáp ứng tính phổ cập, tiện ích, dễ sử dụng và tránh lãng phí.

Tổ chức xây dựng các nhiệm vụ KH&CN dưới dạng chương trình, nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn, dài hạn, chuyên sâu và tập trung nhằm giải quyết các vấn đề cốt lõi thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh nhà có hiệu quả với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và cơ chế chính sách thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với tầm nhìn chiến lược và quy hoạch của tỉnh.

Chuyển động và hội tụ tất cả các nguồn lực của xã hội thực hiện nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ, ĐMST trên nền tảng kiến tạo thực tại mới của tỉnh nhà; từng bước thực hiện mô hình đồng tài trợ.

Lựa chọn các giải pháp và công cụ tối ưu nhằm định hình thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh đã được tạo lập nhãn hiệu; định vị các sản phẩm chủ lực của tỉnh tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu; bổ trợ và hoàn chỉnh các phân khúc, các khâu còn thiếu, hay yếu trong từng chuỗi cung ứng toàn thế giới và chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu cho mỗi sản phẩm và từng ngành hàng của địa phương. Thực hiện bằng được việc tăng giá trị gia tăng và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Tập trung nghiên cứu và phát triển nhanh các công nghệ nền tảng; nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ thuộc Danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ vào trong từng sản phẩm, từng ngành, từng cấp, từng tổ chức cơ quan, đoàn thể và trong mỗi một tổ chức kinh tế bất kể loại hình, tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao năng lực, năng suất ĐMST nội tại, chủ động áp dụng cơ chế sandbox, sử dụng và trọng dụng nhân lực KH&CN trong và ngoài tỉnh. Khơi thông hoạt động KH&CN và ĐMST địa phương. Tiếp tục tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy.

Đặng Văn Cử

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN