Nhiệm kỳ Đại hội VI - một chặng đường phát triển

09/06/2010 - 08:15
Họp mặt các thế hệ nhà báo Bến Tre. Ảnh: Thanh Long

Trước thềm nhiệm kỳ mới, nhìn lại chặng đường đã đi qua của hoạt động Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre, của những phong trào báo chí tỉnh nhà là một chặng đường ghi dấu nhiều đổi thay, tiến bộ. Nói như Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bến Tre-Phạm Công Nghiệp, Hội chúng ta đã xóa được “3 không”, tức là đã có trụ sở, có kinh phí hoạt động và có bộ phận chuyên trách; Hội đã dần trở thành “Ngôi nhà chung của những người làm báo cách mạng Bến Tre”.

Vào đầu nhiệm kỳ VI của Hội, Ban Chấp hành Hội được củng cố, có cơ cấu phù hợp, nâng cao sự phối hợp đồng bộ hoạt động giữa Hội Nhà báo với các cơ quan báo chí, thông tấn, văn hóa, văn nghệ nhằm vừa đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan và góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh một cách tốt nhất. Đây là điểm nhấn quan trọng, dấu mốc để tạo nên những kết quả, những tiến bộ vượt bậc trong công tác Hội của cả nhiệm kỳ. Về cơ chế, chính sách, nếu như đầu nhiệm kỳ có Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư Trung ương (Khóa IX) về: Tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới, thì gần cuối nhiệm kỳ, thông báo kết luận số 221 của Ban Bí thư Trung ương về: Tiếp tục nâng cao vai trò, vị trí, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo các cấp làm định hướng cho Hội vận dụng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó là sự quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, những cơ quan báo, đài… và nhiệt tâm của những hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bến Tre đối với công tác Hội. Nhờ vậy, trong nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre đã cơ bản khắc phục được nhiều hạn chế mà những nhiệm kỳ trước đó chưa làm được. Nhận thức về vai trò, vị trí của Hội Nhà báo được rõ ràng, cụ thể hơn; năng lực công tác của cán bộ Hội chuyên nghiệp hơn; bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của hội viên được nâng lên…

Ban Chấp hành Hội Nhà báo (nhiệm kỳ 1999-2004). Ảnh: TL

Sự lớn mạnh, trưởng thành của Hội được thể hiện cụ thể qua số lượng hội viên không ngừng tăng lên, đầu nhiệm kỳ có 137 hội viên thì đến nay số hội viên trong tỉnh là 148; Ban Chấp hành Hội được củng cố, kiện toàn và tăng thêm 2 nhân sự, gồm 11 người, được cơ cấu hợp lý, đảm bảo hoạt động phối hợp hiệu quả. Ban Chấp hành được tăng cường về nhân sự, thành viên, có bố trí bộ phận chuyên trách, nên việc tham mưu, tổ chức các phong trào báo chí trong tỉnh được tiến hành trôi chảy. Hội không những duy trì và phát triển tốt các giải báo chí của tỉnh đã có từ trước mà còn phối hợp với các địa phương, cơ quan tổ chức thành công những giải báo chí mới, phù hợp với chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, đặc điểm tình hình của địa phương, phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân. Những hội thi như vậy đã sàng lọc, chọn lựa được những tác phẩm đạt chất lượng, có giá trị, kịp thời khuyến khích những người cầm bút phát huy tiềm năng, thế mạnh nghề nghiệp và đồng thời hội thi cũng là nơi để nhiều nhà báo khác soi mình, rút tỉa kinh nghiệm, phấn đấu trong hoạt động. Đó cũng chính là một trong những cách để khuyến khích, phát động, hình thành nên phong trào báo chí rộng, mạnh của tỉnh. Qua những giải báo chí này, nhiều tác giả đã nhiều lần đoạt giải, những tác phẩm báo chí đoạt giải ấy là những “liều thuốc” giá trị cho xã hội, thể hiện tính hiệu quả của báo chí trong việc góp phần xây dựng và phát triển quê hương.

Song song với những giải báo chí, sân chơi lành mạnh, tích cực cho những người làm báo là những lớp tập huấn ngắn ngày về nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Từ việc chụp ảnh tốt đến việc viết tin hay, phóng sự hay, gương điển hình hấp dẫn… nhiều phóng viên được tiếp cận, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm qua những người làm báo giỏi được Hội mời về truyền đạt. Tuy chưa chỉn chu như một lớp học, nhưng đó chính là nơi trao đổi chuyện nghiệp vụ một cách thoải mái, dễ tiếp thu và hiệu quả nhất đối với người làm báo. Ngoài chuyện trau dồi nghiệp vụ, Hội còn là nơi tập hợp, rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp, phổ biến những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với công tác báo chí… cho hội viên. Qua đó, ngày càng hình thành trong mỗi nhà báo nhận thức đúng đắn, thái độ tích cực trong hoạt động nghề nghiệp. Suốt 5 năm qua, mỗi kênh thông tin báo, đài, thông tấn trong tỉnh có hằng chục nghàn tác phẩm báo chí được sử dụng, truyền tải thông tin đến người đọc, người nghe, nhưng không xuất hiện những tác phẩm trái chủ trương, lệch định hướng. Đó là những biểu hiện tích cực, đáng được trân trọng, phát huy của những người làm báo Bến Tre-hội viên của Hội. Đạo đức của người làm báo được trui rèn, để nhà báo tác nghiệp trong cơ chế thị trường mà không bị mặt trái của nó lung lạc. Khuynh hướng “Thương mại hóa báo chí” không xuất hiện ở những người cầm bút Bến Tre. Công tác tập hợp và định hướng, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân nhà báo của Hội kết tinh bằng những kết quả đáng trân trọng.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bến Tre-Phạm Công Nghiệp cho biết, điều đáng mừng là thời gian qua không có những sai phạm về nghiệp vụ, xuống cấp về đạo đức của những hội viên, hội viên của Hội vững vàng về chính trị, tư tưởng. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi cũng có những hội viên, nhà báo sớm bằng lòng với hiện tại, thiếu nhiệt tình trong tham gia vào các hoạt động của Hội. Một số hội viên đôi lúc do phải thực hiện chỉ tiêu bài vở của cơ quan, chưa phát hiện những đề tài sáng giá, lao động nghiệp vụ ít được đầu tư để nâng cao chất lượng tác phẩm. Trước nhu cầu ngày càng cao của độc giả, khán giả về chất lượng thông tin, tính nhanh nhạy, kịp thời, chính xác của tác phẩm báo chí đặt ra cho từng cơ quan báo, từng phóng viên những câu hỏi khó. Tính chuyên nghiệp của nhà báo, vấn đề không có gì mới, nhưng lại là một đòi hỏi khắt khe (!). Báo chí chưa phản ánh kịp thời, đúng lúc, liều lượng vừa đủ đối với những sự kiện thời sự, chính trị trong tỉnh, vì thế sẽ rất hạn chế trong việc vận động quần chúng nhân dân hình thành những phong trào hành động rộng mạnh. Việc định hướng, dự báo của báo chí cũng chừng mực, điều này có lẽ do những nhà báo thiếu nghiên cứu, non kinh nghiệm, vốn sống và sự am hiểu còn nhiều hạn chế. Trước những biểu hiện như thế, Hội Nhà báo tỉnh nhà cũng còn lúng túng, chưa xây dựng được nhiều phong trào, hình thức sinh hoạt có sức hấp dẫn, lôi cuốn hội viên tham gia. Cũng theo ông Phạm Công Nghiệp, nhìn nhận được những hạn chế, khiếm khuyết của công tác Hội thời gian qua một cách chính xác để qua đó tập thể những người làm báo tỉnh nhà cùng góp sức suy nghĩ, tìm ra giải pháp khắc phục. Điều này hết sức có ý nghĩa, có giá trị như là một thành công, nó hàm chứa, hứa hẹn những giá trị mới sẽ được mang về trong thời gian tới.

Những kết quả đạt được trên của Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre trong nhiệm kỳ qua, cũng chính là những thành tựu chung của báo chí tỉnh nhà trong chừng ấy thời gian. Sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của các cơ quan báo chí, ngày càng ra mắt bạn đọc những sản phẩm, ấn phẩm báo chí chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả; việc phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân, cầu nối phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến Đảng, chính quyền… Nhìn chung, báo chí tỉnh nhà trong thời gian qua đã làm khá tốt công tác tuyên truyền và cổ động tập thể, xứng đáng để được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy. Báo chí đã góp phần tích cực trong thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, ổn định an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Những nhà báo, những hạt cát được tinh luyện dưới mái nhà chung là Hội đã vươn vai, thể hiện được sức trẻ, sức chiến đấu của mình trên mặt trận thông tin, họ chính là những tinh chất góp phần làm nên sự phát triển vượt bậc của Hội, của phong trào báo chí tỉnh Bến Tre trong thời gian qua.

Mai Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN