Biểu tượng CPTPP và quốc kỳ các quốc gia 11 nước thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Ảnh: Business Korea/TTXVN
Mặc dù có thể sẽ tuyên bố ủng hộ sáng kiến này của Mỹ nhưng chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumio vẫn hy vọng đưa Mỹ quay lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Trung tâm Báo chí nước ngoài Nhật Bản (FPCJ) tối 20-5, ông Noriyuki Shikata, Thư ký nội các phụ trách quan hệ công chúng của Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản, cho rằng việc Nhật Bản tham gia IPEF sẽ không làm giảm kỳ vọng của nước này về việc Mỹ tham gia trở lại CPTPP.
Ông Shikata nói: “Chúng tôi đã được thông báo ở một mức độ nào đó về ý định của Mỹ. Sau khi IPEF được công bố, sẽ cần có thêm các cuộc thảo luận, tham vấn hoặc có thể là đàm phán một cách chi tiết hơn. Theo tôi được biết, IPEF và CPTPP khác nhau. IPEF có thể không phải là hiệp định thương mại tự do truyền thống, vốn bao gồm các vấn đề liên quan tới việc tiếp cận thị trường, giảm hoặc xóa bỏ thuế. Tại thời điểm hiện nay, các vấn đề đó có thể không phải vấn đề trung tâm của IPEF..."
Mặc dù Mỹ vẫn chưa công bố nội dung chi tiết của IPEF nhưng giới phân tích cho rằng đây có thể là một sáng kiến mới của Washington nhằm thúc đẩy hợp tác với các đồng minh và các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong các lĩnh vực như thương mại, kinh tế số, chuỗi cung ứng cũng như đầu tư cho cơ sở hạ tầng chất lượng cao và phi carbon hóa.
TPP là tiền thân của CPTPP. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP vào năm 2017, Nhật Bản đã tiếp tục dẫn dắt tiến trình đàm phán hiệp định thương mại này. Kết quả là năm 2018, 11 thành viên còn lại của TPP đã nhất trí ký kết CPTPP. Cho tới nay, Nhật Bản đã nhiều lần tìm cách đưa Mỹ quay lại CPTPP nhưng chưa thành công.
Nguồn: TTXVN