
Bộ sách gồm 4 quyển: Phương thức sống lành mạnh, Thực hành, Trẻ hóa, Minh họa.
Sách sau khi xuất bản đã gây tiếng vang rất lớn, đến nay đã có hơn 2 triệu bản được bán ra. Bộ sách gồm 4 quyển: Phương thức sống lành mạnh, Thực hành, Trẻ hóa, Minh họa.
Hiromi Shinya sinh năm 1935 tại Fukuoka. Sau khi tốt nghiệp y khoa ở Đại học Juntendo, ông sang Mỹ. Ông là bác sĩ đầu tiên trên thế giới thực hiện đưa thiết bị nội soi, hay còn gọi là phương pháp Shinya vào khám chữa bệnh. Hiện ông là giáo sư chuyên ngành phẫu thuật tại Đại học Y Albert Einstein. Ông là người tạo ra một cuộc cách mạng trong y tế, chăm sóc sức khỏe con người khi khám phá ra “enzyme diệu kỳ” của cơ thể. Bác sĩ lý giải enzyme diệu kỳ chính là enzyme nguyên mẫu của hơn 5 ngàn loại enzyme trong cơ thể, đảm nhiệm các hoạt động duy trì sự sống của con người. Các enzyme cần thiết này hình thành ngay trong tế bào của cơ thể sống và chúng ta còn có thể tự tổng hợp enzyme qua các bữa ăn hàng ngày.
Nhân tố enzyme giới thiệu cho người đọc cách hoạt động của enzyme cũng như sự ảnh hưởng của chúng đến cơ thể chúng ta, những cảnh báo sự nguy hiểm khi tin vào những nhận thức sai lầm về cách ăn uống gây hại cho cơ thể. Ví dụ như việc ăn thịt nhiều không có nghĩa là khỏe mạnh, hay càng uống thuốc dạ dày càng làm cho dạ dày kém đi…
Không chỉ đưa ra những nhận thức sai lầm trong ăn uống, bác sĩ còn chỉ ra các thói quen ảnh hưởng đến cơ thể. Theo bác sĩ Shinya, rượu và thuốc lá chính là thói quen sinh hoạt tồi tệ nhất. Nguyên nhân hai thứ này trở thành hai yếu tố độc hại nhất là chúng có tính gây nghiện rất mạnh, khiến chúng ta phải hút, phải uống mỗi ngày, và làm tiêu hao những enzyme diệu kỳ trong cơ thể.
Hiện tại, ngày càng có nhiều bác sĩ và nhà nghiên cứu công nhận rằng enzyme chính là chìa khóa cho sức khỏe con người. Từ đó, các phương pháp trị liệu enzyme ngày càng được đẩy mạnh. Trong Nhân tố enzyme, bác sĩ Hiromi Shinya đã giới thiệu nhiều phương pháp thực hành cụ thể như: ăn đúng cách, uống nước tốt, bài tiết đúng cách, hô hấp đúng cách, vận động điều độ, ngủ nghỉ hợp lý, cười vui vẻ và cảm nhận hạnh phúc… Các phương pháp sống khỏe này đều có tác dụng bổ sung, kích hoạt và phòng chống tiêu hao enzyme trong cơ thể.
Sau 30 năm dày công nghiên cứu, tác giả nhận định rằng trong cơ thể chúng ta đã khắc sẵn cách sống cho riêng mình. Sinh mệnh của con người được hình thành từ tự nhiên. Do đó, học theo các triết lý của tự nhiên, sinh hoạt điều độ thuận theo tự nhiên chính là cách sống giúp con người đạt đến tuổi thọ tự nhiên của mình.
Giữa thân thể và tinh thần của con người có một mối quan hệ khăng khít bền chặt không thể tách rời. Nếu bạn chỉ làm những việc tốt cho cơ thể hay chỉ làm những việc tốt cho tinh thần thì bạn không thể có được sự trẻ trung thực sự. Con người chỉ có được sự trẻ trung thực sự khi đồng thời thực hiện cả hai việc là trẻ hóa cơ thể và trẻ hóa tâm hồn.
Đặc biệt trong cuốn Nhân tố enzyme, Hiromi Shinya dành một chương nói về “kịch bản của sự sống”. Con người chúng ta nếu không có động lực sống, không có tình yêu thương dành cho người khác và không được người khác yêu thương sẽ chẳng thể hạnh phúc. Và để đạt được điều đó, để có thể sống hạnh phúc chúng ta ít nhiều cần phải “cố sức”, cần phải “hy sinh”. Nếu chỉ muốn ăn toàn những món có lợi cho cơ thể mà từ chối các buổi liên hoan thì chúng ta chẳng thể kết giao bạn bè. Cơ thể dù khỏe mạnh đến đâu nhưng nếu không có bạn bè thì cuộc đời này có còn hạnh phúc. Nếu chỉ vì không tốt cho cơ thể mà không chấp nhận những công việc vất vả hay làm thêm giờ thì bạn chẳng thể đạt được những thành công trong xã hội.
Và lời kết, bác sĩ Hiromi Shinya nhắn gửi chính là: Bạn là bác sĩ tốt nhất của chính mình. Nếu cảm thấy đang cố sức thì bạn nên ráng nghỉ ngơi, trân trọng cơ thể của chính mình. Thân thể là kết quả của cuộc đời đã qua, cách sống, thái độ sống đều thể hiện trên thân thể. Và sau khi đã chú ý đến thân thể, bạn hãy nghe theo “kịch bản của sự sống” và thường xuyên cảm nhận những niềm hạnh phúc trong cuộc đời này. Cho dù có những lúc bạn phải làm việc quá sức thì enzyme diệu kỳ cũng sẽ giúp đỡ bạn.
Qua bộ Nhân tố enzyme, hy vọng người đọc sẽ tìm thấy phương pháp bảo vệ sức khỏe phù hợp với bản thân để có thể duy trì nguồn enzyme tích cực, tránh xa nguồn enzyme tiêu cực để sống vui, sống khỏe hơn.
Bài, ảnh: Huỳnh Anh