Nhân rộng mô hình sản xuất phân hữu cơ bằng hệ thống ASP

17/06/2019 - 07:01

BDK - Hiện nay, để đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp VietGAP, GlobalGAP, hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững, tiêu chuẩn hữu cơ được chú trọng hàng đầu. Việc bón phân hữu cơ để giảm dần lượng phân bón vô cơ đang là con đường mà ngành nông nghiệp tỉnh đang hướng dẫn nông dân thực hành thường xuyên.

Tham quan mô hình điểm ủ phân hữu cơ bằng hệ thống thông khí cưỡng bức ASP. Ảnh: LCASP

Trong khuôn khổ của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, ngành chức năng đã triển khai, hướng dẫn cho nông dân ứng dụng hệ thống thông khí cưỡng bức ASP để sản xuất phân hữu cơ ngay tại hộ gia đình, góp phần xử lý tốt chất thải chăn nuôi.

Ủ phân với khối lượng lớn

Dự án đã hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật vận hành hệ thống thông khí cưỡng bức cho 10 trường hợp ở huyện Mỏ Cày Nam. trong đó, tại xã Phước Hiệp, dự án đã chuyển giao kỹ thuật cho 5 trường hợp gồm 3 nhóm và 2 cá nhân để ủ phân hữu cơ.

Ủ phân hữu cơ bằng hệ thống thông khí cưỡng bức ASP hay còn gọi là phương pháp ủ phân không đảo. Phương pháp này áp dụng hệ thống thiết bị ASP, gồm hệ thống ống khí và quạt ly tâm. Quá trình ủ phân diễn ra chủ yếu giống như phân hủy chất hữu cơ tự nhiên nhưng được tăng cường tối ưu hóa các điều kiện môi trường ủ cho các vi sinh vật hiếu khí hoạt động mạnh hơn bằng cách đưa không khí vào khối ủ. Với phương pháp này, người nông dân không cần đảo trộn khối ủ thường xuyên.

Ông Nguyễn Phương Lâm là thành viên của nhóm ủ phân hữu cơ ở ấp An Khánh 2, xã Phước Hiệp cho biết: “Tiện ích thấy rõ nhất của thiết bị ASP là giúp cho quá trình ủ phân hiệu quả, nhanh chóng hơn, thực hiện với khối lượng lớn, tiết kiệm được sức lao động”. Nhóm ủ phân hữu cơ ấp An Khánh 2, ngoài ông Lâm còn có 4 hộ khác cùng hùn vốn để thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ và được dự án hỗ trợ lắp đặt, chuyển giao công nghệ. Nguồn nguyên liệu chủ yếu để ủ là phân chuồng (dê, bò, gà) thu gom từ các hộ trong nhóm và thu mua của những hộ dân trên địa bàn ấp, cùng tận dụng rác thải hữu cơ từ vót cọng dừa, mụn dừa, vỏ trấu, kết hợp với thành phần vi sinh như kỹ thuật hướng dẫn. Nhóm đã ủ thành công mẻ phân hữu cơ đầu tiên với 2 tấn thành phẩm. số phân thành phẩm này được chia đều cho các hộ tham gia nhóm để bón cho vườn cây, chủ yếu là các loại rau màu ngắn ngày, kiểng, vườn dừa. “Trước đây, chúng tôi cũng có tự trộn, ủ phân hữu cơ nhưng không làm được nhiều. Nay nhờ có thiết bị ASP và kỹ thuật ủ không đảo này, chúng tôi làm được nhiều hơn”, ông Nguyễn Phương Lâm cho biết.

Nhân rộng mô hình

Ông Nguyễn Văn Nhân ở ấp An Khánh 1, xã Phước Hiệp cũng được dự án hỗ trợ thiết bị và thực hiện ủ phân hữu cơ tại nhà. Ông Nhân là thành viên của Tổ hợp tác chăn nuôi dê của ấp An Khánh 1. tại hộ ông cũng có chăn nuôi bò, gà nên tận dụng nguồn phân chuồng hiện có, ông Nhân thu gom thêm phân chuồng từ các hộ thành viên trong tổ hợp tác để ủ phân hữu cơ. Thành phẩm được phân phối lại cho các thành viên trong tổ, trước hết là để bón cho vườn dừa của mỗi hộ.

Anh Nguyễn Văn Tài - công chức nông nghiệp, môi trường xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam cho biết: “Sử dụng hệ thống thông khí cưỡng bức ASP để ủ phân hữu cơ giúp giữ được độ vi lượng trong phân thành phẩm nhiều hơn cách làm truyền thống. Đồng thời, việc thu gom phân chuồng để ủ phân hữu cơ cũng góp phần xử lý có hiệu quả chất thải chăn nuôi trên địa bàn xã”.

Phước Hiệp là xã nông nghiệp với 829ha đất trồng dừa. Năm 2018, Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hiệp thành lập và ký kết hợp đồng tiêu thụ dừa trái với Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới đã đánh dấu bước chuyển đổi mới trong sản xuất và tiêu thụ dừa. Theo yêu cầu của doanh nghiệp, các hộ trồng dừa đã chuyển đổi sang trồng bằng phương pháp hữu cơ, hiện đạt 10ha và doanh nghiệp thu mua theo đúng giá cam kết. Theo chủ trương chung của huyện, xã phấn đấu trong năm 2019 phát triển lên 50ha dừa hữu cơ.

 “Với 5 máy được trang bị trên địa bàn xã như hiện nay là chưa đủ để cung cấp phân hữu cơ cho diện tích dừa hữu cơ của xã. Xã thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu với bà con nông dân về hiệu quả của thiết bị ASP để tiếp tục nhân rộng, đáp ứng nhu cầu thực tế”, anh Nguyễn Văn Tài cho biết.

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN