Nhận diện thực phẩm giả, kém chất lượng

03/04/2019 - 08:31

Thực phẩm đường phố tiềm ẩn không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Ảnh: Trần Quốc

Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) còn khá phổ biến; sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn còn diễn ra. Một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường.

Tháng hành động vì ATTP năm 2019 có chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng cần hiểu rõ như thế nào là “thực phẩm giả”, “thực phẩm kém chất lượng”

1. Một sản phẩm thực phẩm bị cho là kém chất lượng khi:

- Hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn tiêu chuẩn công bố;

- Thành phần các chất không đúng như tiêu chuẩn quy định;

- Thành phần các chất trong thực phẩm có hàm lượng không nằm trong giới hạn cho phép;

- Sản phẩm có chứa thành phần độc hại, chất ô nhiễm gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng;

- Đồ bao gói không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không đảm bảo.

2. Thực phẩm giả là thực phẩm có các dấu hiệu sau:

* Giả về chất lượng và công dụng:

- Sử dụng phụ gia, phẩm màu cấm;

- Chưa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn;

- Thực phẩm kém chất lượng hoặc không đảm bảo chất lượng.

* Giả về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa:

- Giả nhãn hiệu hàng hóa của người khác;

- Giả về kiểu dáng công nghiệp;

- Giả về chỉ dẫn nguồn gốc, xuất xứ nơi sản xuất, nơi đóng gói).

* Giả nhãn hàng hóa:

- Giả nhãn của người khác;

- Chỉ tiêu công bố trên nhãn không phù hợp với chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Sửa chữa, tẩy xóa nội dung trên nhãn.

Với những dấu hiệu nhận biết trên, người tiêu dùng cần lựa chọn kỹ thực phẩm an toàn. Người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng cần biết để sản xuất ra thực phẩn an toàn cho người tiêu dùng.

 Đối với những hành vi cố tình sản xuất, kinh doanh những “thực phẩm giả” hay “thực phẩm kém chất lượng" sẽ bị phạt tiền, tùy theo hành vi vi phạm mà mức phạt tiền tối đa lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 - 12 tháng; buộc tiêu hủy thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.

Mỹ Ngọc - Chi cục ATVSTP

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN