Nhân dân hoan nghênh trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công an và Bộ trưởng Công Thương

15/06/2012 - 08:27

Rất nhiều ý kiến bày tỏ sự hài lòng, đồng tình về các nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang vào ngày 14/6.

Ấn tượng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, PGS. TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) chia sẻ ý kiến: Bộ trưởng đã trả lời rất rõ ràng các vấn đề chính của buổi chất vấn. Các câu trả lời trúng, khiêm tốn, điều đó khẳng định Bộ trưởng nắm rất rõ công việc của ngành.

Trong câu trả lời đầu tiên Bộ trưởng dẫn các số liệu về tình hình tội phạm tại các nước, mặc dù có đại biểu đã “vặn” lại những số liệu đó, nhưng qua câu trả lời cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng và tâm thế sẵn sàng cho phiên chất vấn của Bộ trưởng. “Những trích dẫn Bộ trưởng đưa ra là cần thiết, như thế có thể thấy được bức tranh toàn cảnh, so với tình hình chung các nước, đất nước ta không quá dị biệt. Bộ trưởng Trần Đại Quang đã thể hiện được bản lĩnh của một vị Tư lệnh ngành, có những phản ứng kịp thời, thể hiện năng lực quản lý, bao quát thực sự”, ông Bình nhận định.

Về vấn đề tội phạm công nghệ cao thì ngay từ khi tuyên thệ nhậm chức, Bộ trưởng đã thể hiện sự quan tâm đến vấn đề này, do đó ông Bình cho rằng Bộ trưởng đã trả lời trúng ý.

Các vấn đề thuộc lĩnh vực ngành thì chắc chắn không thể kỳ vọng câu trả lời cụ thể bởi liên quan đến an ninh, bí mật. Bộ trưởng trả lời như thế đã là cụ thể. Phong cách trả lời đúng mực, thỏa mãn được cử tri”, ông Bình nói.

Ông Nguyễn Chiến, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam đánh giá: “Nhìn chung Bộ trưởng đã thẳng thắn, nghiêm túc thừa nhận những hạn chế cũng như tình hình phạm tội trong thời gian qua. Bộ trưởng đã đưa ra nhiều biện pháp tích cực, nghiêm khắc để khắc phục và hạn chế sự gia tăng tội phạm”.

Trước câu hỏi khá thẳng của các đại biểu, ông Chiến cho rằng Bộ trưởng đã có những câu trả lời đi đúng vào trọng tâm.

“Tôi đánh giá cao sự thẳng thắn của Bộ trưởng Trần Đại Quang trong việc thừa nhận có một số Cảnh sát giao thông vi phạm điều lệnh, vi phạm pháp luật, nhận tiền mãi lộ… Bên cạnh đó Bộ trưởng cũng cam kết xử lý triệt để, nghiêm khắc đối với cảnh sát giao thông vi phạm pháp luật”, ông Chiến khẳng định.

Thực tế thời gian qua cho thấy hiện tượng cảnh sát giao thông vi phạm điều lệnh, nhận tiền mãi lộ đã xảy ra trên phạm vi cả nước, đã bị báo chí vào cuộc và bị xử lý kỷ luật. Vì vậy, theo ông Chiến, các biện pháp xử lý mà Bộ trưởng đưa ra như đình chỉ công tác, truy tố, khởi tố đối với Cảnh sát giao thông vi phạm là cần thiết, kịp thời, thể hiện tính nghiêm minh.

Đồng thuận đối với phần trả lời của Bộ trưởng về tình hình tội phạm vị thành niên, Thạc sỹ Bùi Tiến Đạt, giảng viên Khoa Luật, trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng giải quyết tình hình tội phạm vị thành niên không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Công an mà còn cần sự vào cuộc của rất nhiều ngành liên quan, trong đó không thể thiếu phần trách nhiệm của gia đình.

“Ngành Công an sẽ làm tốt công tác tham mưu cho Quốc hội, cho Chính phủ, trình bổ sung các điều khoản còn thiếu trong hệ thống luật pháp nhằm đưa công tác phòng, chống tội phạm vào khung pháp lý, bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn xã hội bảo đảm sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân” ông Đạt mong muốn.

Ngay sau khi theo dõi xong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trần Đại Quang, ông Nguyễn Quang Toàn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội Hải Phòng và ông Đỗ Văn Phao, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh Đắk Lắk đều bày tỏ: Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng đã đáp ứng mối quan tâm của cử tri cả nước. Đặc biệt, Bộ trưởng đã nhận định rất trúng, rất đúng về nguyên nhân gia tăng người nghiện ma túy cũng như cần phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết để đưa người nghiện ma túy vào các Trung tâm cai nghiện vì biện pháp này đã khẳng định hiệu quả rõ rệt đối với người cai nghiện và xã hội.

Tuy nhiên, ông Toàn mong muốn Bộ trưởng quan tâm hơn nữa tới công tác cai nghiện, phục hồi, nhất là khi xu hướng lạm dụng và nghiện ma túy tổng hợp đang gia tăng. Bởi cai nghiện tập trung luôn là biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm một cách có hiệu quả. Việc quan tâm, đầu tư vào các trung tâm cai nghiện sẽ giúp quốc tế hiểu đúng chính sách nhân đạo, nhân quyền của nhà nước ta đối với người cai nghiện ma túy.

Cũng thể hiện sự hài lòng về phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trần Đại Quang, ông Lê Duy Lâm (sỹ quan quân đội về hưu, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, trả lời của Bộ trưởng Trần Đại Quang về những công việc, nhiệm vụ của ngành công an là thuyết phục. Bộ trưởng đã có những nhận định, đánh giá tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội rất đúng mức.

Các chất vấn của đại biểu rất sát với tình hình thực tế tại cơ sở và có những ý kiến đóng góp xác đáng. Trả lời của Bộ trưởng cũng rất khiêm tốn, trúng ý, thuyết phục, đặc biệt về vấn đề đảm bảo an ninh mạng, trật tự an toàn xã hội, về công việc của lực lượng cảnh sát giao thông”, ông Lâm nhận xét.

Có thể khẳng định, lực lượng công an có vai trò đặc biệt quan trọng để bảo vệ bình yên cuộc sống. Mỗi chiến sỹ công an cần đứng trên lập trường là “công an nhân dân” khi thực thi nhiệm vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ nhân dân. Tuy nhiên, trong thực tế, một số nhỏ những cán bộ công an có hành vi không đúng mức đã làm ảnh hưởng đến toàn lực lượng công an, đến hình ảnh chiến sỹ công an trong mắt nhân dân. Nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, cần rất thận trọng khi có sự tham gia của lực lượng công an. Do đó, ông Lâm mong muốn Bộ trưởng sẽ có những biện pháp xử lý thật nghiêm đối với những cá nhân có sai phạm.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, Hà Nội, những nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội đã được Bộ trưởng trả lời ngắn gọn, thẳng thắn đi vào những vấn đề xã hội đang hết sức quan tâm mà thời gian qua ngành Công an và các lực lượng chuyên ngành khác đã triển khai một cách hiệu quả đem lại sự bình yên cho mọi gia đình, ổn định xã hội.

“Nhưng với mức độ gia tăng tội phạm đặc biệt là tội phạm nguy hiểm, tội phạm vị thành niên tôi mong muốn Bộ trưởng sẽ có những biện pháp thiết thực như tập trung bồi dưỡng đội ngũ công an, hiện đại hoá lực lượng cả về trình độ và phương tiện, tập trung đấu tranh một cách triệt để các loại tội phạm. Phải có kế hoạch hết sức cụ thể, chi tiết đối với từng địa bàn ở diện rộng và cả địa bàn hẹp để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra”, ông Hồng nói.

"Thẳng thắn, trách nhiệm trước vấn đề của ngành”

Đánh giá cao trước tinh thần thẳng thắn, nắm chắc tình hình cũng như thể hiện rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, ông Bùi Tất Thắng, Quyền Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng đã đáp ứng được yêu cầu của các chất vấn mà đại biểu Quốc hội đưa ra. “Tuy có những vấn đề không thể giải quyết ngay trước mắt và những người làm chính sách như tôi rất chia sẻ với Bộ trưởng”, ông Thắng bày tỏ.

Ông Thắng đề nghị Bộ Công Thương cần đưa ra các giải pháp tích cực, kịp thời để giải quyết tình trạng độc quyền về  điện và xăng dầu, mà đã gây ra nhiều hệ lụy trong thời gian vừa qua. Theo ông Thắng, nếu tiếp tục kéo dài tình trạng độc quyền thì thị trường thiếu sự cạnh tranh lành mạnh, hạn chế phát triển và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. "Bộ Công Thương đã có lịch trình giải quyết vấn đề này. Tôi mong muốn đối với những Đề án nhằm phá bỏ độc quyền của Bộ sẽ rút ngắn lộ trình để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của xã hội", ông Thắng nói.

Theo ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, phần trả lời của Bộ trưởng khá toàn diện những vấn đề đang thu hút đông đảo dư luận quan tâm. Ông Huynh mong muốn Bộ trưởng sẽ sớm thực hiện được những vấn đề Bộ trưởng đã trả lời trong phiên chất vấn.

Liên quan đến vấn đề tồn kho của các doanh nghiệp, ông Huynh đề

xuất Bộ và các Bộ có liên quan sớm rà soát lại quy hoạch các nhà máy sản xuất xi măng. Nếu tiếp tục thực hiện đầu tư tràn lan, không đúng với nhu cầu như thời gian qua thì đến năm 2020, ngành Xi măng sẽ dư thừa khoảng 20 triệu tấn.

Ông Huynh cũng đưa ra giải pháp hỗ trợ đầu ra cho các doanh nghiệp như đẩy mạnh việc kích cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu để giải quyết hàng tồn kho, hạn chế nhập khẩu ồ ạt. Nên thực hiện rộng rãi Cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Cần yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước, các công trình dùng vốn nhà nước không sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

“Hiện nay, các mặt hàng vật liệu xây dựng xuất khẩu của Việt Nam có chất lượng tốt và được sử dụng ở nhiều nước. Do đó, không có lý do gì các doanh nghiệp trong nước phải sử dụng các vật liệu xây dựng nhập khẩu", ông Huynh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam cũng muốn Bộ đưa chương trình người Việt dùng hàng Việt thành 1 cao trào trong tuyên truyền, cổ súy dùng sản phẩm trong nước một cách cụ thể hơn và phải có chế tài sử dụng vật tư, hàng hóa trong nước, dùng nguồn vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ. “Nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm thời gian qua vẫn còn đứng ngoài các dự án đầu tư trong nước”, ông Thụ chia sẻ.

"Quyết định phát triển một ngành công nghiệp không thể là ý chí chủ quan của Nhà nước mà phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố ngành. Chính vì thế việc tạo điều kiện thực hiện dịch vụ công cần phải được đặc biệt quan tâm và giao cho các tổ chức Hiệp hội ngành hàng đảm nhiệm", ông Thụ kiến nghị.

“Có những nội dung một mình Bộ Công Thương không thể quyết định được, mà cần có sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, nhưng qua phần chất vấn tôi thấy Bộ trưởng đã trả lời được nhiều vấn đề cử tri quan tâm, đề cập đến nhiều ngành có tầm quan trọng. Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn và thể hiện được trách nhiệm của Bộ. Rất mong Bộ trưởng đưa ra những chính sách rõ ràng hơn với các ngành chủ chốt”, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép bày tỏ suy nghĩ về phần trả lời của Bộ trưởng.

Về việc điều chỉnh giá điện mà Bộ trưởng đề cập đến trong phiên chất vấn, ông Cường đồng tình việc điều chỉnh giá điện theo giá thị trường. Tuy nhiên, Bộ cần tính giá điện một cách cụ thể, đầy đủ để ngành thép trên cơ sở này tái cơ cấu, chỉ để  lại những doanh nghiệp sản xuất có hiệu quả và sử dụng công nghệ hiện đại.

Đánh giá cao nhiều công trình thủy điện thời gian qua đã phát huy tác dụng tốt, bổ sung hiệu quả vào tổng sơ đồ phát triển điện lực nói chung, thủy điện còn đóng góp vai trò “điều thủy” cho nhiều lĩnh vực đời sống, tuy nhiên ông Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ cũng cho rằng, nhiều đơn vị tư vấn đã không làm tròn trách nhiệm “đánh giá công khai, minh bạch”, vẫn còn để “lợi ích nhóm” chen vào nên mới có tình trạng đề xuất phê duyệt dự án “tràn lan” hoặc không làm tròn vai trò “điều thủy” mà bây giờ Bộ Công Thương phải rà soát và “đã loại bỏ 52 dự án” như Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề cập đến trong phiên chất vấn.

Do đó, ông Bé khẳng định, cần có quy hoạch xây dựng cụ thể, hợp lý với từng địa phương, từng vùng, đồng thời phải đảm bảo tính bền vững, an toàn và bảo vệ môi trường, kết hợp trồng rừng, tái tạo rừng, chống xói lở, khô hạn, lũ lụt. Đặc biệt, cần chú trọng ổn định đời sống nhân dân tái định cư ở những khu vực xây dựng thủy điện.

“Bộ trưởng có thể giải thích thêm để người dân hiểu rõ và yên tâm hơn về việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Tại sao lại là 30 ngày chứ không phải 15 hay 7 hoặc 3 ngày? Nếu để giá xăng dầu hoàn toàn tự do như nhiều nước khác trong những hoàn cảnh đặc biệt, thậm chí trong 24 giờ, điều chỉnh giá xăng 2-3 lần thì có gì bất lợi…?”, ông Bé suy nghĩ.

Về vấn đề thị trường, theo ông Bé, nếu Bộ trưởng thấy quy định còn bất cập, chưa đầy đủ, gây khó cho việc điều hành thì Bộ Công Thương xem xét, đề xuất với Chính phủ, nếu cần thì trình Quốc hội chỉnh sửa.

Nguồn chimhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN