Hoạt động kỷ niệm Ngày sinh cụ Nguyễn Đình Chiểu tại Di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (Ba Tri).
Tầm ảnh hưởng rộng rãi
Một trong những nội dung để đáp ứng các tiêu chí của UNESCO là sự kiện, nhân vật được đề cử phải có tầm ảnh hưởng rộng rãi, được biết đến cả ở bên ngoài quốc gia đề cử. Nguyễn Đình Chiểu là một nhà VH, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Cụ là tấm gương vượt lên những khó khăn của cuộc sống và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời như tiêu chí của UNESCO. Bên cạnh đó, cụ còn hành nghề Đông y để chữa bệnh cứu người. Thơ văn của cụ đậm tính nhân văn, khích lệ lòng yêu nước, ca ngợi những con người sẵn sàng làm việc nghĩa, vì lợi ích cộng đồng.
Theo GS.TS. Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn học - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chuyên gia tư vấn xây dựng hồ sơ quốc gia danh nhân VH Nguyễn Đình Chiểu, cụ Đồ Chiểu là tấm gương cho những người tàn tật trong khu vực và trên thế giới không khuất phục trước số phận kém may mắn. Mắt cụ bị mù lòa, tự học qua người thân tri thức Nho giáo, tri thức nghề thuốc Đông y để hành nghề. Là một thầy giáo, thầy thuốc dạy người, trị bệnh cứu người, Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng được tôn vinh cho các thế hệ học tập. Tư tưởng học tập suốt đời của UNESCO được người dân các quốc gia trải nghiệm qua tấm gương của cụ.
Qua các nghiên cứu, GS.TS. Nguyễn Chí Bền đúc kết: Trong khu vực Đông Nam Á, Nguyễn Đình Chiểu là một danh y, một thầy thuốc mẫu mực, chăm lo cho người bệnh, đọc cho người nhà chép y lý truyền cho người xung quanh, mặc dù bản thân cần được chăm sóc. Là người trí thức, cụ quan tâm, lo lắng cho vận mệnh của dân tộc. Đất nước có chiến tranh, cụ thương trẻ em, phụ nữ, người già. Mắt mù lòa nhưng cụ có tấm lòng trong sáng, viết chân thực về nỗi đau khổ mà họ phải chịu đựng. Lo lắng cho con người trong thời loạn là thái độ nhân văn cần nêu cao. Thơ văn của cụ không chỉ nổi tiếng trong nước mà cả ngoài nước. Bản dịch tiếng Pháp truyện thơ Lục Vân Tiên đã được công bố gần 60 năm qua, với 5, 6 lần xuất bản khác nhau. Giao lưu VH Việt Nam và Cộng hòa Pháp và cả cộng đồng Pháp ngữ càng sâu sắc hơn.
Tôn vinh danh nhân
Theo thông tin từ ngành chuyên môn, tại phiên họp ngày 23-11-2021, Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 đã thông qua danh sách các “Danh nhân VH và sự kiện lịch sử 2022 - 2023” để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh, năm mất. Hồ sơ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu được thông qua cùng với 58 hồ sơ khác. Đây là sự ghi nhận của quốc tế, của UNESCO đối với những giá trị của dân tộc Việt Nam về VH, lịch sử, truyền thống học tập suốt đời.
Đây là thành quả của sự phối hợp chặt chẽ thời gian qua của UBND tỉnh với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ Ngoại giao VH và UNESCO, Bộ Ngoại giao, các chuyên gia và các nhà khoa học Việt Nam. Hướng đến việc vinh danh danh nhân VH Nguyễn Đình Chiểu, trong năm 2022 sẽ diễn ra 3 hoạt động chính: trưng bày và triển lãm con người, sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu (tại Bến Tre và trưng bày ảo tại trụ sở UNNESCO - Pháp); hội thảo khoa học quốc tế về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh cụ Nguyễn Đình Chiểu vào 1-7-2022.
Lễ kỷ niệm sẽ đóng góp cho mục tiêu phát triển giáo dục và sự ủng hộ lan rộng cho quyền tự do, bình đẳng về giáo dục tới tất cả mọi người và tinh thần học tập suốt đời. Đây là cơ hội để có một cái nhìn sâu sắc về vai trò của các mẫu người VH, người tàn tật vượt qua số phận, tự học để thay đổi cuộc sống của mình, tự lao động để sống cùng cộng đồng. Khơi dậy sự quan tâm mạnh mẽ, khuyến khích các sự kiện, các hoạt động VH cụ thể trên toàn thế giới, thúc đẩy sự quan tâm của các quốc gia với người tàn tật, để họ gắn kết với cộng đồng.
Theo tinh thần chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ, tỉnh tiếp tục thông tin tuyên truyền, truyền thông về danh nhân VH Nguyễn Đình Chiểu, về sự kiện ý nghĩa này. Qua đó, lan tỏa những giá trị VH tốt đẹp đã được thế giới ghi nhận, hun đúc thêm, làm giàu thêm truyền thống VH, đóng góp vào phát triển của tỉnh và cả nước.
Bài, ảnh: Ánh Nguyệt