Nhà nhà có tết

29/01/2009 - 18:00

Nắng ấm đã về, những ngày tết sắp qua nhưng ấn tượng về tết cổ truyền Kỷ Sửu vẫn còn đậm trong đất trời, trong lòng người. Đêm giao thừa Hà Nội rét ngọt, mưa xuân; TPHCM se lạnh trời quang quẻ, theo truyền thống đó là tiết trời thuận hòa báo hiệu một năm an khang, thịnh vượng.

Từ chiều 30 Tết, mọi người đều về đến gia đình, chuẩn bị bữa cơm tất niên xum họp, không còn ai phải lỡ tàu lỡ xe. Đêm giao thừa, 57 tỉnh và thành phố bắn pháo hoa mừng xuân, một sự kiện chưa từng có xưa nay. Trẻ già, trai gái đổ ra đường đón giao thừa, miền ngược cũng như miền xuôi, thành phố cũng như nông thôn. Trên các công trình xây dựng lớn, trong nhà máy, nơi hầm mỏ, những công nhân tình nguyện ở lại làm việc đón tết ngay nơi sản xuất; những cán bộ, công nhân viên đón tết ở cơ quan, công sở; các chiến sĩ nơi hải đảo, biên phòng đón tết ở vị trí sẵn sàng chiến đấu… đều được chăm lo chu đáo. Không chỉ vậy, hầu hết những người ở các trại an dưỡng, các mái ấm dành cho trẻ mồ côi, khuyết tật, các gia đình khó khăn, người cô đơn không nơi nương tựa, vùng đồng bào bị thiên tai… đều có Tết đầm ấm, tương đối đầy đủ. Tuy chưa phải đã có thể bằng lòng nhưng trừ vụ tai nạn đắm đò do bất cẩn ngày 30 tết ở Quảng Trạch, Quảng Bình ra, năm nay cả nước đã được hưởng một tết bình yên, phấn khởi, nhà nhà đều có tết.

Nhà nhà có Tết, người người có Tết là mong muốn và cũng là nhiệm vụ của mọi cấp chính quyền, được nhắc đi nhắc lại mỗi dịp tết cổ truyền. Năm nay, thực hiện điều đó càng trở nên bức bách và quan trọng vì đây là năm có hai sự việc khiến cho việc để nhà nhà có Tết, người người có Tết không dễ dàng. Đối với nông thôn, bão số 10 và những cơn mưa trái vụ ở miền Trung; những đợt rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía Bắc. Đối với thành phố và khu công nghiệp, tình trạng sản xuất đình đốn, người lao động thiếu việc và thất nghiệp có xu hướng tăng lên.

Nhiều chục năm nay, miền Nam chưa khi nào phải chịu các đợt triều cường lớn và miền Trung, kéo dài từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, nhất là Phú Yên có những cơn mưa trái vụ lớn như năm nay. Triều cường đưa nước mặn vào đồng, phá vỡ các đê bao. Mưa to, kéo dài làm hư hỏng các đập, kênh mương thủy lợi, ngập úng 100.000 héc ta lúa đông xuân trong khi thời vụ đã sắp hết, 17.000 héc ta hoa màu hư hỏng; 10.000 gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Mưa còn phá hỏng nhà cửa, hoa màu, đắm tàu thuyền, làm chết người. Đời sống nhiều hộ nông dân rất khó khăn, đặc biệt khi vụ giáp hạt tới. Để kịp thời vụ, phải có khoảng trên 5.000 tấn lúa giống trong khi nguồn cung chưa sẵn sàng. Đây là tình trạng thiếu lúa giống gay gắt nhất trong khoảng 40 năm nay ở miền Trung. Ở miền Bắc, các đợt rét đậm, rét hại kéo dài đang đe dọa đàn gia súc và ảnh hưởng tới vụ đông, vụ đông xuân trên diện tích hàng chục nghìn héc ta. Tình trạng thiếu đói cục bộ đã xảy ra, sức mua của người nông dân giảm hẳn so với các năm trước.

Đời sống công nhân, những người làm công ăn lương cũng gặp nhiều khó khăn hơn mọi năm. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hàng chục ngàn xí nghiệp, doanh nghiệp đang phải sản xuất cầm chừng, nhiều nơi phải tạm thời đóng cửa, cho công nhân nghỉ việc. Đến những ngày giáp tết, cả nước đã có 400.000 người phải nghỉ việc, hàng chục nghìn người khác phải giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên và số người thất nghiệp, thiếu việc còn có xu hướng tăng thêm. Sản phẩm không tiêu thụ được, thiếu việc làm, thu nhập của người lao động giảm rõ rệt, nhiều người ở các khu công nghiệp không về quê vì phải tiết kiệm tiền, một số nhỏ đã phải cầm cố, vay nợ để duy trì cuộc sống. Đời sống người lao động ở thành phố không ổn định sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới mức sống ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Trước những khó khăn đó, trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 9 vừa khép lại hơn 10 ngày trước Tết Kỷ Sửu, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã kêu gọi phấn đấu để mọi nhà, mọi người đều có Tết, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trước mắt của toàn Đảng, toàn dân. Để thực hiện được điều đó, cần quan tâm, tạo điều kiện để những người nghèo, những người vùng có thiên tai, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Bên cạnh đó, mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu tiết kiệm, không sa hoa lãng phí, đi đầu trong công tác xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư là đạo lý, là truyền thống nhân ái Việt Nam và cũng là trách nhiệm của mỗi người. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, với những cố gắng rất lớn, những ngày tết này, các địa phương, đơn vị và mọi người đã có một tết phấn khởi ,bình yên, tiết kiệm. Về quản lý kinh tế-xã hội vĩ mô, giá cả tương đối ổn định, hàng hóa đủ, tuy đang tiềm ẩn những nguy cơ bất thường nhưng từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng không có những biến động lớn, dó là những thành công đáng ghi nhận. Tuy nhiên, không thể không thẳng thắn nhìn vào những hiện tượng không lành mạnh, không đẹp còn khá phổ biến. Mặc dù đã ngăn cấm từ nhiều năm nhưng tệ hối lộ, biếu xén, quà cáp trong ngày tết không giảm, có chiều hướng tăng lên. Tình trạng lãng phí trong ăn, trong chơi, trong sinh hoạt, mua sắm rất lớn. Nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, mê tín dị đoan, rượu chè, ma túy, mại dâm ngay ở nông thôn, vùng sâu vùng xa tăng lên. Tai nạn giao thông, các vụ án hình sự còn nghiêm trọng. Tuy đã hạn chế đáng kể nhưng tệ đốt pháo nổ, đua xe, mất trật tự an ninh vẫn khá nhiều…

Từ những thành tựu và từ việc kiên quyết rút kinh nghiệm, ngăn chặn tiêu cực, hi vọng rằng tết Kỷ Sửu sẽ là đà tốt cho cả năm, cho thành tích chung những năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội 10./.

Nguồn ĐCSVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN