Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang

Nhà khoa học nữ đầu tiên nhận giải thưởng Trần Ðại Nghĩa

06/03/2020 - 08:03

BDK - GS.TS. Nguyễn Thị Lang, sinh tại xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm. Bà xuất thân từ một gia đình làm nghề nông. Đây là một trong những động lực đưa bà đến với việc nghiên cứu khoa học về cây lúa. GS.TS. Nguyễn Thị Lang vinh dự là nhà khoa học nữ đầu tiên nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa do Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam trao tặng năm 2019.

GS.TS Nguyễn Thị Lang cùng sản phẩm gạo do chính bà nghiên cứu, lai tạo từ giống lúa ma được trưng bày tại buổi trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa ngày 17-5-2019.

Nghiên cứu “lúa ma”

GS.TS Nguyễn Thị Lang, sinh ngày 1-1-1957, tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh năm 1979. Sau khi ra trường, bà công tác tại Sở Khoa học Bến Tre (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) 10 năm.

Thật ấn tượng với lý lịch khoa học dài 83 trang của GS.TS. Nguyễn Thị Lang. Bản lý lịch cho thấy, tình yêu của bà đối với cây lúa. Bà là nhà khoa học nữ có 26 năm nghiên cứu về cây lúa. GS.TS. Nguyễn Thị Lang đã từng nói: “Tôi sinh ra trong một gia đình làm nghề nông. Cây lúa luôn gắn bó với cuộc đời và trong sự nghiệp của tôi”. Năm 1994, Nguyễn Thị Lang nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Di truyền chọn giống. Năm 2009, bà được bổ nhiệm chức danh Giáo sư. Hiện GS.TS Nguyễn Thị Lang là Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long (tại TP. Cần Thơ).

Nhiều người vẫn nhắc tên GS.TS. Nguyễn Thị Lang cùng chồng bà là GS.TS. Bùi Chí Bửu - Ủy viên của Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2018 - 2023 và “bảo tàng lúa ma”. Nhà khoa học nữ cho biết: “Thành tựu đột phá cho sự nghiệp của tôi là thành công về nghiên cứu lúa hoang (dân gian gọi là lúa ma), thông qua tạo giống đầu tiên từ nuôi cấy cứu phôi từ cây lúa IR64/Lúa ma, cho ra giống lúa AS996. Lúa ma thành lúa thuần và năng suất cao như AS996 là rất khó nên thành công này gây tiếng vang, nhờ đó quốc tế biết đến”.

Trong 26 năm nghiên cứu khoa học về cây lúa, GS.TS. Nguyễn Thị Lang là tác giả chính của gần 90 giống lúa đã được ứng dụng thực tiễn và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Trong đó, có 30 giống lúa đạt chuẩn xuất khẩu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và đưa vào sản xuất. Nhiều giống trở thành thương hiệu nổi tiếng, như: OM4498, OM2395, OM5629, OM4900, OM7348, OM6161 và OM6600; OM6162, OM7347, OM6677, OM8928 và OM7345. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo sản xuất lương thực bền vững, an ninh lương thực cho cả nước và nâng cao đời sống của người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Phấn đấu không ngừng

Ở góc độ xã hội, GS.TS Nguyễn Thị Lang là một phụ nữ có trình độ và sức đóng góp lớn cho xã hội. Bà tạo được ảnh hưởng trong cộng đồng các nhà khoa học trong nước, quốc tế về lĩnh vực nghiên cứu cây lúa. Trong khi đó, bà còn có bổn phận làm vợ, làm mẹ của hai con. GS.TS Nguyễn Thị Lang chia sẻ: “Biết tổ chức, sắp xếp thời gian lo công việc và giáo dục cho hai con, làm bổn phận làm mẹ, làm vợ. Vợ chồng cùng phấn đấu để cùng phát triển”.

Nói về cảm xúc khi GS.TS. Nguyễn Thị Lang là nhà khoa học nữ đầu tiên nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, bà khiêm tốn: “Chúng tôi không nghĩ rằng đây là phần thưởng của riêng mình. Đây chính là đóng góp chung của nhiều nhà khoa học trong ngành nông nghiệp, với biết bao công trình hợp tác quý báu của các đồng nghiệp. Chúng tôi trân trọng sự hợp tác ấy. Thành tích này thuộc về nhiều thế hệ các nhà khoa học nối tiếp nhau xây dựng và phát triển, trong đó, có người đã không còn nữa”.

Được mệnh danh là giáo sư lội đồng cùng dân, nhà khoa học nữ quê Bến Tre vẫn còn đó những trăn trở về sản xuất nông nghiệp nước nhà. Đó là thách thức vô cùng to lớn khi: Nông nghiệp chiếm 68% tỷ trọng kinh tế nông thôn Việt Nam, đóng góp 79% cơ cấu kinh tế hộ nông dân. Tuy nhiên, năng suất lao động nông nghiệp rất thấp, thu nhập hộ của nông dân tăng rất chậm, dẫn đến sức mua của nông dân thấp. Dân cư nông thôn chiếm 70% dân số cả nước, nhưng chỉ chiếm 29 - 33% tỷ lệ chi phí tiêu dùng xã hội.

Tại diễn đàn trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, GS.TS. Nguyễn Thị Lang đã có bài diễn văn nêu quan điểm: Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp Việt Nam, lộ trình phát triển đến năm 2020, 2030 sẽ phải rất rõ ràng để các nhà khoa học có cơ hội đóng góp nhiều hơn. Mục tiêu quan trọng của ngành là: Nông nghiệp Việt Nam sẽ chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển chiều sâu, trên cơ sở khoa học công nghệ truyền thống kết hợp với công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, từng bước đưa cây lúa đáp ứng cả hai mục tiêu chiến lược là an toàn lương thực và đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước trong hội nhập quốc tế.

Nói về viễn cảnh phát triển nông nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới, GS.TS.  Nguyễn Thị Lang nhấn mạnh: “Trong nông nghiệp, khoa học cây trồng và vật nuôi tuy đạt nhiều thành tựu rực rỡ, nhưng nông dân chắc chắn sẽ đối diện gay gắt với quyền sở hữu trí tuệ, thương mại hóa toàn cầu, sự cạnh tranh không cân sức giữa các nước giàu và nghèo trong chính sách trợ giá nông sản bất hợp lý của nước giàu. Nếu chúng ta không có những hợp tác thực sự, những giải pháp khoa học công nghệ sẽ trở nên vô nghĩa với các giải pháp đơn độc, không mang tính tổng thể, đa ngành”.

Hướng về quê nhà Bến Tre, vào tháng 2-2020, GS.TS Nguyễn Thị Lang có cuộc thảo luận về kết quả trồng khảo nghiệm giống lúa chịu mặn HATRI 200 tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri. Giống lúa mới này do bà nghiên cứu dành làm quà tặng cho Bến Tre trước tình cảnh mặn xâm nhập ngày càng cao. HATRI 200 đang được Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo nghiệm quốc gia. Nếu được Bộ đồng ý thì sẽ đưa vào sản xuất thử. Từ đó, đạt yêu cầu để sản xuất giống. Bà nói: “Giống lúa HATRI 200 là giống lúa thơm dạng hình Japonica (hạt tròn) và năng suất cao lại phù hợp tại Bến Tre, hy vọng Bến Tre yêu thích”.

Năm 2019, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa tôn vinh 4 công trình xuất sắc, trong đó, có công trình “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ đồng bằng sông Cửu Long” của GS.TS. Nguyễn Thị Lang. Giải thưởng Trần Đại Nghĩa là giải thưởng của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu xuất sắc nhất về khoa học tự nhiên và công nghệ; trực tiếp tổ chức, triển khai ứng dụng các kết quả đó để đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN