Nhà cổ Huỳnh Phủ “trở dậy” sau giấc ngủ dài

20/07/2012 - 07:56
Nhà cổ Huỳnh Phủ là một công trình kiến trúc nghệ thuật đẹp, nếu mất đi khó có thể phục hồi.

Nhà cổ Huỳnh Phủ (xã Đại Điền - Thạnh Phú) từ xưa đến nay nổi tiếng bởi kiến trúc xây dựng đặc sắc, công phu, tinh tế và bền chắc, khiến nhiều người khi chiêm ngưỡng phải trầm trồ thán phục trước vẻ đẹp của ngôi nhà và bàn tay khéo léo người thợ xưa.

Hơn một trăm năm tồn tại, nhà cổ Huỳnh Phủ giờ đã nhuốm màu thời gian. Dự án trùng tu ngôi nhà này đang được chuẩn bị khởi công thực hiện với số tiền hàng tỷ đồng. Đây là việc làm mang ý nghĩa nhân văn để vực dậy sức sống và vẻ đẹp của một căn nhà “cao niên”.

Đến với nhà cổ Huỳnh Phủ hẳn nhiều người sẽ rất thắc mắc về vị chủ nhân của ngôi nhà. Ông tên Huỳnh Ngọc Khiêm, theo tài liệu ghi chép, ông là người miền ngoài cùng gia đình di cư vào Nam trên chiếc ghe chèo, lênh đênh trên sông Hàm Luông đến vàm Phú Khánh, nơi có con rạch đi vào làng Đại Điền thì quai chèo nhiều lần bị đứt. Ông nghĩ có lẽ trời muốn mình dừng chân nên quyết định ghé thuyền lên bờ và bắt đầu lập nghiệp. Vùng đất Đại Điền lúc bấy giờ còn hoang sơ, người thì vắng mà cây cối lại rậm rạp với nhiều thú dữ nhưng cũng là nơi đất đai màu mỡ. Với quyết tâm thay đổi cuộc sống, ông và các con không quản khó nhọc, đã cùng với các cư dân ở đây khai khẩn đất hoang, biến ruộng thành vườn trồng trọt, cày cấy… Nhờ có sức khỏe, thông minh, nhanh nhẹn, cần cù, biết tính toán, trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” ông Huỳnh Ngọc Khiêm dần trở nên giàu có, mua thêm nhiều ruộng đất và xây dựng cơ ngơi. Ròng rã 10 năm trời mới xây xong căn nhà. Về qui mô, “căn nhà lớn” bao gồm: sáu ngôi nhà: một nhà chính là nơi thờ cúng và nghỉ ngơi của ông bà Huỳnh Ngọc Khiêm, cùng với năm ngôi nhà phụ được bố trí hai bên và phía sau để làm nơi sinh hoạt, nhà kho, nhà xay lúa, nhà cầu (nhà nối giữa hai gian nhà thường không có vách ngăn). Tất cả được xây dựng trong khuôn viên gần 1ha, có hàng rào bao bọc và cổng vào. Hàng rào bên dưới là đá xanh, bên trên là song sắt. Phía trước nhà là sân kiểng và hồ nước, ngoài ra còn có các cột gắn bóng đèn tròn vừa trang trí vừa để thắp sáng. Điều này càng chứng tỏ sự giàu có của ông Khiêm khi mà vào thời điểm đó người dân chỉ sử dụng đèn dầu lấy từ trái mù u hoặc dầu dừa, thì nhà ông Khiêm lại có máy nổ cung cấp điện sinh hoạt trong gia đình. Đến nay vẫn còn các móc treo bóng đèn nằm rải rác trên các đòn tay, cổng hàng rào và các ngôi nhà phụ đã bị hư hỏng hoàn toàn, dấu tích còn lại chỉ là những thềm đá.

Mang trên mình những vết tích của thời gian, ngôi nhà hiện đang xuống cấp. Vách tường nhiều chỗ loang lổ, rớt mất lớp vữa. Xà nhà bằng gỗ được chạm trổ khéo léo cũng đang mục nát, bị ong đục khoét. Vào sâu trong căn nhà, một không khí vắng lặng, tĩnh mịch bao trùm, tôi cảm giác như mình đang đi lạc về một thời quá khứ xa xôi nào đó. Từ trong nhìn ra ngoài, ánh sáng hắt vào, lộ rõ khung cửa bị rơi rụng mất nhiều song chắn. Thời gian đã làm biến đổi rất nhiều thứ trong gia tộc họ Huỳnh, trong đó có ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ. Con cháu đời thứ 7 mang họ Huỳnh vẫn một lòng gìn giữ ngôi nhà và những vật dụng bên trong như là của báu. Anh Huỳnh Ngọc Thu - người trông coi di sản của gia tộc nói rằng: Cuộc sống dù có khó khăn nhưng chúng tôi quyết tâm giữ gìn vì muốn con cháu đời sau biết về ông tổ Huỳnh Ngọc Khiêm đã nhờ cần cù mà được giàu có, ông lại là người biết tính toán và có óc thẩm mỹ.

Trước một vẻ đẹp đang dần xuống cấp theo thời gian nhưng vẫn còn lưu giữ bao “hương hoa” tài nghệ, tôi rất ngạc nhiên và thích thú vì tay nghề của người thợ mộc xưa mới đáng nể làm sao! Hiện nay, nghề mộc được cơ khí hóa với nhiều loại máy như máy chà làm nhẵn, máy cưa cầm tay, máy tiện… thay cho việc bào bằng tay rất lâu, chà xả thủ công vừa cực lại tốn thời gian, với máy tiện người ta chỉ cần cho thanh gỗ vào và chỉnh kích cỡ như ý muốn rồi lia máy. Vậy mà cách đây hơn một trăm năm, những người thợ làm nhà cổ Huỳnh Phủ đã thực hiện rất nhiều tiểu tiết như cưa, tiện, chà nhẵn từng mảnh gỗ nhỏ và hết thảy chúng đều thật tinh xảo. Còn với nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ, trước đây, tôi đã từng thấy hoa cúc được người ta chạm trổ trên nhiều vật dụng, nếu nét chạm trổ thanh tao thì vật dụng sẽ đẹp vì được khoác lên mình chiếc áo sắc sảo, còn nếu người thợ vụng thì trông món đồ thật thô kệch. Ở nhà cổ Huỳnh Phủ, cả một cây hoa cúc được chạm lộng trên vách gỗ, có thể nói chúng không chỉ đẹp mà còn thật sống động và có hồn. Tôi tự hỏi, sao người xưa làm được như thế? Óc quan sát và khả năng thẩm mỹ phải chăng thật tuyệt vời? Ba gian thờ giữa là nơi trang trọng nhất của ngôi nhà nên tất cả hoa văn, câu chữ trang trí đều được sơn son thếp vàng hoặc cẩn xà cừ, lớp sơn thếp bên ngoài hiện đang bị phai mất, một số xà cừ cẩn cũng đã bong tróc.

Trước một di tích văn hóa cấp quốc gia đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp, Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản thỏa thuận thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích Nhà cổ Huỳnh Phủ và khu mộ bao gồm các hạng mục: tu bổ nhà cổ Huỳnh Phủ, nhà ở của chủ nhà, miếu thờ ngoài trời, giếng cổ; phục hồi đồ nội thất; tôn tạo sân vườn tổng thể; xây dựng cổng chính, cổng phụ, bình phong, nhà khách, nhà vệ sinh, bếp, tường rào, hạ tầng kỹ thuật và tu bổ tôn tạo khu mộ. Một số vấn đề Cục Di sản văn hóa lưu ý là: Cần thành lập Hội đồng Phân loại, đánh giá cấu kiện nhằm lựa chọn, tái sử dụng các cấu kiện có giá trị nghệ thuật, cấu kiện có chữ chỉ định niên đại di tích, các chân tảng... trang trí mái và các cấu kiện còn khả năng sử dụng, theo nguyên tắc giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích. Đối với các đồ nội thất (câu đối, hoành phi) cần áp dụng phương pháp sơn thếp cổ truyền, đánh giá độ bong tróc từng hiện vật để đề xuất phương án xử lý cụ thể, không sơn thếp mới toàn bộ. Cần bổ sung thiết kế bình phong và phương án bó vỉa, cắm bia biển giới thiệu nền móng các hạng mục phụ trợ đã từng tồn tại trong khuôn viên nhà cổ. Hiện, Trung ương đã rót về 3 tỷ đồng để thực hiện một số công việc trên.

Mặc dù được xây dựng cách đây hơn một trăm năm, nhà cổ Huỳnh Phủ vẫn không bị xem là lỗi thời, lạc hậu. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật đẹp, thuộc dạng quí hiếm, nếu mất đi khó có thể phục hồi. Hy vọng rằng, trong thời gian không xa, nhà cổ Huỳnh Phủ sẽ “trở dậy” sau một đêm dài ngủ vùi với một diện mạo khang trang như thuở nào, cho người đời sau chiêm ngưỡng.

Bài, ảnh: T.Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN