Nhà cổ Đại Điền - thời gian không chờ đợi

19/03/2010 - 08:35
Nhà cổ Đại Điền. Ảnh: PLHH

Quê ngoại tôi ở làng Giồng Luông (nay là xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú), nơi có ngôi nhà cổ nổi tiếng của cụ Hương Liêm (tên thật Huỳnh Ngọc Khiêm). Cách đây gần 30 năm, một trong những bài báo đầu tiên tôi viết là ngôi nhà cổ độc đáo này, để đánh động nhà cổ đang xuống cấp, cần thiết kêu gọi một tổ chức nào đó góp sức trùng tu.

Ngôi nhà cổ của cụ Hương Liêm cất theo hình chữ nhật, chu vi khoảng 100m, gồm tất cả 48 cột bằng gỗ lim và căm xe quí, được bố trí:8 x 6. Cột chính cao 4,5m, mỗi cột to hơn 6 gang tay (chu vi hơn 1,2m), có chạm khắc, cẩn chữ Nho, hoa văn bằng ốc xa cừ. Tất cả cột, kèo, xiên... được đục, gắn kết nhau liền lạc. Hoành phi sơn son thếp vàng với bốn chữ: hiếu, để, trung, tín. Thành vọng chạm, lọng, với những họa tiết phong cảnh, vật “tứ linh” thật sống động. Nền nhà xây dựng cũng thật đặc biệt. Nền cao 1m, viền bọc nền là những thớt đá xanh dài khoảng 2-3m, được đục và gắn kết với nhau liền mặt bao quanh hết nền nhà…

Năm 1973, khi tôi lần đầu tiên ra cố đô Huế, vào tham quan thành nội, tôi nhận ra ngôi nhà cổ của cụ Hương Liêm ở quê nhà có nét kiến trúc nghệ thuật chẳng khác nơi đây. Năm 1985, tôi tìm đến ba ngôi nhà cổ có hạng ở miền Tây, đó là Dương phủ tại Bình Thủy (Cần Thơ), Trần phủ tại thị xã Rạch Giá (Kiên Giang) và ngôi nhà cổ của Đốc phủ Hải thị xã Gò Công (Tiền Giang); tôi có một so sánh là ngôi nhà của cụ Hương Liêm được xây dựng công phu hơn cả, nhất là phần nội thất.

 Lúc còn sống (cách đây 5 năm), có lần ông Huỳnh Ngọc Chất (cháu 5 đời của cụ Hương Liêm) nói với tôi: “Do chiến tranh, thời gian chồng chất, làm sao ngôi nhà không khỏi xuống cấp so với nguyên bản. Phần khác, gia đình chúng tôi, những người đang trực tiếp gìn giữ, thờ phụng ông bà ở ngôi nhà, cuộc sống luôn gặp khó khăn, thành ra..”.

Từ năm 2002, nhà cổ Đại Điền được Bộ Văn hóa – Thông tin “bật đèn xanh”  lập hồ sơ để Bộ công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Giám đốc Bảo tàng Bến Tre Nguyễn Chí Hiếu cho biết: “Trước khi bắt tay vào làm hồ sơ khoa học cho nhà cổ, để giữ cho ngôi nhà bớt xuống cấp, Bảo tàng tỉnh đã cử chuyên viên đến nhà cổ phun xịt thuốc chống mối mọt. Có điều, khi bàn thảo với gia đình việc lập hồ sơ và các yêu cầu để trùng tu ngôi nhà thì có vài thành viên trong dòng tộc Huỳnh phủ chưa thống nhất nên mọi việc phải tạm dừng lại. Đến ngày 23-2-2005, đại diện Sở Văn hóa – Thông tin, Bảo tàng tỉnh, UBND huyện Thạnh Phú, UBND xã Đại Điền và đại diện dòng tộc của ngôi nhà lại gặp nhau, cùng bàn bạc và cuối cùng mới đi đến thống nhất chung trong việc lập hồ sơ khoa học để ngôi nhà được công nhận di tích”... Ông Nguyễn Chí Hiếu giải thích, muốn trùng tu ngôi nhà này phải đầu tư nhiều tỷ đồng. Vì vậy, để có thể kêu gọi một tổ chức nào đó đóng góp đầu tư thì thiết yếu nhà cổ Đại Điền phải được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia...

Đầu năm 2006, ông Hiếu cho tôi biết mọi yêu cầu của hồ sơ xem như hoàn tất, chỉ còn chờ phần vẽ chi tiết nội thất ngôi nhà. Song, từ đó đến nay đã hơn bốn năm, hồ sơ vẫn chưa hoàn tất để chuyển ra Bộ VH –TT& DL thẩm định vì phần vẽ nội thất chưa xong và cũng chưa biết đến bao giờ mới xong!

Khi cầu Hàm Luông hoàn thành, đường về huyện Thạnh Phú để đến xã Đại Điền xe sẽ bon bon một mạch, rất tiện lợi cho du khách đến tham quan, tìm hiểu ngôi nhà cổ độc đáo này - một vốn quý của ngành du lịch tỉnh nhà. Có điều, thời gian sẽ không còn kiên nhẫn nữa bởi ngôi nhà đang tiếp tục xuống cấp trầm trọng! Giữa cuộc sống đương đại, nhiều công trình kiến trúc cổ đã, đang mất dần. Cần phải bảo tồn, gìn giữ ngôi nhà cổ Đại Điền để con cháu chúng ta biết về những ngôi nhà cổ ngày xưa cùng nét tác tạo tài hoa của những người thợ cung đình trứ danh vào thế kỷ 19 là việc cần thiết phải làm.

Ba Cù Lao

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN