Nguyễn Đình Chiểu sáng mãi trong lòng thế hệ hôm nay

30/06/2022 - 18:29

BDK - Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu là người Nam Bộ đầu tiên trong số 6 danh nhân Việt Nam đã được UNESCO tôn vinh. Các thế hệ hôm nay, có người chỉ biết cụ qua lời kể, truyền miệng, thơ, văn nhưng đều thể hiện niềm tự hào, sự ngưỡng mộ, yêu mến, cảm phục về đức và tài của nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc mẫu mực. Đạo nghĩa ở đời, giá trị đạo lý, đạo đức của cụ đã lan tỏa đến tất cả mọi người.

Một phân cảnh trong vở diễn “Trái tim và đôi mắt” ca ngợi nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Trung Hiếu

Chị Lâm Như Quỳnh - Bí thư Tỉnh đoàn

Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu là một trong những tượng đài, ngôi sao sáng, tấm gương của tuổi trẻ Bến Tre. 200 năm qua, tượng đài ấy vẫn hiên ngang. Ngôi sao sáng ấy càng rực rỡ trong lòng nhân dân, tuổi trẻ Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung. Qua các tác phẩm để đời, Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã cho thấy phong cách và đạo đức của mình bằng ngòi bút sắc bén, từ ngữ tinh tế, trau chuốt. Cụ là một nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc mẫu mực. Cụ không giữ lại riêng mình một lòng yêu nước, thương dân sắt son, nguyên vẹn mà lan tỏa đến tất cả mọi người đạo nghĩa ở đời, những giá trị đạo lý, đạo đức trong cuộc sống. Ẩn dụ bằng nhân vật Lục Vân Tiên, cuộc đời cụ Đồ Chiểu đầy truân chuyên, sóng gió ngay khi còn trẻ.

 Càng tìm hiểu về thân thế và tác phẩm của cụ, những nét đẹp về nhân cách càng thôi thúc thanh niên sống có hoài bão, trách nhiệm với bản thân, gia đình và đất nước. Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu không chỉ hướng thanh niên đến việc rèn luyện thân thể để có sức khỏe đủ đương đầu với những thách thức, giông bão trong cuộc đời, mà còn phải biết chú trọng các giá trị đạo đức chuẩn mực, lễ nghi, gia giáo. Đồng thời, gửi gắm tư tưởng về bậc trượng phu dù ở thời đại nào, không chỉ cần có tài mà phải có cả đức. Noi theo ngọn đuốc của cụ, bản thân tôi, các bạn trẻ càng thêm tự tin chinh phục những thành công mới trong thời kỳ hội nhập.

Ông Lê Văn Năm - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Bến Tre

Từ tấm gương của cụ Nguyễn Đình Chiểu, mặc dù đôi mắt mù lòa nhưng vẫn làm được nhiều việc cống hiến cho xã hội, tôi được tiếp thêm động lực để tham gia vào Hội Người mù năm 37 tuổi.

Năm 20 tuổi, tôi bị thương ở chiến trường huyện Bình Đại, khi đang gỡ mìn. Vết thương ở cánh tay, vùng ngực và vĩnh viễn lấy đi đôi mắt. Tôi ở an dưỡng cho tới ngày tiếp quản rồi trở về quê hương xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri và được gia đình tạo điều kiện cho lập gia đình. Năm 37 tuổi, chính quyền tại huyện Ba Tri đã tìm đến nhà động viên tôi tham gia vào Hội Người mù. Lúc ấy, tôi rất băn khoăn một phần vì công việc mới mẻ, lại thêm gánh nặng gia đình, nên chỉ muốn được an yên bên người thân.

Được chính quyền địa phương nhắc nhớ về tấm gương cụ Nguyễn Đình Chiểu, dù bị mù mắt nhưng khi về làng An Đức, huyện Ba Tri, cụ  dạy học, bốc thuốc và làm thơ. Tấm lòng cao cả của cụ khiến nhân dân khắp nơi cảm phục và thôi thúc tinh thần tôi phải làm điều gì đó có ích. Ngày 18-5-1994, tôi tham gia Hội Người mù huyện Ba Tri với vai trò Chủ tịch hội. 10 năm sau, vào năm 2004, tôi được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội Người mù tỉnh và giữ chức vụ này cho đến nay.

Cô Trương Thị Ngọc Vân - Phường 4, TP. Bến Tre

Dịp kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, người dân Bến Tre cùng nhau tưởng nhớ và bày tỏ sự tôn kính đối với Cụ Đồ. Sinh thời, cụ đã chọn làng An Đức, huyện Ba Tri để sinh sống trong những năm cuối đời. Tôi rất tự hào vì quê hương Bến Tre của mình đã gìn giữ phần mộ của cụ và là nơi tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của cụ.
Tôi là người dân ở Phường 4, TP. Bến Tre, để tỏ lòng kính phục trước nhân cách cao đẹp của Cụ Đồ, tôi và chị em trong Tổ Phụ nữ nhân ái Phường 4 đã may mền chuẩn bị cho chuyến về nguồn tại xã An Đức.
Chị em phụ nữ Phường 4 đã tỉ mẩn may mền tranh bản đồ Việt Nam, gửi gắm vào đó nhiều tình cảm hướng về quê hương An Đức - nơi cụ Đồ Chiểu đang yên nghỉ. Chiếc mền tranh được may trong 3 tháng, dùng làm phương tiện trực quan, phục vụ công tác giảng dạy cho học sinh tiểu học.
Chuyến về nguồn này do Tổ Phụ nữ nhân ái Phường 4 tổ chức sẽ trao chiếc mền tranh bản đồ Việt Nam cho Trường Tiểu học An Đức. Đồng thời, trao 50 chiếc mền được chị em phụ nữ may từ vải vụn, cùng với tiền mặt và nhu yếu phẩm cho gia đình chính sách, học sinh hiếu học tại xã An Đức.

ThS Bùi Hữu Nghĩa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tôi tự hào khi được sinh ra trên vùng đất học Ba Tri - một miền quê giàu truyền thống yêu nước và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa. Đặc biệt, mảnh đất Ba Tri còn là nơi được nhà thơ yêu nước, nhà giáo, thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu chọn làm nơi tị địa, gắn bó cho đến khi an nghỉ cuối cùng.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, tôi về tỉnh công tác và làm việc tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhiều năm qua. Những công việc chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa đã tạo cho tôi nhiều cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu thông qua các hoạt động như: Ngày truyền thống Văn hóa tỉnh do đơn vị tổ chức hoặc tháp tùng cùng các đoàn chuyên gia văn hóa điền dã Nói thơ Vân Tiên tại huyện Ba Tri. Đặc biệt, kể từ khi Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO tôn vinh, tôi được trực tiếp tham gia công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động và lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Tôi đã cố gắng đầu tư, nghiên cứu để phục vụ công tác tham mưu, giúp việc các nội dung liên quan cho Ban tổ chức.

Trên mảnh đất Bến Tre, những giá trị tinh thần tốt đẹp mà Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu để lại đã thấm sâu vào tư tưởng và ảnh hưởng đến hành động của mỗi người. Nổi bật nhất đó là tư tưởng gần dân, thương dân. Chính vì thương dân, ngoài làm thầy giáo, sáng tác thơ văn, cụ còn hành nghề y (Đông y) bốc thuốc trị bệnh cho dân nghèo và xây dựng hình tượng người nông dân tuyệt mỹ qua các bài văn tế.

Tự hào là người con của Ba Tri, bản thân tôi sẽ tiếp tục phấ́n đấ́u cùng tập thể đơn vị̣ hoàn thà̀nh tốt nhiệm vụ̣ trong công tác chuyên môn bằng cá́c việc làm cụ thể như: Tổ chức các lớp truyền dạy Nó́i thơ Vân Tiên, các hoạt độ̣ng hội thi, liên hoan trong Ngày hội truyền thố́ng Văn hóa… Có như vậy, những giá trị tinh thần tốt đẹp củ̉a Danh nhân Nguyễn Đì̀nh Chiểu sẽ được lan tỏa mạ̣nh mẽ trong giai đoạn hiện tạ̣i và tương lai trên quê hương xứ Dừa.

T. Đồng - T. Thảo - Á. Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN