Nguyễn Đình Chiểu - Những giá trị văn hóa, tinh thần vượt thời gian

31/08/2020 - 07:03

BDK - Ngày 4-9-2020, Tỉnh ủy sẽ tổ chức Hội thảo khoa học về Hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách tổ chức kỷ niệm vào năm 2022 nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1-7-1822 - 1-7-2022). Đây là một sự kiện quan trọng, khẳng định những giá trị văn hóa vượt thời gian và có dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Việt Nam và thế giới.

Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Ánh Nguyệt

Ý nghĩa của lần hội thảo này

Trước đó, kỷ niệm 198 năm Ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu ngày 30-6-2020, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì phối hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật (VH-NT) Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) và Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tổ chức buổi tọa đàm “Hướng tới kỷ niệm 200 năm Ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 2020)”.

Tọa đàm là cơ sở để có các văn bản làm hồ sơ đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng cho chủ trương tổ chức kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu cấp quốc gia vào năm 2022. Đặc biệt, qua cuộc tọa đàm này là cơ sở tổng hợp hồ sơ để đưa cụ Đồ là một danh nhân để Tổ chức UNESCO tổ chức kỷ niệm nhân dịp 200 năm Ngày sinh của cụ vào năm 2022.

Dự kiến ngày 4-9-2020, hội thảo được tổ chức với mục đích tiếp tục làm sáng tỏ những giá trị cống hiến của cụ Đồ Chiểu, thông tin các vấn đề về hồ sơ danh nhân Nguyễn Đình Chiểu theo mẫu quy định của UNESCO. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Qua đó, làm cơ sở cho việc xây dựng, hoàn chỉnh hồ sơ chính thức, phiên dịch sang tiếng Anh trình UNESCO đảm bảo thời gian quy định (tháng 11- 2020).

Thông tin từ ban tổ chức, có các tham luận được đầu tư, nghiên cứu trên cơ sở tư liệu lịch sử, các công trình nghiên cứu về cụ Nguyễn Đình Chiểu; cũng như khẳng định việc UNESCO kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu là phù hợp về thời gian và cần thiết. Thường trực Tỉnh ủy sẽ chủ trì cuộc hội thảo quan trọng cùng tham gia có các lãnh đạo lĩnh vực văn hóa và nhiều nhà nghiên cứu có kinh nghiệm đến từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nội dung chính của hội thảo sẽ có phần báo cáo “Hồ sơ danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, trình UNESCO kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu”; các đại biểu sẽ thảo luận, góp ý xây dựng báo cáo, phản biện và ý kiến tiếp thu của diễn giả.

Giá trị văn hóa của Cụ Đồ

Các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã có cùng nhận định, Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc mà còn là một nhà văn hóa lớn - một nhân cách văn hóa lớn, một tấm gương vượt lên số phận nghiệt ngã, trung với nước, hiếu với dân. Những đóng góp của cụ đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân, các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học qua nhiều thế hệ, đều có những nhận định và đánh giá cao.

GS.TS. Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện VH-NT Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTT&DL) chia sẻ: Với sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, hơn 150 năm qua đã được các cấp quan tâm xuất bản, nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Các thế hệ, các nhà nghiên cứu văn học, sử học, văn hóa học… đã tiếp cận các sáng tác văn chương của cụ. Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho đời sự nghiệp văn thơ đồ sộ, với nhiều tác phẩm lớn, trong đó tiêu biểu là tác phẩm Lục Vân Tiên. Phần lớn, tác phẩm của ông đều là thơ lục bát, trong đó có 37 bài văn tế, điếu. Một trong những tác phẩm nổi tiếng như tác phẩm Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc.

GS.TS. Nguyễn Chí Bền đã nhắc lại, trong cuộc đời cụ đã từng gặp gỡ, bày mưu kế cho những người yêu nước như Trương Công Định, Phan Ngọc Tòng… đánh quân Pháp xâm lược và chẳng may khi họ ngã xuống, cụ dành tấm lòng mình viết những áng hùng văn tạc họ vào lịch sử ngàn đời. “Với việc làm thầy thuốc và làm thầy giáo là lựa chọn của Nguyễn Đình Chiểu. Lựa chọn ấy đặt ra bao thách thức cho một người bình thường, càng gay gắt cho một thầy thuốc, một thầy giáo mù lòa, dang dở công danh. Cụ đã vượt qua thử thách nghiệt ngã của số phận đầy đau thương, biến cố cho đến cuối cuộc đời. Trọng đạo lý, yêu ghét rõ ràng, không màng danh lợi, đó là phẩm chất của nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Chiểu”, GS.TS. Nguyễn Chí Bền nhận định.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng đã thống nhất với các nội dung của các công trình nghiên cứu về tầm ảnh hưởng của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, khẳng định thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần bồi đắp thêm tâm hồn dân tộc, nâng vị trí văn học miền Nam lên ngang tầm văn học cả nước. Bến Tre là nơi được ông chọn để sống, hoạt động trong suốt 26 năm cuối đời. Cuộc đời, khí tiết và sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu đã thấm sâu và có tầm ảnh hưởng lớn đến tâm hồn của nhiều thế hệ người dân Việt Nam nói chung và nhân dân Nam Bộ nói riêng.

Theo TS. Olivier - Giám đốc Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại TP. Hồ Chí Minh: Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng được UNESCO vinh danh ở tầm thế giới nhân 200 năm Ngày sinh của cụ. Bến Tre cần gấp rút làm công việc này. Với nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng, cách nay 40 năm, ngày 8-3-1980 đã có thư gửi Viện trưởng Viện Văn học lúc bấy giờ (nhà thơ Hoàng Trung Thông) nhắc lại cuộc gặp của bà với Viện trưởng ngày 4-12-1979 về vấn đề đưa Nguyễn Đình Chiểu lên hàng danh nhân thế giới và kiến nghị l cho triển khai một chương trình cụ thể tôn vinh Nguyễn Đình Chiểu ở tầm thế giới.

Với những nhận định của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những cống hiến của cụ Đồ Chiểu là cơ sở để đề nghị Trung ương đưa kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của cụ vào một trong các ngày kỷ niệm cấp Nhà nước vào năm 2022, được tổ chức tại tỉnh. Đồng thời, tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xúc tiến xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị đưa Nguyễn Đình Chiểu là một trong những nhân vật do UNESCO tổ chức kỷ niệm, nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của cụ vào năm 2022.

A.Nguyệt - P.V. Luân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN