Hoạt động nghệ thuật trong Ngày hội truyền thống Văn hóa năm 2017. Ảnh: A. Nguyệt
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 196 năm ngày sinh, 130 năm ngày mất của cụ Nguyễn Đình Chiểu, cùng lúc với kỷ niệm lần thứ 26 Ngày hội truyền thống Văn hóa tỉnh nhà (1-7-2018). Nhớ đến cụ Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta nhớ đến một danh nhân văn hóa lớn của Việt Nam, một nhà thơ lớn yêu nước, một nhà giáo mẫu mực, một lương y có tài, một vị thiên sứ đạo đức nổi tiếng với câu tuyên ngôn bất hủ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Chở đạo
Trọn cuộc đời, ngoài thiên chức là nhà giáo và thầy thuốc, Nguyễn Đình Chiểu đã chọn con đường sống, chiến đấu bằng ngòi bút, với cái tâm nhiệt thành, trong sáng, với lập trường trước sau như một “Đã vì nước phải đứng về một phía”, “Thà chết mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ”.
Với Nguyễn Đình Chiểu, chữ đạo như một cứu cánh vĩnh hằng, như một anh linh bất tử, như một quỹ đạo mầu nhiệm, như một giềng mối kỷ cương chi phối mọi hoạt động sáng tạo nghệ thuật của Cụ.
Cùng với các nhà Nho đương thời, Nguyễn Đình Chiểu từng nhắc đến quan điểm “Văn dĩ tải đạo” (Văn dùng để chở đạo), nhưng quan điểm của cụ khác với các nhà Nho đương thời và cũng khác với quan niệm văn chương phổ biến lúc bấy giờ.
Nho gia chính thống cho rằng “Đạo là của Trời”, “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”, nhưng Nguyễn Đình Chiểu rất thực tế: “Đạo trời nào phải ở đâu xa, gẫm ở lòng người mới thấy ra”. Vậy là, từ “Lòng người” mà thấy rõ “Đạo trời”; từ “Lòng người” mà “Đạo làm người” được hun đúc, xác lập và tỏa sáng; “Đạo làm người” là một thực tế của quá trình được giáo dục, rèn luyện và phát huy.
Phải chăng, cái đạo mà Nguyễn Đình Chiểu quyết đề cao, quyết cổ xúy, quyết củng cố, quyết bảo vệ và thuyền của cụ quyết chở không hề sợ khẳm… chính là đạo Nhân - Trung - Hiếu - Tiết - Nghĩa. Là đạo “Đề cờ khởi nghĩa”. Là đạo “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc”. Là đạo “Thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn có mắt, ông cha không thờ”. Là đạo “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”. Là đạo của những tiểu đồng, ông Quán, ông Tiều, ông Ngư, Kim Liên, Lão bà, Hớn Minh, Tử Trực… Là đạo ngày đêm trăn trở, suy tính, ấp ủ mưu lược giúp nghĩa quân thắng giặc… khiến hậu thế hết lời suy tôn cụ: “Văn chương trang thể ngoại, thao lược uẩn hung trung” (Văn chương tô điểm bên ngoài, nhưng tài thao lược ẩn chứa trong bụng của cụ).
Trừ gian
Còn cái gian mà Nguyễn Đình Chiểu cực lực lên án, căm ghét tột độ - “Ghét cay, ghét đắng, ghét vào trong tâm” - muốn tiêu diệt nó, muốn dùng ngòi bút chính khí đâm nó… vẫn không tà!? Đó không ai khác là giặc xâm lược Pháp, là lũ tay sai, phản động, là lũ sâu dân mọt nước, là bọn nhũng nhiễu, tham quan ô lại, bọn đối lập với lẽ phải, với chính nghĩa, với nhân dân, với đất nước… Trong văn học, đó là bọn giặc dữ Ô Qua, là Thái Sư, Võ Công, Võ Thể Loan, là Cốt Đột, Trịnh Hâm, Bùi Ông, Bùi Kiệm…
Là nhà thơ Việt Nam đầu tiên khắc họa thiên anh hùng ca bất tử vì nghĩa lớn của những nông dân nghĩa sĩ, Nguyễn Đình Chiểu qua đó cho thấy cái đạo mà ông đề cập rất gần gũi với quần chúng nhân dân lao động, ca ngợi những người anh hùng dù bị thất thế, bị tổn hại nhưng rất dũng cảm, bất khuất, hiên ngang…: “Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có…”.
Với Nguyễn Đình Chiểu, cuộc chiến đấu để giữ đạo, vì đạo với cuộc trừng trị kẻ gian ác, phản động, xấu xa… có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Nhưng trừ gian phải được xem là mũi nhọn, là tiền đề để củng cố, xây dựng đạo. Trừ gian phải dứt khoát, triệt để, tới cùng, không khoan nhượng. Sẽ không bao giờ có nước vinh, đạo sáng nếu không đè bẹp, đánh gục lũ cướp nước, phản động, nhũng nhiễu, gian tham…
Thiếu nhi Ba Tri biểu diễn hát sắc bùa Phú lễ tại Ngày hội truyền thống Văn hóa. Ảnh: A. Nguyệt
Đã hơn một thế kỷ rưỡi qua, di sản tư tưởng “Chở đạo, trừ gian” của vị thiên sứ đạo đức Nguyễn Đình Chiểu đã ăn sâu trong lòng người dân Việt. Di sản văn hóa ấy không những được khẳng định bằng việc xác lập “Biểu trưng” của Bến Tre, mà còn luôn được khơi gợi, luôn mang tính thời sự nóng hổi khi cả hệ thống chính trị và nhân dân ta đang tiếp tục triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc xây và chống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII của Đảng.
Chúng ta như nghe văng vẳng bên tai lời bộc bạch khẳng định tự ngày xưa của cụ: “Sự đời thà khuất đôi tròng thịt/ Lòng đạo xin tròn một tấm gương”!
Kỷ niệm ngày sinh, ngày mất Nguyễn Đình Chiểu, mỗi người chúng ta “Sáng mắt, sáng lòng” noi gương sáng của cụ!
Tư tưởng, đạo đức, nhân cách, tài năng Nguyễn Đình Chiểu mãi mãi tỏa sáng đời đời phát huy!
Sẵn sàng cho các hoạt động Ngày hội truyền thống Văn hóa tỉnh
Năm 2018 là năm thứ 26 Bến Tre tổ chức Ngày hội truyền thống văn hóa gắn với kỷ niệm 196 năm ngày sinh (1-7-1822 - 1-7-2018) và 130 năm ngày mất (3-7-1888 - 3-7-2018) của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Ngày hội sẽ diễn ra từ ngày 30-6 đến hết ngày 3-7-2018 tại điểm chính Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, một số điểm khác ở huyện Ba Tri, cấp tỉnh và các huyện, thành phố cũng có hoạt động tuyên truyền hưởng ứng.
Điểm mới trong hoạt động nghệ thuật năm nay là thay đổi hình thức thi diễn, đó là Liên hoan Diễn xướng dân ca Bến Tre lần thứ nhất năm 2018, gồm: hát lý, hò, vè, hát ru, Hát sắc bùa Phú Lễ… (trước đây là Liên hoan hóa trang). Hội thi Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh cũng là một điểm mới nâng tầm hội thi so với các năm trước (do Tỉnh Đoàn tổ chức nhân Ngày hội truyền thống Văn hóa). Ngoài ra, còn có các hoạt động thường niên khác như biểu diễn cải lương, chiếu phim lưu động, nghệ thuật trưng bày sách…
Ông Trường Văn Kỷ - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Ba Tri cho biết, huyện đã triển khai công tác tuyên truyền, treo, đặt 230 băng phướn, panô và 280 cờ hoa tại trung tâm và các tuyến đường chính, tạo không khí trang trọng, vui tươi cho ngày hội. Đã sẵn sàng cho các hoạt động văn hóa - thể thao như: “Mâm cơm ngày giỗ”, “Mâm xôi ngày hội”, Hội thi ảnh nghệ thuật chủ đề “Đất và người Ba Tri”; chuẩn bị cho công tác thi đấu các môn thể thao: nhảy bao, kéo co, ném bóng… Phối hợp với doanh nghiệp tổ chức 250 gian hàng tại Hội chợ thương mại - hàng tiêu dùng tại khu đô thị Việt Sinh - An Bình (thị trấn Ba Tri).
Ánh Nguyệt
|
N.Q.T