|
Trưởng ấp An Ngãi A (xã An Thạnh, Thạnh Phú) Nguyễn Văn Cương. Ảnh: P.L.H.H. |
Anh Nguyễn Văn Cương (Tư Cương) năm nay 49 tuổi, làn da anh đen đúa, hiện rõ nét nông dân chân chất. Năm 2002, Tư Cương được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng ấp ấp An Ngãi (xã An Thạnh, Thạnh Phú) và từ đó đến nay anh đã đảm nhận 3 nhiệm kỳ làm trưởng ấp.
Ấp An Ngãi khi chưa tách ra thành ấp An Ngãi A và An Ngãi B như hiện nay, Tư Cương phụ trách một địa bàn rộng lớn giáp với 4 xã: xã Bình Thạnh, An Thuận, An Qui, An Điền và thị trấn Thạnh Phú. Trên một địa bàn dân cư trải rộng và khó quản lý như vậy, thế nhưng Tư Cương, chỉ với chiếc xe đạp, trong tháng anh phải xoay vòng đến với trên 15 tổ NDTQ trong ấp để nắm tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội và vận động bà con làm giao thông nông thôn, làm đẹp cảnh quan, môi trường.
Khi tách ấp (tháng 11-2009), Tư Cương làm Trưởng ấp An Ngãi A nhưng công việc ở anh vẫn không nhẹ nhàng hơn trước, vì lúc này đây, xã An Thạnh đang phấu đấu quyết liệt để trở thành xã văn hóa trong quí 3-2010. Buổi trưa, tại Giồng Trâm, tôi theo anh Tư Cương đến thăm hộ ông Nguyễn Văn Sua (Bảy Sua) ở tổ NDTQ số 8, ấp An Ngãi A, một nông dân sản xuất giỏi của huyện Thạnh Phú vừa được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tặng bằng khen đạt danh hiệu nông dân sản xuất lúa sáng tạo tại Festival Lúa gạo (Hậu Giang, tháng 11-2009). Trên đường đến mô hình sản xuất lúa - tôm của Bảy Sua, Tư Cương chỉ tay xuống con đường bê-tông xi-măng khang trang nối từ tổ NDTQ số 7 qua tổ NDTQ số 8, cho biết: “Đường nông thôn này dài 1,1km, xi-măng, do chiến dịch Mùa hè xanh năm 2009 hỗ trợ, phần còn lại do anh Bảy Sua hùn vô 36 triệu đồng để hoàn thành con đường. Cũng trên con đường này, ông Trương Văn Huệ đã tự nguyện góp vô thêm 21,5 triệu đồng làm tiếp 275m đường. Trước năm 2009, đường vào địa phận Giồng Trâm này rất khó khăn, nắng bụi, mưa bùn…”.
Hằng ngày, anh Tư Cương dậy lúc 3 giờ sáng phụ với vợ dọn trứng vịt, lấy bánh mì, làm bánh mì thịt… để vợ đứng bán ở một góc đường liên xã An Thạnh – An Qui. Xong xuôi, trong ngày, Tư Cương lo việc xóm ấp. Khi trời bắt đầu sa mưa, song song với công việc của xóm ấp, anh còn làm 6 công đất cấy lúa và nuôi xen tôm – cua. Đây mới là nguồn thu nhập chính của gia đình anh (tiền trợ cấp cho trưởng ấp chỉ 730.000 đồng/tháng).
Ngày 9-7 vừa qua, đoàn kiểm tra xây dựng xã văn hóa của tỉnh, huyện Thạnh Phú đã đến xã An Thạnh kiểm tra lần cuối và công nhận xã này đạt các tiêu chí của một xã văn hóa. Để được vinh dự trên, ngoài công sức của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã An Thạnh và ấp An Ngãi nói chung, còn phải kể đến tinh thần làm việc năng nổ, nhiệt tình của Trưởng ấp, Phó Bí thư Chi bộ ấp An Ngãi A Nguyễn Văn Cương.