Người nghèo phát triển sinh kế từ các nguồn vốn vay

29/11/2019 - 06:54

BDK - Phó chủ tịch UBND xã Thới Thuận, huyện Bình Đại Phan Ngọc Tiến cho biết, xã có điều kiện tự nhiên thuận lợi trong nuôi trồng thủy sản. Những năm gần đây, giá cả các mặt hàng thủy sản ổn định ở mức cao, nhất là sò huyết. Bà con đã tận dụng các bãi bồi ven sông, rạch để thả nuôi thủy sản và mang lại hiệu quả kinh tế. Hộ nghèo, hộ cận nghèo đã mạnh dạn vay vốn làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mô hình nuôi sò thương phẩm của chị Cao Thị Lệ Thủy.

Nuôi sò huyết thương phẩm

Theo giới thiệu của Phó chủ tịch UBND xã Thới Thuận Phan Ngọc Tiến, chúng tôi đã tìm đến thăm hộ chị Cao Thị Lệ Thủy - Tổ nhân dân tự quản số 2, ấp Thới Hòa I, đang thả nuôi vụ sò huyết sau hơn một năm và chuẩn bị thu hoạch với diện tích mặt nước hơn 3 công đất ven một con rạch phía sau nhà. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Huỳnh Thị Thủy Tiên cho biết: “Hoàn cảnh của chị Thủy rất khó khăn, do thiếu vốn làm ăn. Qua quá trình thâm nhập, nắm bắt được nhu cầu làm ăn của chị, chúng tôi đã mạnh dạn tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ chị tiếp cận, vay vốn từ nguồn vốn ủy thác của hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chị Thủy vay được 50 triệu đồng để đầu tư mua giống sò huyết về thả nuôi”.

Chủ tịch Hội LHPN xã Huỳnh Thị Thủy Tiên cho biết, chị Thủy là hộ cận nghèo và được UBND xã phân công Hội LHPN xã, theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ trong suốt quá trình xây dựng mô hình sinh kế, thoát nghèo bền vững từ năm 2018. Hoàn cảnh của chị Thủy là do thiếu vốn làm ăn.

Chị Thủy chia sẻ: Trước đây chị bị thất thu nặng trong một vụ nuôi tôm biển dẫn đến cảnh nghèo túng. Trong diện tích 4 công đất hiện có, gia đình chỉ có hơn 1 công đất là đất ở và được chị tận dụng để trồng xoài cát Hòa Lộc. Phần diện tích 3 công đất mặt nước, nhiều năm liền chị đành phải bỏ không vì thiếu vốn. Sau khi được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình của Hội LHPN xã, chị đã vay vốn và thả nuôi sò huyết. Đến nay, qua 2 vụ nuôi đã giúp chị thu lãi và có vốn để mở rộng diện tích nuôi. Chị Thủy cho biết, vụ này nuôi rất thành công, từ đây đến Tết Nguyên đán 2020 và sau Tết sẽ cho thu hoạch. Hiện nay, với giá sò huyết 102 ngàn đồng/kg (140 con/kg) thì có lãi. Theo như Phó chủ tịch UBND xã Phan Ngọc Tiến dự báo, giá sò vào dịp Tết chắc chắn sẽ còn tăng hơn.

Góp phần giảm nghèo

Chị Thủy phấn khởi cho biết: “Vụ này thời tiết rất thuận lợi, tỷ lệ sò sống với mật độ rất dày. Trước đây, tôi được vay 30 triệu đồng để nuôi sò huyết và có lãi hơn 30 triệu đồng. Lần này, tôi vay thêm 50 triệu đồng và mượn thêm anh em trong nhà 50 triệu đồng nữa để mua con giống. vụ này với tỷ lệ sống và mật độ của sò qua khảo sát dưới triền sông, tôi rất phấn khởi. Nếu được cho vay tiếp sau khi đã thoát nghèo thì tôi sẽ mạnh dạn vay vốn nuôi thêm cua biển, vì đây cũng là con vật nuôi rất phù hợp với vùng đất này”.

“Chị Thủy là một trong những điển hình trong việc tạo sinh kế, thoát nghèo bền vững trong năm 2018 và năm 2019. Từ hiệu quả mô hình và việc sử dụng đồng vốn vay ưu đãi, trong năm 2019, 5 hộ tham gia Đề án tạo sinh kế, thoát nghèo của xã cũng chọn và xây dựng mô hình nuôi sò huyết thương phẩm. Tất cả đều mang lại hiệu quả. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này” - Chủ tịch Hội LHPN xã Huỳnh Thị Thủy Tiên cho biết thêm.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Phan Ngọc Tiến, nếu như trước đây nhu cầu của người nghèo sau khi tiếp cận vốn là để chăn nuôi bò và dê, thì hiện nay, bà con mạnh dạn đầu tư vào nuôi sò huyết, hiệu quả kinh tế rất cao chỉ sau một năm thả nuôi.

Qua khảo sát và bình nghị hộ nghèo cuối năm 2019, toàn xã chỉ còn 65 hộ nghèo với 96 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 2,51%. Hộ cận nghèo còn 92 hộ với 223 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 3,55%. Đây là số liệu khá lý tưởng qua hơn một năm thực hiện công tác giảm nghèo của một xã biển như Thới Thuận.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN